Thạc sỹ kinh tế làm giàu từ đậu phụ sạch, thu nhập tiền tỷ

author 18:52 16/11/2016

(VietQ.vn) - Mạc Trung Hưng làm giàu từ đậu phụ sạch dù từng tốt nghiệp đại học Ngoại thương với tấm bằng thạc sỹ kinh tế và trở thành nhân viên Cục Xuất nhập khẩu.

Sự kiện: Làm giàu

Sinh ra trong một gia đình tầm trung tại Hải Dương, ba mẹ đều là giáo viên, từ nhỏ, Mạc Trung Hưng luôn nghĩ kinh doanh là cái gì đó không hợp với mình. Nhưng đến năm 30 tuổi, Hưng trở thành một triệu phú làm giàu từ đậu phụ sạch.

Mạc Trung Hưng  - triệu phú tuổi 30 làm giàu từ đậu phụ sạch. Ảnh: Hoàng Linh

Mạc Trung Hưng tốt nghiệp đại học Ngoại thương (Hà Nội) với tấm bằng thạc sỹ kinh tế và trở thành nhân viên Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng ngay sau khi ra trường. Sau một thời gian cảm thấy công việc không còn phù hợp, "luôn muốn mình sẽ làm được một cái gì đó thực sự bứt phá" nên Hưng quyết định nghỉ việc trong sự cấm cản của gia đình.

Cơ duyên đến với chàng trai sinh năm 1987 xuất phát từ một lần tham quan cơ sở sản xuất đậu phụ của một người bạn. Sau lần đó, Hưng quyết định bắt tay cùng bạn học hỏi và nghiên cứu nghề làm đậu phụ.

Trong cơ sở chế biến đậu rộng 400m2 với hệ thống sản xuất đạt chuẩn Hoa Kỳ, Mạc Trung Hưng đang cùng các cộng sự của mình tạo nên những chiếc đậu phụ khác biệt, sạch và an toàn 100% với năng suất 1 tấn/ngày. Hiện công ty đã đưa sản phẩm tới tay 120 cửa hàng tại Hà Nội là những đối tác Nhật, siêu thị hay những chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ như bác Tôm, Đồng Xanh.. đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi để hiểu hơn về người và nghề của ông chủ sinh năm 1987 tài năng này.

 Đậu phụ từ lâu đã trở thành món ăn không thể thiếu trong những bữa cơm người Việt. Ảnh Internet

Nhiều người có tư tưởng "rời nông nghiệp" để thoát nghèo, anh có suy nghĩ như thế nào?

"Phi công bất phú" - không có công nghiệp thì không giàu có, người ta bỏ nông nghiệp vì tư tưởng làm lớn của họ không có. Làm nông nghiệp mà manh mún thì năng suất rất thấp, hiệu quả không cao và hầu như chất lượng sản phẩm kém. Ở nước ngoài họ đã ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp đem lại hiệu quả rất cao, gọi là công nghiệp - nông nghiệp giao thoa. Đấy mới là hướng đi đúng.

Bởi vậy theo tôi cứ ứng dụng công nghệ vào một lĩnh vực tạo nên sự đột phá thì chắc chắn sẽ thành công. Đó cũng là lý do tôi kiên quyết đầu tư làm đậu.

Việc anh từ bỏ tấm bằng Đại học Ngoại thương loại ưu cùng một công việc đầy triển vọng tại Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) để gắn bó với nghề làm đậu, anh có khi nào nghĩ mình đã đánh đổi quá nhiều?

Sao ai cũng nói tôi từ bỏ thế nhỉ (cười). Lên lớp 2 không có nghĩa là bỏ đi quá trình học lớp 1. Tôi không từ bỏ bằng Ngoại thương, mà luôn nghĩ rằng Ngoại thương đã cho mình những gì? Đó là khả năng tư duy, mối quan hệ, cái nhìn tổng quát về nền kinh tế... Đối với tôi đây chỉ là một bước tiến mới trong quá trình phát triển sự nghiệp mà thôi.

Trước đây tôi thường nghe các cô, các bác nói: "Cô không làm được cái gì khác nên cô mới đi làm đậu". Trên thực tế nghề làm đậu phụ khá vất vả, bởi vậy mà những gia đình làm nghề đậu thường không muốn con cái nối nghiệp cha mẹ mình. Nếu cứ như vậy, dần dà nghề đậu sẽ thiếu đi sự sáng tạo, nghiêm túc. 

Trong khi đó trên thế giới, đậu phụ là món ăn thân thuộc và đã được nâng tầm truyền thống lên một giá trị mới. Ước mơ của tôi là biến nghề làm đậu phụ trở thành một ngành công nghiệp thực sự giống như ở Nhật, mặc dù chúng ta vẫn trong giai đoạn khởi đầu còn ngành công nghiệp đậu phụ của họ bắt đầu cách đây khoảng 140 năm.

Đối tác Nhật Bản thử đậu phụ tại cơ sở của anh Hưng

Được biết anh đã từ chối cơ hội hợp tác xuất khẩu với đối tác người Nhật?

Đúng vậy. Nếu làm thì cần sản lượng rất lớn, gần như sẽ phải bỏ bẵng đi thị trường Việt Nam, mà với "sức" của đội ngũ tôi lúc đó không thể làm cùng lúc hai việc được. Không biết quyết định này là đúng hay sai nhưng hiện tại chúng tôi rất hạnh phúc với quyết định của mình. (cười)

Bồi dưỡng nghiệp vụ TCĐLCL cho cán bộ CHDCND Lào(VietQ.vn) - Sáng nay (16/11) tại Hà Nội, Tổng cục TCĐLCL đã khai mạc khóa bồi dưỡng nghiệp vụ về TCĐLCL cho các cán bộ của Bộ KH&CN CHDCND Lào.

Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã gắn bó với nghề làm đậu hơn 4 năm và đã thu được những thành tựu nhất định về thương hiệu. Anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm để thành công của mình với độc giả?

Tôi không dám dùng cụm từ "chia sẻ kinh nghiệm thành công", bởi với tôi, hai từ "thành công" cực kỳ xa xỉ. Ai chưa trải qua trăm trận mà dám vỗ ngực mình là tướng - Ai chưa đọc 1000 cuốn sách mà dám vỗ ngực ta là người biết đọc. Vậy nên những gì tôi chia sẻ dưới đây chỉ là những bài học mà tôi may mắn được tiếp cận.

Thứ nhất, đối với một nhà khởi nghiệp, trừ khi họ bán hàng online, nếu cứ 20 phút có một tin mới trên facebook thì 99% dự án đó sẽ thất bại. Không một người mẹ nào nói rằng mình chăm con tốt khi mà cứ 20 phút lại cập nhật facebook một lần.

Thứ hai, khi khởi nghiệp, đã xác định làm gì thì phải bỏ công sức tìm hiểu rõ ràng "chân tơ kẽ tóc" lĩnh vực đó. Hiểu rồi thì mới sống chết với nghề, mới đi đến tận cùng và cũng mới có sáng tạo để cải tiến. "Làm công cho chín rồi hãy ra làm chủ" - yếu điểm của tôi là chưa thực sự được làm trong 1 môi trường chuyên nghiệp, nên những kỹ năng cần thiết thì đang còn thiếu. Các bạn trẻ, không cần vội vàng, "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh".

Đời người không cho chúng ta nhiều thời gian để chọn nghề, đã chọn thi phải chọn đúng nghề mình thích và đam mê nó. Chọn sai là mất đi vài năm ngay, mà đời người thì được mấy lần chọn sai như vậy?

Thứ ba, nhiều bạn từng hỏi tôi vấn đề về vốn, đây là một bài học cay đắng mà tôi đã gặp phải. Nếu chúng ta không quản lý tốt, thì bao nhiêu vốn chúng ta cũng thấy thiếu. Hầu hết những người thành công đều đi lên từ 2 bàn tay trắng, vậy vốn của họ là gì ? Đó là trí tuệ, chữ tín và trung thực. Cá nhân tôi đã phung phí 2 cái yếu tố cuối cùng quá nhiều nên bây giờ phải nỗ lực để đi đúng hướng.

Cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này !

Hoàng Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang