Thách cưới cao có bị pháp luật cấm không?

authorLan Ninh 06:36 19/02/2017

(VietQ.vn) - Việc áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình được pháp luật quy định như thế nào? Việc thách cưới cao có vi phạm pháp luật không?

Sự kiện: Tư vấn pháp luật vietq

Độc giả Nguyễn Tiến V.: Em trai tôi chuẩn bị lấy vợ, nhưng khi 2 gia đình gặp mặt, nhà gái lại đưa ra mức thách cưới rất cao. Gia đình chúng tôi đã trao đổi mong gia đình nhà gái thông cảm do điều kiện kinh tế gia đình tôi không thể đáp ứng được nhưng nhà gái nói đó là tục lệ thách cưới ở đó. Vậy tôi xin hỏi: Việc áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình được pháp luật quy định như thế nào? Việc thách cưới cao như vậy có vi phạm pháp luật không?

Thách cưới cao có bị pháp luật cấm không?

Thách cưới cao có bị pháp luật cấm không? Ảnh minh họa 

Luật sư trả lời:

Vấn đề áp dụng tập quán trong các quan hệ về hôn nhân và gia đình hiện đang được điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 13/12/2014, cụ thể:

Khoản 1 Điều 7 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng”.

Điều 2 Nghị định 126 quy định về nguyên tắc áp dụng tập quán như sau:

“1. Tập quán được áp dụng phải là quy tắc xử sự phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình.

2. Việc áp dụng tập quán phải tuân theo các điều kiện được quy định tại Điều 7 của Luật Hôn nhân và gia đình.

3. Tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về tập quán được áp dụng”.

Thêm một doanh nghiệp dừng hoạt động bán hàng đa cấp(VietQ.vn) - Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại CNT Việt Nam.

Hiện nay, trên thực tế có nhiều phong tục, tập quán phù hợp với quy định của pháp luật được nhà nước khuyến khích áp dụng như việc nam nữ tự do tìm hiểu, tự do lựa chọn người bạn đời; hoặc sau khi kết hôn, tùy theo sự sắp xếp, thỏa thuận giữa hai gia đình, vợ, chồng có thể cư trú ở nhà vợ hoặc ở nhà chồng; cha mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con nên người, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con gây ra…. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những tập tục lạc hậu như “thách cưới” là những hành vi mà pháp luật cấm, cụ thể

Theo điểm đ khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cấm hành vi “yêu sách của cải trong kết hôn”. Yêu sách của cải trong kết hôn được hiểu là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ (khoản 12 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Khoản 2 Điều 9 của Văn bản hợp nhất số 8015/VBHN-BTP ngày 10/12/2013 về việc áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình đối với các dân tộc thiểu số còn quy định: “Nghiêm cấm việc thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché... để dẫn cưới) và các hành vi cản trở việc kết hôn hoặc xâm phạm đến nhân phẩm của người phụ nữ”.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên có thể thấy việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ hoặc việc”thách cưới” mang tính chất gả bán là các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tự nguyện, tiến bộ.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Văn phòng luật sư NewVision

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang