Khả năng xoay chuyển cục diện chiến sự Syria của tên lửa S-300

author 16:08 07/11/2015

(VietQ.vn) - Nếu Nga đã thực sự triển khai hệ thống tên lửa S-300 tới Syria thì loại vũ khí được mệnh danh ‘Rồng lửa’ này rất có thể sẽ trở thành ‘cơn ác mộng’ với các chiến dịch không quân của Mỹ.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Thời  gian gần đây, các phương tiện truyền thông quốc tế đang đồn đoán rằng Nga rất có thể đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tới Syria, trong bối cảnh tình hình chiến sự Syria đang trở thành tâm điểm của cả thế giới. Thông tin này bắt nguồn sau tuyên bố của người đứng đầu lực lượng không quân Nga, Thượng tướng Viktor Bondarev: “Chúng tôi đã cân nhắc tất cả các mối đe dọa có thể có. Chúng tôi đã triển khai tới Syria không chỉ chiến đấu cơ phản lực, máy bay tấn công, máy bay ném bom, trực thăng mà còn cả các hệ thống tên lửa”.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 là một trong những vũ khí quân sự mạnh nhất của Nga

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 là một trong những vũ khí quân sự mạnh nhất của Nga

Hiện vấn chưa rõ liệu ông Bondarev đang nhắc đến các loại tên lửa sắp được triển khai thêm hay nói về một số tên lửa Pantsir-S1 mà Nga đã đưa sang Syria. Tuy nhiên, nếu Nga đã thực sự triển khai hệ thống tên lửa S-300 (do Almaz-Antey sản xuất) ở Syria thì đó có thể sẽ là thách thức lớn cho các chiến dịch không quân của Mỹ và đồng minh.

S-300 bao gồm một loạt hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Tổng công ty Khoa học Công nghiệp Almaz-Antey của Nga sản xuất. Liên Xô triển khai hệ thống này lần đầu năm 1979 nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận của nước này phòng thủ trước những cuộc không kích từ kẻ thù.

S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tên lửa đạn đạo, đồng thời được coi là một trong những hệ thống chống máy bay mạnh nhất hiện nay với tầm bắn lên đến hơn 150 km. S-300 cũng sở hữu sức mạnh ngăn chặn cả chiến đấu cơ tàng hình.

"Tên lửa S-300 là hệ thống phòng không hàng đầu của Nga", ông Robert Hewson, cây bút từ tạp chí quốc phòng IHS Janes, bình luận. "Đây là hệ thống phòng thủ đủ khả năng bắn hạ bất kỳ loại tên lửa hay mẫu chiến đấu cơ tiên tiến nào", ông nhấn mạnh.

Quy trình hoạt động cơ bản của một hệ thống phòng thủ tên lửa S-300

Quy trình hoạt động cơ bản của một hệ thống phòng thủ tên lửa S-300

Theo đó, hệ thống tên lửa S-300 có thể đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 chiếc trong số đó. Ở những phiên bản S-300PMU1/2 trở về sau, khả năng của radar được tăng cường, theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm. Thời gian để triển khai S-300 là 5 phút. Các tên lửa S-300 được đặt trong những ống kim loại kín và không cần bảo trì trong suốt quá trình sử dụng.

Quy trình hoạt động cơ bản của một hệ thống S-300 gồm 4 bước. Đầu tiên, các radar giám sát tầm xa xác định mục tiêu và chuyển tiếp thông tin về các xe chỉ huy để tiến hành đánh giá, phân tích. Sau khi xác nhận mục tiêu, xe chỉ huy truyền lệnh bắn tới radar điều hướng. Khi tiểu đoàn ở vị trí tốt nhất nhận được lệnh bắn này, họ lập tức khai hỏa tên lửa đất đối không. Radar điều hướng giúp dẫn tên lửa tới chính xác mục tiêu cần tiêu diệt.

Hệ thống phòng không S-300 có nhiều phiên bản nâng cấp được trang bị những loại tên lửa, radar khác nhau với khả năng chống các phương pháp tấn công điện tử tốt hơn, tầm bắn xa hơn và ứng phó với nhiều tình huống hơn. Hiện có ba biến thể chính gồm: S-300V, S-300P và S-300F. Mỗi biến thể lại chia ra nhiều loại với từng tính năng riêng biệt.

Một phi công của lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đánh giá: “Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 là một mối đe dọa chết người đối với tất cả mọi thứ trừ các chiến đấu cơ và máy bay ném bom tàng hình hiện đại nhất. Nó là thứ thay đổi cuộc chơi hoàn toàn đối với tất cả các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư như F-15, F-16 và F/A-18”.

Nếu Nga thực sự triển khai tên lửa đất đối không S-300 tới Syria thì đây sẽ là yếu tố xoay chuyển tình hình chiến sự Syria

Nếu Nga thực sự triển khai tên lửa đất đối không S-300 tới Syria thì đây sẽ là yếu tố xoay chuyển tình hình chiến sự Syria

Nhiều chuyên gia quân sự bình luận, nếu đã triển khai S-300, hoặc thậm chí là hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không chiến lược S-400 tối tân hơn tới Syria, thì Nga có thể biến các khu vực ở Syria thành những vùng cấm bay đối với máy bay của Mỹ và đồng minh. Trên thực tế, hiện chỉ có loại chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-22 Raptor và B-2 Spirit của Không quân Mỹ mới có thể hoạt động ở trong các khu vực được bảo vệ bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.

Tuy nhiên, ngay cả các chiến đấu cơ hiện đại này cũng gặp phải thách thức nếu có đủ số lượng S-300 được bố trí thành một mạng lưới phòng không tổng hợp. Số lượng và vị trí bố trí của các hệ thống

tên lửa S-300 sẽ tạo ra sự khác biệt lớn. Một thách thức nữa đối với các đối tượng tác chiến của S-300 đó là hệ thống này có tính cơ động rất cao.

 

Minh Thùy (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang