Tết Đinh Dậu: Lúa cảnh lần đầu xuống phố Hà Nội trưng Tết

authorHoàng Dương 05:44 22/01/2017

(VietQ.vn) - Sự xuất hiện của lúa cảnh trên phố Hà Nội khiến nhiều người ngạc nhiên và thích thú. Nhờ có lúa cảnh mà thị trường hoa Tết Đinh Dậu có thêm sắc màu độc lạ.

Sự kiện: Hàng độc lạ Tết Đinh dậu 2017

Theo những người bán lúa cảnh cho biết, lúa được trồng ở các huyện ngoại thành Hà Nội như Đan Phượng, Hoài Đức. Với giá 50.000 đồng/khóm, những bông lúa trĩu vàng đang hòa cùng sắc thắm của đào, sắc vàng của mai giúp phố phường Hà Nội thêm lung linh sắc màu.

tet-dinh-dau-lua-canh-lan-dau-xuong-pho-ha-noi-trung-tet

 Lúa cảnh lần đầu xuống phố Hà Nội trưng Tết Đinh Dậu

Theo nhiều người, năm gà dùng lúa vàng trưng Tết rất hợp, với ý nghĩa thể hiện một năm sung túc, đầy đủ và ấm no. Hơn nữa, lúa vàng còn tượng trưng cho tiền tài và một năm bội thu nhất là đối với những người làm kinh doanh.

Anh Nguyễn Văn Huân, một nông dân trồng lúa cảnh tại Hoài Đức và hiện tại đang bán ở thị trường Hà Nội những ngày cận Tết cho biết, đây là giống lúa ngắn ngày, thân cao và hạt lúa to đều. Thời gian sinh trưởng của lúa cảnh khoảng từ 2 -3  tháng. Lúa cảnh đòi hỏi khâu chăm sóc khá cầu kì.

“Để có được lúa cảnh chơi Tết không dễ dàng một chút nào. Năm nay thời tiết ít lạnh nên có phần thuận lợi cho lúa phát triển. Mùa đông không phải là  thời vụ trồng lúa nên việc chăm sóc hơi khó khăn. Lúa cảnh xuống phố ngay lập tức tạo ra được hiệu ứng và khiến người dân tò mò thích thú bởi đây là đồ trưng Tết còn lạ lẫm”, anh Huân nói.

Theo anh Huân, năm ngoái anh đã từng trồng lúa cảnh để bán Tết. Tuy nhiên, lúa không sinh trưởng tốt vì thời tiết giá lạnh kéo dài. Năm nay, không vì thế mà nản chí, anh tiếp tục trồng và nhờ thời tiết thuận lợi nên anh cũng có được một ruộng lúa cảnh bán Tết. Với giá 50.000 đồng/khóm lúa, anh cho biết một sào ruộng sẽ thu về khoảng vài chục triệu đồng.

Chị Mai Thu Hương (Đan Phượng – Hà Nội) chuyên cung cấp lúa cảnh Tết Đinh Dậu 2017 tại một cửa hàng trên phố Hoàng Hoa Thám cho rằng: Người Việt gắn với văn hóa lúa nước thì tại sao Tết cổ truyền không dùng lúa trưng Tết để may mắn và sung túc. Hơn nữa, là năm gà thì nên trưng Tết bằng lúa cảnh với những bông vàng trĩu nặng sẽ mang đến sự no ấm, thịnh vượng và khởi đầu một năm mới nhiều tốt tươi.

tet-dinh-dau-lua-canh-lan-dau-xuong-pho-ha-noi-trung-tet

 Nhờ trồng lúa cảnh bán Tết mà nhiều nông dân có được thu nhập khá

Hiện tại, lúa cảnh được bán khá nhiều tại các chợ hoa như ven hồ Tây, chợ hoa Hoàng Hoa Thám… Lúa cảnh xuống phố ngay lập tức đã nhận được sự đón nhận từ người dân.

Cô Thu Hiền (Lạc Long Quân – Hà Nội) cho rằng, ai sinh ra cũng có cho mình một miền quê, cũng lớn lên nhờ cánh đồng lúa. Với thời đại đô thị hóa, những cánh đồng ven đô Hà Nội không còn, vậy nên, thấy chợ Tết bày bán lúa cảnh là thấy ngay một nét đẹp văn hóa xưa ùa về.

“Khá là bất ngờ, cô không nghĩ lại bắt gặp những cây lúa nguyên bùn đất của đồng nội ở giữa đất thủ đô. Nó khiến cô nhớ về quê hương, về thời ấu thơ, nhớ về những buổi gieo trồng cận Tết. Bỏ ra 200.000 đồng mua lấy 1 chậu lúa cảnh với 4 khóm về trưng Tết năm gà vừa rẻ vừa thấy đầy ý nghĩa”, cô Hiền nhấn mạnh.

Theo chị Hạnh Nguyên (Thái Thịnh – Đống Đa) thì chị mua lúa cảnh về không chỉ trưng Tết mà còn cho các co chị xem thành quả của những người nông dân. Để các con biết được hạt cơm trắng ăn hàng ngày người nông dân trồng được sinh ra như thế nào.

Ngoài việc bán lúa cảnh thì thị trường hoa Tết năm nay còn xuất hiện ngô cảnh, mía cảnh. Tuy nhiên, các sản phẩm từ nông dân này chưa nhiều và chưa được bán đại trà. 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang