Tết ông Công ông Táo: Nhu cầu đốt vàng mã giảm mạnh

author 17:38 13/01/2020

(VietQ.vn) - Đốt vàng mã nhiều, không đúng cách là nguyên nhân dẫn tới các vụ hỏa hoạn, ảnh hưởng tới môi trường. Do đó, vài năm trở lại đây, đến ngày lễ ông Công ông Táo, người dân đã dần bỏ thói quen đốt quá nhiều vàng mã.

Hàng năm, cứ đến 23 tháng Chạp, người Việt lại chuẩn bị lễ cúng ông Công ông Táo, thể hiện niềm mong ước về một năm mới nhiều may mắn, an lành. Trong lễ cúng tiễn, ngoài việc chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn, đốt vàng mã đã trở thành tập tục truyền thống gắn liền với đời sống của người Việt.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, công tác tuyên truyền, khuyến cáo về việc đối vàng mã quá nhiều gây ra các vụ hỏa hoạn được đẩy mạnh, giúp thay đổi nhận thức của người dân và bảo vệ môi trường.

Theo khảo sát của PV, phố Hàng Mã – địa chỉ bán nhiều mặt hàng cúng ông Công ông Táo vài năm trở lại đây cũng ít hơn. Theo chia sẻ của một vài tiểu thương còn bán những mặt hàng này, do nhu cầu đốt vàng mã của người dân dịp lễ 23 tháng Chạp giảm, nên lượng hàng hóa đưa ra thị trường cũng ít dần. Thay vì bán đồ mã, họ đã bán thêm các mặt hàng trang trí Tết khác, như: đèn lồng, câu đối, chùm bánh chưng…

 Ngoài vàng mã, tiểu thương cũng bán kèm đồ trang trí Tết. Ảnh: Thúy Ngân

Vàng mã của Tết ông Công ông Táo năm nay chỉ có bộ quần áo Táo quân, hài, mũ với giá từ 110.000 – 160.000/ bộ, thêm ít giấy tiền. Ngoài ra, còn có một số quần áo, ngựa, xe… đi kèm nhưng hầu hết kích cỡ nhỏ, giá rẻ.

Được biết, liên quan đến vấn đề đốt vàng mã nhiều gây ảnh hưởng môi trường, tăng nguy cơ cháy nổ, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã có những khuyến cáo, kiến nghị. Cụ thể, đốt vàng mã là một trong những phần nghi thức truyền thống, hoạt động tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của người Việt, thể hiện sự giao tiếp của con người đối với thế giới siêu nhiên. Từ các lễ hội truyền thống cho đến nghi lễ cá nhân, gia đình, đều có hình thức giao tiếp này và đều được thực hiện với một thái độ trang trọng, thành kính và hiểu biết về lễ thức tiến hành. Vấn đề người dân cần hiểu biết về nghi lễ này, tránh bùng nổ thái quá và được gắn cho những ý nghĩa mới, sai lệch với ý nghĩa ban đầu.

“Do vậy, hạn chế và loại bỏ việc đốt vàng mã là rất cần thiết, tránh lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn tại các cơ sở thờ tự. Đồng thời, cần có thời gian, sự chung sức của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là từ các phương tiện truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của mình”, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nói.

 Phố Hàng Mã là địa điểm tấp nập người mua bán mỗi dịp Tết về. Ảnh: Thúy Ngân

Để thực hiện nếp sống văn minh lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch sẽ triển khai đồng bộ một số giải pháp: Một là, hoàn thiện các thể chế luật pháp - chính sách, nâng cao hiệu quả thực thi các văn bản với sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các địa phương.

Hai là, tuyên truyền rộng rãi, với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc tổ chức, quản lý và trực tiếp tham gia lễ hội. Ba là, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra; kết nối thông tin thường xuyên, liên tục với các địa phương, đặc biệt là chính quyền tại các địa điểm có diễn ra lễ hội; theo sát những diễn biến trong thực tiễn để có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

Bốn là, đào tạo và nâng cao trình độ của những người làm công tác quản lý văn hóa các cấp. Ngành văn hóa sẽ mở các lớp đào tạo, nâng cao nghiệp vụ về quản lý văn hóa ở cơ sở; trong đó nhấn mạnh việc tổ chức và quản lý một hiện tượng văn hóa có nhiều mục đích, huy động nguồn lực trong dân, phối hợp với các cấp, các ngành vì mục tiêu chung là phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội một cách đồng bộ.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang