Tết của người lính biển

author 08:29 01/02/2014

“Tôi luôn nhớ những cái Tết đầu tiên khi bố không trở về nữa, mẹ khóc rất nhiều đêm giao thừa, khóc lúc chuẩn bị Tết và cả sau Tết. Khi đó chúng tôi còn rất nhỏ, sau này lớn lên một chút thì biết bố mình là anh hùng, bố đã hi sinh. Mỗi lần thấy mẹ khóc thì hai anh em lại khóc theo” - Xuân Đăng nói qua điện thoại khi anh đang công tác tại đảo Phan Vinh (quần đảo Trường Sa).

Đúng 14 năm sau khi thuyền trưởng tàu HQ604 Vũ Phi Trừ (anh hùng liệt sĩ) hi sinh trong trận hải chiến Trường Sa ngày 14-3-1988, thiếu úy Vũ Xuân Đăng (sinh năm 1983), con trai lớn của anh, tiếp nối hoài bão và lý tưởng của cha mình.

Xuân Đăng chọn con đường trở thành người lính hải quân như bố. Anh hiện đang công tác tại Lữ đoàn 125 hải quân.

Những cái Tết không có bố

Thiếu úy Vũ Xuân Đăng (bìa trái) trong buổi giao lưu giữa Tuổi Trẻ với Lữ đoàn 125 hải quân tháng 3-2013 - Ảnh: Minh Đức

Thiếu úy Vũ Xuân Đăng (bìa trái) trong buổi giao lưu giữa Tuổi Trẻ với Lữ đoàn 125 hải quân tháng 3-2013 - Ảnh: Minh Đức

Sự kiện ngày 14-3-1988 còn được gọi với cái tên “hải chiến Trường Sa 1988”. Đầu tháng 3-1988, Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa. Dự đoán Trung Quốc sẽ chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam ra lệnh các tàu của Lữ đoàn vận tải 125 mang theo một số phân đội của Trung đoàn công binh 83 và Lữ đoàn 146 nhanh chóng đến các đảo này. Sau khi phát hiện tàu Trung Quốc đưa quân chiếm đóng bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, ba tàu vận tải HQ604, HQ605, HQ505 khi đó đang trên đường chở vật liệu ra xây dựng nhà trên đảo đã lập tức bảo vệ đảo.

Trong khi Trung Quốc có tàu chiến và vũ khí, lực lượng công binh Việt Nam chỉ có cuốc, xẻng… trong tay nhưng họ đã anh dũng kết thành vòng tròn bảo vệ đảo. 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam hi sinh. Ba tàu vận tải bị bắn cháy (hai tàu HQ604 và HQ605 bị chìm) trong cuộc chiến không cân sức.

“Tôi luôn nhớ những cái Tết đầu tiên khi bố không trở về nữa, mẹ khóc rất nhiều đêm giao thừa, khóc lúc chuẩn bị Tết và cả sau Tết. Khi đó chúng tôi còn rất nhỏ, sau này lớn lên một chút thì biết bố mình là anh hùng, bố đã hi sinh. Mỗi lần thấy mẹ khóc thì hai anh em lại khóc theo” - Xuân Đăng nói qua điện thoại khi anh đang công tác tại đảo Phan Vinh (quần đảo Trường Sa).

Hơn 10 năm nhập ngũ, Xuân Đăng chỉ mới được ăn Tết cùng gia đình ba lần. Ba năm đầu là chiến sĩ nên chưa được về phép Tết. Chỉ có những người mới lập gia đình hoặc đã có con mới được về. Tết năm 2007, cái Tết đầu tiên Xuân Đăng được về phép sau những ngày biền biệt đi biển và trực ở đơn vị. Khi đó, Đăng đã là quân nhân chuyên nghiệp được hưởng phép Tết.

“Ai được phép Tết thì ngày 20 âm lịch đã được về rồi - Xuân Đăng cho biết - Tôi được mẹ giao đi chợ mua cá chép về tiễn ông Táo rồi đi tế họ ở nhà trưởng họ. Tôi rất thích được ngồi phụ mẹ làm bánh chè lam, bánh mật, bánh trôi trong đêm đón giao thừa. Vừa thấy mình lớn mà lại thấy mình vẫn còn trẻ con lắm. Ngày 27, 28 Tết chuẩn bị gói bánh chưng. Mẹ tôi ngâm gạo, đỗ. Mọi người xúm lại lau lá, gấp lá làm khuôn, người gói bánh, người chuẩn bị đồ ăn đêm… Vui lắm. Đêm, mấy chú cháu, anh em quây quần lại nói chuyện, nấu bánh chưng đến sáng. Nhà tôi ít người nên gói ít bánh, tôi còn qua nhà các chú phụ làm”.

Chiều 30 Tết, hai anh em Xuân Đăng và những người lớn trong đại gia đình đi tảo mộ, thắp hương mời các cụ về đón Tết cùng con cháu rồi tập trung lại nhà Đăng ăn bữa cơm tất niên. Chiều tối, sau khi tham gia chương trình đón xuân của làng quê tổ chức, anh lại nhanh chân chạy về làm gà, đổ xôi chuẩn bị đón giao thừa. Bố mất, nhà không có nhiều người, chỉ có ba mẹ con và bà nội. “Giao thừa, anh em tôi chúc tuổi bà, chúc tuổi mẹ. Những lúc đó mẹ hay kể về bố. Mỗi lần về Tết bố mang rất nhiều quà là bánh, kẹo, đường, sữa, đồ hộp của bộ đội nhưng bố giữ lại cho mấy mẹ con. Mẹ bảo bố thỉnh thoảng mới được về phép Tết” - Xuân Đăng kể.

Người đàn ông trụ cột

Sau này, khi bà nội mất, nhà chỉ còn ba mẹ con. “Tôi rất thích không khí thiêng liêng khi chờ đợi kim đồng hồ nhích dần qua năm mới. Có mặt ở nhà thấy mình như lớn hơn, là chỗ dựa cho mẹ và em, làm không khí ấm cúng hơn. Cho nên được về nhà đón Tết cùng mẹ và em, tôi thấy rất hạnh phúc” - Xuân Đăng nói. Nhưng khi cái cảm giác hạnh phúc ấy chưa kịp đong đầy thì nỗi nhớ bố lại ùa về. Xuân Đăng bảo: “Tôi luôn ước có bố ở bên cạnh, nhất là lúc chuẩn bị gói bánh chưng, đêm giao thừa.

Trung tá Phạm Văn Hưng - Ảnh: Minh Đức

Trung tá Phạm Văn Hưng - Ảnh: Minh Đức

Bây giờ tôi đã lớn, đã là người đàn ông trụ cột trong gia đình, muốn có thể được ngồi hai cha con cùng uống ly rượu đầu xuân nhưng bố không còn... Khi bố hi sinh, tôi còn rất nhỏ. Giờ tôi đã là chỗ dựa cho mẹ, cho em, được lo lắng, bàn bạc việc nhà”. Xuân Đăng là con trưởng nên sau giao thừa sẽ cùng chú ruột đi nhà thờ họ thắp nhang và chúc Tết một vòng bên nội ngoại tới gần sáng mới về nhà.

Tết năm 2011, Xuân Đăng mới cưới vợ xong. Tàu đang trực ở Cam Ranh, anh được tranh thủ về từ tối 27 Tết, đón giao thừa rồi trưa mùng 1 lên đường trở về Cam Ranh. Sau đó, Xuân Đăng đưa mẹ và em vào quận 9 (TP.HCM) sinh sống cho gần đơn vị. Tết năm 2012, anh mới được ăn Tết ở Sài Gòn. “Mẹ tôi đã yếu nên giao hết cho hai vợ chồng. Tôi lập cập lo mọi việc trong gia đình vì lần đầu tiên được làm chủ, đứng ra lo lắng việc Tết. Lần đầu tiên phải tự quán xuyến, tự nghĩ ra cần mua cái gì…, tôi thấy trách nhiệm mình lớn hơn” - Xuân Đăng kể.

Giao thừa. Đăng thắp nhang cho bố và một lần nữa “thông báo” với bố về thành viên mới: “Bố ơi, lúc cưới con đã thông báo với bố rồi, nhưng giao thừa này bố về thăm nhà, con xin thông báo lần nữa với bố. Rồi cả nhà tôi quây quần lại. Mẹ tôi dặn dò: Bây giờ con có vợ rồi, phải sống như thế nào với nhau rồi vợ chồng phải quán xuyến gia đình như thế nào. Cả nhà cũng kể lại chuyện năm cũ đã qua, chúc nhau về những điều tốt đẹp trong năm mới...”.

MY LĂNG

Người lính biển kể chuyện Tết

Hơn 25 năm trước, nơi biển khơi xa xôi cách trở, có những người lính hải quân đã may mắn trở về sau sự kiện khốc liệt 14-3-1988. Một trong những người may mắn ấy - trung tá Phạm Văn Hưng, khi đó là thiếu úy, ngành trưởng ngành hỏa lực tàu HQ505, hiện đang công tác tại Lữ đoàn 125 hải quân.

Hơn 25 năm trôi qua, trung tá Hưng đã đi bao chuyến tàu ngang qua Gạc Ma, Cô Lin - những vùng biển dậy sóng nhuộm máu đồng đội anh năm xưa. Trung tá Hưng vẫn không thể quên cái Tết trên biển đầu tiên trong đời người lính hải quân, trước khi xảy ra sự kiện 14-3-1988 hai tháng.

Trong trí nhớ của mình, anh Hưng vẫn còn nhớ rõ tàu HQ505 xuất phát từ Cam Ranh đi làm nhiệm vụ từ ngày 27 tháng chạp Tết năm 1987. “Trước khi gọi toàn bộ sĩ quan giao nhiệm vụ, Tư lệnh Giáp Văn Cương có nói, đại ý: cứ giải phóng xong hàng rồi về Bắc ăn Tết. Đó giống như một lời hứa mà bọn tôi ngầm hiểu” - trung tá Hưng kể. Họ chưa kịp về Bắc thì lại nhận tiếp nhiệm vụ. Đó là cái Tết đầu tiên của hầu hết cán bộ, chiến sĩ tàu HQ505 trên biển. Con tàu hành trình trong gió mùa đông bắc.

Đêm giao thừa trong sóng gió, trong tâm trạng bề bộn âu lo. Anh kể: “Đó là một đêm giao thừa rất ý nghĩa trong cuộc đời tôi. Tôi cứ nhớ mãi lát dưa đỏ. Ngày đó, ngoài biển có cái gì đâu. Trên bàn thờ có mỗi quả dưa đỏ là tốt lắm rồi. Anh em cắt dưa đỏ, mỗi người một miếng chúc nhau may mắn trong những năm tới. Hôm ấy sóng lớn vì đang thời kỳ gió mùa đông bắc. Tôi ở cùng phòng với anh Phạm Huy Sơn, thủy thủ trưởng.  Sau này anh Sơn là một trong mười người ở lại giữ tàu cùng với anh Lễ (thuyền trưởng Vũ Huy Lễ)”.

Đến 4g sáng mùng 1 Tết năm 1988, tàu HQ505 mới bắt được đảo Đá Lớn. Bắt được đảo rồi, thả neo lại không ăn. Cả ngày mùng 1 Tết tàu cứ thả trôi xung quanh đảo. 

Sau đó tàu HQ505 và các tàu khác làm nhiệm vụ trên biển khoảng một tháng thì xảy ra sự kiện 14-3-1988. Lần cuối cùng họ còn được nhìn thấy nhau là trưa 13-3. Khi ấy, tàu HQ505 đang cập đảo Đá Lớn. Tàu HQ604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ cập mạn đảo Đá Lớn để đưa lệnh của Tư lệnh hải quân: tàu HQ604 sẽ đến đảo Gạc Ma, còn tàu HQ505 đến đảo Cô Lin. “Trưa đó anh em có uống với nhau ly rượu, trong đó có anh Vũ Phi Trừ, anh Hoàng, anh Thiều, em Bảy... Vậy mà chỉ một ngày sau họ đều hi sinh” - trung tá Hưng ngậm ngùi nói.

Những khoảnh khắc ấy, trong đêm giao thừa đón năm 1989, lại ùa về trong giây phút người lính biển một mình lặng lẽ đốt nén nhang. “Tôi nghĩ rất nhiều đến đồng đội của mình trên tàu Cô Lin. Lại là một cái Tết xa nhà với đồng đội. Nghĩ đến đó, thấy lòng sắt lại. Tôi nghĩ rất nhiều đến đồng đội, đến chuyện sinh tử, đến chuyện hi sinh của người lính...”.

Anh Hưng kể tiếp: “Tết năm 1996 là cái Tết đầu tiên tôi lập gia đình. Gia đình đầm ấm sum họp, nhưng trong phút thiêng liêng của đêm giao thừa ấy, tôi không thể rời khỏi suy nghĩ về đồng đội, những người giờ này vẫn lạnh lẽo nằm dưới biển sâu thăm thẳm. Đồng đội tôi có những người còn rất trẻ, chưa thể cảm nhận được cái không khí Tết có vợ, có con. Khi ra đi, họ còn chưa kịp nắm tay một cô gái, có người chưa kịp yêu...”.

MY LĂNG ghi

Theo Tuổi Trẻ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang