Tết ông Công ông Táo: Lãi ‘khủng’ nhờ bán cá chép phóng sinh và cá chép thịt

author 09:00 08/02/2018

(VietQ.vn) - Không chỉ bán cá chép phóng sinh mang lại doanh thu cao mà nhiều tiểu thương còn có lãi “khủng” nhờ bán cá chép thịt dịp Tết ông Công ông Táo.

Mỗi dịp Tết ông Công ông Táo, cá chép đỏ phóng sinh hay cá chép thịt luôn là sản phẩm đắt hàng và giúp cho nhiều tiểu thương mang về doanh thu cả chục triệu mỗi ngày.

Cá chép đỏ hút khách trước thềm Tết ông Công ông Táo

Tại Hà Nội, dịp Tết ông Công ông Táo không chỉ các khu chợ ngập tràn cá chép đỏ mà trên những xe hàng rong cá chép đỏ cũng được bán tại nhiều trên các con phố, tuyến đường như Lê Duẩn, Xã Đàn, Hoàng Hoa Thám… Cá chép đỏ bắt đầu được các tiểu thương bán từ chiều ngày 22 tháng Chạp phụ vụ các gia đình cúng Tết ông Công ông Táo sớm.

Cũng như mọi năm, năm nay thị trường cá chép đỏ phóng sinh được chia làm hai loại đó là thị phần cao cấp và bình dân.

Tại thị phần cao cấp, giá cá chép đỏ dao động trong khoảng 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/3 con. Riêng loại cá kích thước to bằng một bàn tay người lớn trở lên, phần lưng có màu đỏ và bụng có màu vàng giá lên đến vài triệu đồng một con.

Tết ông Công ông Táo: Tiểu thương lãi ‘khủng’ nhờ bán cá chép phóng sinh và cá chép thịt

 Giá cá chép phóng sinh cúng Tết ông Công ông Táo không biến động.

Tại đường Hoàng Hoa Thám (Cầu Giấy – Hà Nội) rất nhiều cửa hàng bán cá chép đỏ luôn “nườm nượp” người chọn mua. Đặc biệt, bắt đầu từ sáng ngày 22 tháng Chạp, lượng khách hàng đổ về đây mua cá chép ngày một đông khiến cho khu phố Hoàng Hoa Thám những ngày cận Tết càng thêm náo nhiệt. Theo nhiều thương lái tiết lộ, lượng cá chép đỏ cúng Tết ông Công ông Táo sau khoảng vài giờ đồng hồ đã bán hết hàng trăm con. Cùng với đó, doanh thu tại những cửa hàng này liên tục tăng cao. Ước tính doanh thu tại cửa hàng cá của chị Mai Thị Huyền cũng lên đến gần 10 triệu đồng chỉ sau 5 giờ bán cá buổi sáng ngày 22 tháng Chạp. Chưa kể, các thời điểm càng cận kề ngày lễ cúng ông Công ông Táo lượng người mua hàng ngày một đông, doanh thu cứ thế tính lên theo cấp số nhân.

“Năm nào tôi cũng tranh thủ bán thêm cá chép đỏ dịp Tết ông Công ông Táo ngoài việc bán cây cảnh. Khách hàng chủ yếu là khách quen, họ đã mua những năm trước và năm nay họ tiếp tục tìm đến mua. Tôi thường nhập cá chép cao cấp tại một chợ cá ở huyện Thanh Trì, đây là những con cá chép được nuôi một thời gian dài nên rất khỏe mạnh và có kích thước lớn. Giá cá chép cúng ông Công ông Táo năm nay cao hơn mọi năm một chút. Bởi thời tiết miền Bắc những ngày qua rét đậm nên nguồn cung hơi hạn chế”, chị Huyền nói.

Giá cá chép cúng ông Công ông Táo tại cửa hàng của chị Huyền rẻ nhất là 200.000 đòng/3 con và đắt nhất là 1,5 triệu đồng/3 con.

Tại một cửa hàng khác trên đường Hoàng Hoa Thám, cá chép cao cấp được bán với mức giá thấp nhất là 300.000 đồng/3 con với kích thước chừng một bàn tay người lớn. Tại đây, cá chép đắt hay rẻ được phân định bằng việc màu sắc và độ dài của râu cá. Theo anh Đặng Đình Hưng, chủ cửa hàng này thì giá cá chép năm nay tương đương so với Tết ông Công ông Táo năm trước.

“Cửa hàng tôi nhập cá chép từ Phú Thọ về chiều ngày 21 Chạp và ngày 22 tôi bắt đầu bán. Giá cá năm nay tương đương như những năm trước. Tuy nhiên, với những con cá chéo màu đỏ, có râu dài thì giá cao hơn các con bình thường chừng 200.000 đồng – 500.000 đồng mặc dù cùng kích cỡ” anh Hưng nói.

Theo anh Hưng, những người bán cá như anh phải đích thân đến tận các hồ nuôi cá và chọn lựa từng con một. Bởi trời lạnh, khi thay đổi môi trường sống cá dễ bị chết. Do vậy, phải chọn những con cá khỏe mạnh để vận chuyển về Hà Nội. Và sau khi khách hàng cúng Tết ông Công ông Táo, phóng sinh cá về với nguồn nước tự nhiên cá sẽ sống tốt và thích nghi được môi trường mới.

Tết ông Công ông Táo: Tiểu thương lãi ‘khủng’ nhờ bán cá chép phóng sinh và cá chép thịt

 Nhờ bán cá chép phóng sinh, nhiều tiểu thương có doanh thu lớn. 

Còn tại trường bình dân, giá cá chép đỏ khá rẻ. Tại đây, cá chép được bán với mức giá 5.000 đồng/con. Thậm chí, nhiều nơi còn bán cá theo cân. Tuy nhiên, tại thị phần này, hầu hết cá chép đỏ khá nhỏ và không có nhiều màu sắc đẹp như thị phần cá chép cao cấp. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cho biết, nhờ bán cá chép đỏ mà họ cũng lãi tiền triệu mỗi ngày.

Tại các khu chợ như Trương Định, Giáp Bát, Định Công (quận Hoàng Mai – Hà Nội), ngay từ sáng sớm ngày 22 tháng Chạp dễ dàng nhận ra điểm nhấn tại đây so với ngày thường là các góc chợ đỏ rực với những thùng cá chép cúng Tết ông Công ông Táo.

“Giá cá chép năm nay rẻ hơn năm ngoái. Nếu năm ngoái giá cá chép đỏ thấp nhất cũng phải 10.000 đồng/con nhưng năm nay giá cá chép là 5.000 đồng/con. Đây là những con nhỏ chừng 2 đầu ngón tay. Năm nay, tại chợ đầu mối phía Nam, cá chép loại nhỏ tương đối nhiều nên giá buôn rẻ và giá bán lẻ cũng rẻ. Còn cá chép lớn hơn thì khá đắt đỏ”, bà Phạm Thị Thanh – một tiểu thương bán cá chép đỏ tại chợ Giáp Bát chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo bà Thanh, chợ đầu mối bán cá chép đỏ tính theo kg. Sau đó, khi mang về bán lẻ, các tiểu thương bán theo con. Nhờ vậy mà các tiểu thương bán cá chép đỏ cũng có lãi lớn nhờ phần chênh lệch giữa mua theo cân và sau đó bán lẻ theo con.

Cá chép thịt đắt gấp 3, 4 lần ngày thường

Không chỉ những người bán cá chép đỏ phóng sinh hút khách mà nhiều tiểu thương bán cá chép thịt cũng cho biết, lượng cá chép bán ra tăng gấp 3, 4 lần ngày bình thường. Cùng với đó giá cũng tăng cao và dao động khoảng 150.000 – 180.000 đồng/kg. Nhiều con cá chép trên 1kg cúng Tết ông Công ông Táo còn được bán theo con với giá 300.000 đồng, 500.000 đồng/con tùy thuộc kích cỡ.

Tết ông Công ông Táo: Tiểu thương lãi ‘khủng’ nhờ bán cá chép phóng sinh và cá chép thịt

 Cá chép thịt cũng được dịp tăng giá gấp nhiều lần ngày thường.

Theo chị Mai Thị Thủy, một tiểu thương bán cá thịt tại chợ Thành Công cho biết, nguyên nhân giá cá chép thịt tăng chủ yếu là do nhu cầu người dân cúng Tết ông Công ông Táo tăng cao. Một phần nhỏ cũng do thời điểm này không phải là mùa của cá chép thịt. Vậy nên, nguồn cung hiếm và giá đắt cũng là một điều thường lệ.

Theo phong tục dân gian, ngày hôm nay 23 tháng Chạp là ngày tiễn Táo Quân về trời. Các gia đình thường làm một mâm cơm thịnh soạn để tiễn Táo Quân lên báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề của gia đình một năm qua. Sau khi lễ cúng Táo Quân xong, nhiều gia đình thường phóng sinh cá chép đỏ. Thậm chí, các gia đình cũng phóng sinh cả ốc, trai, cua, hến ra sông, suối, ao, hồ…. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết cách thả cá làm sao cho đúng để không gây hại môi trường cũng như ảnh hưởng đến nguồn sống của cá. Mọi người nên thả cá nhẹ nhàng, không hắt tung cá và không thả theo túi nilon. Không thả tro hóa vàng xuống ao, hồ, sông, suối… sau khi đốt để đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang