‘Thà bỏ lọt còn hơn làm oan’

author 06:48 24/10/2014

(VietQ.vn) - Một vị cựu quan chức Quốc hội cho rằng, lâu nay tại nhiều cơ quan tố tụng của chúng ta hay có suy nghĩ “thà oan còn hơn bỏ lọt”. Còn theo ông, thực ra phải nghĩ ngược lại là "thà bỏ lọt còn hơn làm oan".

Trong bối cảnh sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự lần này, việc xem xét đưa quyền im lặng vào quy định của luật là vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu kỹ càng, trong đó cần tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tránh các quan điểm bảo thủ.

Theo thông lệ của các nước trên thế giới, quyền im lặng là quyền không khai báo khi không có sự tư vấn, chứng kiến của luật sư để tránh việc người bị bắt tự buộc tội mình, gây thiệt hại cho bản thân. Theo đó, khi bắt giữ một người nào đó phải có luật sư chứng kiến hoặc phải giải thích cho người bị bắt về quyền được mời luật sư, quyền không khai báo.

Quyền này đã và đang được áp dụng tại rất nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, các nước Phương Tây…Chính việc áp dụng, tôn trọng quyền im lặng của nghi can nên tại các nước này mức độ nhân quyền trong lĩnh vực tố tụng hình sự được đánh giá cao và ít xảy ra các trường hợp oan, sai.

án oan nguyễn thanh chấn

Ông Nguyễn Thanh Chấn cùng gia đình gần như đã mất tất cả sau 10 năm ông ngồi tù oan.

Cũng liên quan đến “quyền im lặng”, đánh giá về nội dung trong Hiến pháp mới năm 2013 của Việt Nam, một vị cựu quan chức cấp cao của Quốc hội (đề nghị được giấu tên), cho rằng Điều 103: “xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” có ý chưa phù hợp.

“Vậy ai sẽ quyết định thủ tục rút gọn này?” – vị chuyên gia về pháp luật đặt câu hỏi.

Theo ông, nên viết là: “Xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp đặc biệt do luật định”.

“Việc này lúc còn làm việc tôi đã nói, phải đúng là trường hợp có thật. Ví dụ khi có một người say rượu rồi lao vào nhà người khác đập phá. Qủa tang có hết, có nhiều người chứng kiến và người say rượu đó cũng không cãi thì cần gì phải hội thẩm cồng kềnh, chỉ cần một thẩm phán đưa ra tòa và kết tội, thế là xong” – vị chuyên gia nói.

Theo ông, đó là những trường hợp đặc biệt. Còn “xét xử theo thủ tục rút gọn” thì chỉ là rút ngắn thời gian xét xử mà thôi. Ở đây nên thay bằng “trừ trường hợp đặc biệt”, lúc đó luật sẽ quy định trường hợp đặc biệt đó là trường hợp nào. Có thể là phạm pháp quả tang, bị can bị cáo nhận tội, nhiều người chứng minh phạm tội thì đó là trường hợp đặc biệt.

Với những trường hợp này, vị chuyên gia nhấn mạnh lại, chỉ cần giữ người vi phạm đó lại, đưa ra tòa và để một thẩm phán xử là xong, không cần phải điều tra, làm cáo trạng, hội thẩm này kia…

Ông cũng cho biết, từ trước đến nay có lẽ chưa có trường hợp nào xử như vậy mà thường trải qua nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp.

Rồi chuyện bảo đảm cho bị can, bị cáo thì cũng có nhiều vấn đề. Theo vị cựu quan chức của Quốc hội, thứ nhất là các quan tòa không được truy xét; công tố hay kiểm sát viên ngồi đó phải cùng tham gia tranh luận với luật sư hay người bào chữa.

Trong trường hợp bị can, bị cáo không có tiền để thuê luật sư thì phải cử luật sư bào chữa hoặc mời những người am hiểu về pháp luật ra thay mặt cho bị can, bị cáo bảo vệ quyền lợi cho họ.

Vị chuyên gia nói thêm, khi bị can, bị cáo ra tòa, họ có thể nhờ bất kỳ ai. Ví dụ: “Thưa ông, ông là người hiểu biết về pháp luật, cháu thì chẳng hiểu gì nhưng giờ lại dính vào việc này. Thôi ông cố gắng ra tòa phát biểu trước tòa giúp cháu”.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng việc Liên đoàn Luật sư nói cả nước chỉ có 8000 luật sư, không thể tham gia được hết tất cả các vụ tranh tụng là không chuẩn. Lí do mà vị chuyên gia đưa ra là: “có ai khiến luật sư tham gia đâu. Chỉ cần người am hiểu về pháp luật là được”.

Còn về phía Nhà nước, theo ông thì các kiểm sát viên phải có sự tranh cãi ở tòa, không thể lúc nào cũng nói câu “tôi xin giữ nguyên quan điểm như trong cáo trạng”. Luật sư nói gì cũng mặc, vậy thì còn tranh tụng cái gì?.

Trước câu hỏi của phóng viên về một số chi tiết thường thấy trên phim ảnh phương Tây, khi bắt giữ một người nào đó, câu nói đầu tiên của cảnh sát là: “Anh có quyền giữ im lặng. Bất cứ điều gì anh nói có thể và sẽ được sử dụng để chống lại anh trước toà”.

Bàn về ý nghĩa của câu nói trên, vị chuyên gia phân tích: “Nghi can, nghi phạm là người bị nghi là phạm tội nhưng đồng thời vẫn là một công dân.

Anh bị tình nghi thì công an đưa anh về trụ sở. Anh có thể không khai gì cả nhưng anh cũng có thể cung cấp cho công an chứng cứ để thể hiện rằng, có thể là người khác phạm tội chứ không phải anh”.

Nói thêm về lí giải này, vị chuyên gia về pháp luật cho rằng: “Lúc đó anh vẫn chưa phải là người vào vòng tố tụng, chưa phải là bị can, bị cáo. Chỉ khi nào bản án kết tội và có hiệu lực thì lúc đó anh mới là người có tội. Còn lúc bị tình nghi, anh vẫn là người công dân”.

Cũng theo lời của vị cựu quan chức Quốc hội, “sự việc xảy ra ngoài xã hội, nếu công an nghi cho tôi thì có thể giữ tôi lại, vì nếu không có thể tôi sẽ trốn tránh, tôi sẽ phạm tội mới. Nhưng tôi vẫn còn quyền như những công dân khác. Vậy tại sao anh hỏi tôi thì bắt tôi phải nói còn hỏi những người khác thì họ không cần nói cũng được?”.

Trước băn khoăn của phóng viên, nếu “quyền im lặng” được thực hiện thì có thể gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Về việc này, vị chuyên gia cho rằng, nếu cơ quan muốn điều tra thì có thể hỏi những người khác, không nhất thiết là phải hỏi người vừa bắt giữ.

Đầy là chưa kể nhiều trường hợp người bị bắt không có mặt tại hiện trường, không biết gì về sự việc. Vậy cứ bắt họ nói thì họ biết nói cái gì?.

Theo ông, nếu cho phép nghi can im lặng, khi lấy lời khai có sự chứng kiến của luật sư sẽ tạo thay đổi lớn trong hoạt động tố tụng. Hạn chế được nạn bức cung, dùng nhục hình.

Vị chuyên gia nhận định thêm, lâu nay tại nhiều cơ quan tố tụng của chúng ta hay có suy nghĩ “thà oan còn hơn bỏ lọt”.

“Theo tôi, thực ra phải nghĩ ngược lại là “thà bỏ lọt còn hơn làm oan”. Vụ ông Chấn là một ví dụ cho thấy người bị oan khổ nhục như thế nào” – vị chuyên gia về pháp luật nói.

 Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang