Tết Nguyên Đán 2017: Xuân này bên kia niềm nhớ…

authorTrần Thanh 21:00 28/01/2017

(VietQ.vn) - Tết Nguyên Đán 2017 đang đến rất gần, trong lòng những người con xa xứ lại rộn lên những cảm xúc nhớ nhung và mong ước một cái tết sum vầy bên gia đình.

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Những cái Tết đong đầy nỗi nhớ, niềm thương

Rất nhiều bạn trẻ xa quê thú nhận rằng không khí tết như đang đưa đẩy tâm trí họ hướng về quê nhà. Có khi cả năm xa nhà tỉnh queo, nhưng những ngày giáp tết nỗi nhớ quê bỗng trỗi dậy mạnh mẽ. Ai cũng chỉ mong mau được trở về với mái ấm, được hưởng khoảnh khắc sum vầy cùng người thân bên mâm cơm giao thừa. Ở một nơi xa xôi nào đó, những trái tim trẻ càng nhớ khắc khoải phong vị Tết Nguyên đán khi xuân đang thực sự đến gần.

“Cứ mỗi dịp xuân về, ngồi nghe những bài hát Tết khóe mắt mình lại cay cay. Nhớ lắm gia đình, mùi hương trầm, nhành mai vàng và những phong bao lì xì, nhớ vị bánh Tét Nghệ An, nhớ cả những món đơn sơ mà giờ là ao ước như món giò Bê” – Tâm Huyền (Nghệ An) du học sinh chuyên ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Harvard chia sẻ. Đã 7 năm rồi, Huyền chưa về quê đón Tết cùng gia đình. Vì vậy, ngần ấy năm cô gái trẻ luôn đau đáu nỗi niềm: Mẹ ơi, Xuân này con không về…”

Tết Nguyên Đán 2017: Xuân này bên kia niềm nhớ…

Đối với mỗi du học sinh, họ luôn không khí gia đình sum họp, cảm giác được trở về của những người con xa nhà, là lời dặn của mẹ, câu chúc của bà. 

Cũng như Huyền, rất nhiều du học sinh không có cơ hội được hưởng hương vị ấm áp của Tết quê nhà. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng có lẽ lịch học tập và tiền về là hai lí do cơ bản nhất khiến mong mỏi về quê đón Tết của du học sinh chỉ có trong ước mơ.

Chu Đình Thành, quê Thái Bình (hiện học tại ĐH Tổng hợp Tula, Nga) cùng chung nỗi niềm: “Rất đơn giản tớ không đủ tiền về. Ai cũng muốn về cả nhưng vấn đề đầu tiên là điều kiện. Giá vé khứ hồi dịp này khoảng 1.300$ tương đương khoảng 26 triệu VNĐ nên tớ không muốn bố mẹ vất vả xoay sở tiền. Thêm nữa, đây là thời điểm bước vào mùa thi ở Nga để kết thúc học kì I, vì thế mong lắm một cái Tết quây quần nhưng đành chịu”.

Cũng học tập tại xứ sở Bạch Dương, Trần Thị Thu Trang (du học sinh chuyên ngành Luật, ĐH Hữu Nghị các dân tộc RUDN, Nga) cũng không có thời gian về quê đón tết vì bận thi cử: “Chưa đến Tết nhưng mình biết Tết này sẽ là một cảm giác trước giờ chưa từng có với mình vì chưa bao giờ mình đón Tết xa bố mẹ, em trai cả. Dù nhớ mong vô cùng nhưng mình vẫn phải đón cái Tết đầu tiên ở xứ sở Bạch Dương đầy tuyết lạnh này”.

Nỗi nhớ ùa về da diết trong lòng những du học sinh Việt Nam khi Tết Nguyên đán đang đến rất gần. Đó là những khoảnh khắc mà tình yêu gia đình và quê hương hiện hữu rõ nhất trong chính khát khao được chạm vào những kỉ niệm Tết Nguyên đán đầy ấm cúng.

Nhớ gia đình, bạn bè, nhớ phong vị Tết ở quê nhà là tâm trạng chung của rất nhiều du học sinh đón Tết ở đất khách.

“Xa nhà 3 năm rồi không biết Tết này tóc mẹ đã bạc nhiều chưa, làm sao quên những ngày cận Tết cùng chị trang hoàng cây đào, cây quất, giây phút cả nhà đón giao thừa. Mỗi năm đến lúc ấy chát skype với bố mẹ mình đều nghẹn ngào, bâng khuâng khó tả. Cái không khí se lạnh, mưa phùn, pháo hoa Hồ Gươm… với tất cả những nét đặc trưng của Tết Hà thành làm mình lặng đi. Nhớ lắm” – Trần Duy Tùng (du học sinh ngành Tài chính, ngân hàng- Trường Đại Học Rennes 2- Pháp) tâm sự.

Tết xa quê khiến Đào Phương Nguyễn không giấu nổi cảm xúc: “Tôi đã ngửi thấy mùi nhang ngày Tết, ngửi thấy mùi bánh, mùi dưa,... mà mẹ bày lên bàn thờ; ngửi thấy cả mùi mực tàu cha tôi in quyện vào mùi kẹo gừng, mứt dừa em tôi khoái chí nhai tóp tép. Tôi nhớ Tết, nhớ cả nhà đến day dứt mấy năm ròng, đôi khi chỉ chực khóc thét nhìn qua webcam thấy mẹ lì xì cho em gái xinh xinh trong bộ váy mới. Tôi đã vờ đi ra ngoài bếp lấy nước, nhưng thật ra chỉ bước ra khỏi khung hình mà lau vội nước mắt. Tôi đã từng một mình đi chùa của người Tàu vào ngày mồng một, chỉ để được ngửi mùi nhang, nghe mùi Tết. Và tôi đã học được ý nghĩa của Tết - cái mà ngày xưa tôi chỉ suốt ngày mở mồm than: “Tết gì mà chán òm...”. Nhớ cái tết đầu tiên xa xứ, tôi nhìn người ta lên mạng chúc nhau, đăng ảnh ngoài phố và trong nhà đỏ rực màu xanh và đỏ của Tết. Thấy mình tủi thân xách cặp đi học trong tuyết lạnh âm 20 độ. Tết xứ người lạnh da, lạnh cả tâm hồn…”

Cuộc sống mới mẻ ở đất lạ với những điều thú vị chẳng thể nào khiến họ quên đi Tết truyền thống – một phần máu thịt của người Việt. Nỗi khát khao sum vầy vì thế càng lớn hơn bao giờ hết trong những ngày này.

Chút nắng ấm cho những cái Tết “lạnh”

Không cứ phải đón Tết ở xứ lạnh mới là lạnh lẽo, Tết không được đoàn viên là những cái Tết thật lạnh đối với những du học sinh. Không quên được Tết quê, nhiều bạn trẻ học tập cách Việt Nam nửa vòng trái đất vẫn tìm cách sưởi ấm nhau trong cái lạnh của nỗi nhớ quê nhà khi trời đất chuyển mình sang Xuân bằng những buổi party giản dị, vui vẻ mang phong vị truyền thống.

Các du học sinh vẫn tìm cách sưởi ấm nhau bằng những bữa tiệc để xua tan không khi nhớ hương vị tết ở quê nhà

Tập gói bánh chưng, chuẩn bị món ăn quê nhà để liên hoan, hát hò là cách mà nhiều du học sinh Việt tụ họp với nhau, cùng đón tết ở xứ người. Đó là nhịp cầu gắn kết những người con đất Việt trong một nỗi khát khao tìm chút hương vị đầm ấm, thiêng liêng vào thời khắc Giao thừa. Nhờ đó, họ vơi đi niềm nhớ và nguyện cầu những điều tốt đẹp nhất đến người thân ở chốn quê nhà. Những phút giây ấy hẳn cũng thiêng liêng, đặc biệt dù nỗi nhớ quê hương luôn đau đáu khôn tả.

Tết trên đất khách, mong cho những trái tim trẻ luôn tự tin, vững bước và gặt hái những thành công mới. Gia đình và quê hương vẫn luôn dõi theo các bạn, đợi mong ngày các bạn trở về. Ngày đó sẽ không xa…

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang