Những phong tục ngày tết đang có nguy cơ phai nhạt

authorTrần Thanh 12:00 28/01/2017

(VietQ.vn) - Tết Nguyên đán 2017, có rất nhiều phong tục được coi là khởi đầu tốt đẹp cho một năm mới. Tuy nhiên, hiện nay những phong tục đó đang dần bị mai một.

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Xin chữ đầu năm
 
Phong tục xin chữ đầu năm bắt nguồn từ khi ông cha ta còn dùng chữ Hán, chữ Nôm làm chữ viết chính thống của đất nước. Người dân xin chữ đầu năm để trưng bày câu đối, trướng, hoành phi ngày Tết, vừa thể hiện lòng quý trọng đối với chữ nghĩa, học vấn; cũng là sự cầu mong cho năm mới sẽ tốt lành như những chữ: đức, phúc, tài, tâm,…
 
Ngày nay, khi chữ Hán, chữ Nôm không còn thịnh hành thì phong tục xin chữ đầu năm dần bị mai một. Vắng bóng hơn những ông đồ già “Bày mực tàu giấy đỏ/ Trên phố đông người qua” (Vũ Đình Liên).
 
Để nét đẹp truyền thống không bị biến mất, vào dịp Tết Nguyên Đán, những người biết chữ Hán, chữ Nôm hay sinh hoạt ở các câu lạc bộ thư pháp mở những bàn viết chữ cho mọi người, nhất là trẻ em đến xem viết chữ và xin chữ. Lớp trẻ có cơ hội thấy được sự tồn tại của một nét văn hóa đặc trưng của đất nước hiếu học.
 
Tết Nguyên Đán 2017: Những phong tục ngày tết đang có nguy cơ phai nhạt

Ông đồ già ngày nay viết chữ ở Văn Miếu, Bờ Hồ để gìn giữ văn hóa truyền thống (Ảnh minh họa – Nguồn internet)

 
Tục lệ khai bút
Tục khai bút xưa thường chỉ có giới học giả trong xã hội mới thực hiện. Cho đến những thế hệ sau này thì tục khai bút đã dần trở nên phổ biến và hòa nhập hơn,  khai bút không còn chỉ dành riêng cho những ông đồ, thầy đồ, thi sĩ nữa mà ngay cả những cô cậu học sinh, sinh viên cũng có thể thực hiện phong tục cổ truyền này. 
 
Xa xưa, khai bút thường bắt đầu ngay khi giao thừa vừa điểm, khi đất trời đang hòa làm một, áo quần tươm tất, bên án thư người ta mới cẩn trọng viết lên những nét chữ đầu tiên trong một năm mới. Giờ khai bút cũng là một điều hệ trọng, linh thiêng, phải chọn giờ hoàng đạo, ngày tốt và quan trọng hơn cả là tâm thái phải an nhiên, minh mẫn mới có thể khai bút. Tuy nhiên, ngày nay, tục khai bút đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều,không nhất thiết là phải khai bút đúng ngày đầu tiên, cũng không cần quá nề hà ngày tốt xấu nữa. Chỉ cẩn chọn một ngày đầu xuân năm mới, vào khoảnh khắc trong lòng cảm thấy hào hứng, trí tuệ minh mẫn, tràn trề là người ta có thể khai bút đầu xuân.
 
Nét chữ khai bút cũng có nhiều đổi khác, nếu như trước kia, người ta chọn một chữ thật trân quý trong đời hoặc một câu thơ đầy tâm đắc để khai bút thì ngày nay, khai bút được biến tấu với đủ các nội dung. Có thể là ghi lại những thành quả bạn đã có được trong năm qua, hay một câu danh ngôn, tục ngữ, cũng có thể là một bản chép về thành tích trong năm qua, hoặc chỉ đơn giản là những tâm nguyện của mình trong năm mới, những mục tiêu để phấn đấu chẳng hạn. 

 Rồi cứ thế, qua dòng chảy không ngừng nghỉ của thời gian, khai bút đầu năm hay cả tục xin chữ cũng dần phai nhòa trong ngày Tết Việt. Một nét đẹp mang đậm truyền thống hiếu học cũng vô tĩnh vì thế mà rơi vào quên lãng để nhường chỗ cho những thú vui xô bồ, náo nhiệt của ngày Tết. Vẫn biết rằng, lựa chọn là ở mỗi người ấy vậy mà cứ mỗi lần đọc lại câu thơ năm nào của Vũ Đình Liên, lại không khỏi xót xa, luyến tiếc trước những phong tục truyền thống đang dần nhạt phai.

 
Tết Nguyên Đán 2017: Những phong tục ngày tết đang có nguy cơ phai nhạt

Học sinh khai bút đầu xuân mong bắt đầu một năm học mới thuận lợi (Ảnh minh họa – Nguồn internet)

 
Bạn Trịnh Thị Tuyết (sinh viên khoa Giáo Dục Tiểu Học, Đại học sư phạm Hà Nội) cho biết: “Ngày bé mình được ông bà nhắc khai bút mỗi lần năm mới. Khi mình viết thì ông bà chúc mình học giỏi, nghe lời cô giáo nên mình rất thích, từ đó cố gắng học tập. Bây giờ lớn, bận nhiều việc hơn nên mình quên luôn cả khai bút. Năm nay mình sẽ nhớ để thực hiện, vừa may mắn lại tạo được động lực cho bản thân.”
 
Tết trồng cây
 
Tết trồng cây được Bác Hồ phát động vào ngày mồng 5 tết âm lịch mỗi năm. Trồng cây vào mùa xuân để cầu mong sự tươi tốt, lộc lá đến với cuộc sống, đồng thời tạo môi trường sống trong lành hơn.
 
Phong tục trồng cây ngày Tết bị hạn chế do ở thành phố không có không gian để tự trồng cây. Một số nhà trường khắc phục bằng cách tổ chức lễ trồng cây nhân dịp năm mới cho học sinh tham gia.
 
Tết Nguyên Đán 2017: Những phong tục ngày tết đang có nguy cơ phai nhạt

Các trường tiểu học cho học sinh tham gia trồng cây ngày Tết hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ

 
Gói bánh chưng
 
Câu chuyện gói bánh chưng ngày tết lưu truyền từ thời Lang Liêu, trở thành nét văn hóa thờ cúng cũng như ẩm thực ở Việt Nam. 
 
Ngày nay, người dân thành thị không có nhiều thời gian chuẩn bị cho Tết, và các dịch vụ phục vụ sẵn phổ biến, nên nhiều gia đình đặt bánh chưng gói sẵn chủ yếu chỉ để bày bàn thờ. Điều đó vô tình làm mất đi không khí rộn ràng, đầm ấm quanh nồi bánh chưng, chuẩn bị những lễ vật linh thiêng dâng lên ông bà tổ tiên.
 
Tết Nguyên Đán 2017: Những phong tục ngày tết đang có nguy cơ phai nhạt Quả thực, Tết ngày nay đã có quá nhiều đổi thay. Xã hội hiện đại, cuộc sống gấp gáp nên Tết cũng phải tự thu mình lại sao cho hợp thời, hợp cảnh. Có nhiều điều không còn được như trước, cũng có nhiều nét đặc biệt của Tết xưa giờ chỉ còn là dư vị tuy nhiên cái hồn cốt của Tết vẫn được nâng niu trong trái tim mỗi người dù trẻ hay già, dù họ có bị cuốn vào nhịp sống xô bồ của xã hội hiện đại hay không. Chỉ vậy thôi là chúng ta vẫn còn rất nhiều lý do để chờ đón Tết, để trao cho Tết tất cả những hi vọng và niềm vui của một năm dài. 
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang