Tổng giám đốc Kangaroo: Không có công thức tạo dấu ấn, chúng tôi tìm công thức để phát triển

author 07:56 19/04/2020

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) vừa được thông qua, nền kinh tế thế giới lại đang vấp phải cú sốc lớn bởi dịch bệnh Covid -19, WHO đã tuyên bố đại dịch toàn cầu, các lệnh đóng biên được ban bố, thị trường chứng khoán bốc hơi…, các doanh nghiệp nhìn nhận thế nào về một nền kinh tế tương lai, có sự trỗi dậy nào mới và ai sẽ làm chủ thời cuộc?

Ông Lê Xuân Hoàn – Tổng giám đốc Tập đoàn Kangaroo đã chia sẻ về góc nhìn của Kangaroo trong việc đối phó và tận dụng cơ hội để vươn lên trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do và khi dịch bệnh đang có xu hướng kéo dài.

Ông Lê Xuân Hoàn – Tổng giám đốc Tập đoàn Kangaroo. 

Ông nhìn nhận thế nào về nền kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng trong bối cảnh này?

Theo các khảo sát mới đây nhất về niềm tin và thói quen của người tiêu dùng toàn cầu, chúng ta có thể thấy những thay đổi lớn trong hành vì tiêu dùng, lối sinh hoạt: Ở nhà nhiều hơn, lướt mạng nhiều hơn, ăn ở nhà nhiều hơn, tâm lý tích trữ cũng tăng rõ rệt. Và điểm có thể thấy rõ nhất chính là các nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe chủ động tăng cao đột biến do tâm lý phòng ngừa rủi ro do tác động của dịch bệnh.

Điều chúng ta nhìn thấy hiện nay chỉ là những tác động tạm thời lên nền kinh tế từ góc độ tiêu dùng, có sự sụt giảm và điều chỉnh nhất định trong chi tiêu, tuy nhiên, sau khi dịch bệnh đi qua, nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ bởi những nhu cầu bị kìm nén trong một thời gian dài.

Đối với lĩnh vực sản xuất, sẽ có sự dịch chuyển lớn trong chuỗi sản xuất, các nhà sản xuất sẽ phải chủ động hơn trong nguồn cung nguyên vật liệu, đặc biệt là nguồn cung trong nước. Tôi cho đây là cơ hội để chuỗi cung ứng của Việt Nam phát triển mạnh. Trước đó, rất nhiều tập đoàn thế giới đã rút dần sự phụ thuộc vào nền sản xuất Trung Quốc bằng sự dịch chuyển sang các nước thứ 3 như Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng chủ động trong sản xuất bằng đầu tư dây chuyền, nhà máy hiện đại. Vậy nên, với dịch bệnh này, những doanh nghiệp nào đã nắm quyền chủ động trong sản xuất sẽ chủ động kiểm soát được những tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

Lợi thế của Việt Nam có thể nhìn thấy ngay, niềm tin của người dân dành cho Chính phủ tăng mạnh, sự ủng hộ, đánh giá cao của bạn bè quốc tế, Việt Nam là một điểm đến an toàn. Kí kết hiệp định EVFTA cũng giúp chúng ta rộng cửa hơn với những thị trường khó tính như châu Âu.

Trước những nguy cơ, thách thức như vậy, Kangaroo đã có những chuẩn bị gì để đón cơ hội khi nền kinh tế phục hồi?

Chúng tôi không có chuẩn bị gì ngay trước mắt, bởi các phương án dự phòng và kế hoạch dài hạn đã được hoạch định và thực thi từ ít nhất 5 năm trước đây. Năm 2019, Kangaroo hoàn thiện và đưa vào hoạt động thêm 1 nhà máy mới để đảm bảo năng lực sản xuất và cung ứng trong nước đối với các mặt hàng chủ đạo như Máy lọc nước, Máy lọc nước Hydrogen, Bình nước nóng kháng khuẩn, tủ đông mềm kháng khuẩn, bình nước nóng trực tiếp hồng ngoại xa, máy năng lượng mặt trời.

Ngoài chủ động về sản xuất thì điểm mạnh mà Kangaroo tự hào nhất đó chính là năng lực về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới. Chúng tôi đã trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ khi sở hữu hàng loạt công nghệ độc quyền chăm sóc sức khỏe trong 3 lĩnh vực: Nước, Không khí và vi khuẩn.

Với thị trường ngoài nước, hiện Kangaroo đã có văn phòng tại 5 nước trong khu vực, sản phẩm được xuất đi nhiều nước trên thế giới. Mục tiêu trong những năm tiếp theo, Kangaroo trở thành thương hiệu được yêu thích trên toàn Đông Nam Á 700 triệu dân.

Ông Lê Xuân Hoàn: "Hiệp định EVFTA được ký kết là cơ hội tiếp cận thị trường khó tính như Châu Âu sẽ rộng mở và nhanh hơn"

Đối với EVFTA, ông nhìn nhận cơ hội này thế nào?

EVFTA là một cơ hội nhưng cũng là thách thức. Sự tràn vào của các doanh nghiệp Châu Âu sẽ là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, như chúng tôi vẫn tin tưởng rằng, chúng ta là người Việt Nam, chúng ta hiểu thị trường và tâm lý người Việt, hiểu những tác động từ các đặc thù như khí hậu, thói quen tiêu dùng, ngân sách chi tiêu của số đông và đặc biệt là cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ giúp cho các doanh nghiệp giữ vững lợi thế sân nhà.

Và ở chiều ngược lại, cơ hội tiếp cận với một thị trường khó tính như Châu Âu sẽ rộng mở và nhanh hơn. Những đơn hàng trước đây mà các doanh nghiệp như Kangaroo gặp phải các hàng rào kỹ thuật như thuế quan, các yếu tố về kiểm định sẽ được nhẹ bớt và thuận lợi hơn rất nhiều.

Kangaroo có công thức đặc biệt nào để tạo nên dấu ấn riêng trên con đường phát triển của mình hay không?

Tôi cho rằng, doanh nghiệp nào cũng sẽ có công thức phát triển riêng của mình. Chúng tôi không có công thức để tạo dấu ấn, chúng tôi tìm công thức để phát triển. Và trong mỗi giai đoạn công thức đó sẽ thay đổi. Nhưng cơ bản gói gọn trong 3 điểm mà chúng tôi gọi là MÃ GEN của Kangaroo: Tiên Phong, Hành Động và Nhân Văn. Mã GEN này quyết định sự thành công của mỗi con người Kangaroo nói riêng và cả tập thể Kangaroo nói chung. Và bạn có thể thấy những điểm này trong chính từng sản phẩm của Kangaroo.

Mục tiêu của Kangaroo là trở thành thương hiệu được yêu thích trên toàn Đông Nam Á 700 triệu dân. 

Quan điểm của ông về "xây" và "giữ" thương hiệu như thế nào trong nền kinh tế hiện nay?

Xây 20%, giữ 80%. Xây dựng thương hiệu chỉ là những giá trị ban đầu, nền móng, nhưng ở đó cần có 1 ý tưởng lớn và riêng biệt. Khi chúng tôi thành lập Kangaroo, chúng tôi ước mong về một nguồn nước sạch, về một đời sống gia đình khỏe mạnh với các thiết bị gia dụng hiện đại để chăm sóc, giải phóng người phụ nữ. Chúng tôi đã làm được trong vòng 3 năm sau đó với chỉ chưa đến 100 nhân sự. Nhưng để giữ được cho thương hiệu phát triển, chúng tôi đã cần 15 năm và sẽ cần hàng trăm năm tiếp theo để có một thương hiệu Kangaroo Việt Nam luôn được toàn thế giới yêu mến. Ở đó cần có ý chí, có sự nỗ lực và một tình yêu lớn không ngừng nghỉ với chính doanh nghiệp của mình, với ước mơ của mình và sự cộng hưởng của tính nhạy bén, độ "cảm” thị trường trong từng bối cảnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chủ tịch Giovanni Nguyễn Trọng Phi: Công nghệ sẽ thành 'lực đẩy' cho thời trang Việt trong kỷ nguyên 4.0(VietQ.vn) - Sự kết hợp thời trang và công nghệ sẽ mang lại cơ hội lớn cho thời trang Việt Nam vươn ra thế giới. Đó là khẳng định của Chủ tịch Tập đoàn Giovanni – thương hiệu thời trang hàng đầu Việt Nam.

Hà Thủy (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang