"Thách thức lớn nhất của Việt Nam là việc đổi mới tư duy"

author 07:42 20/09/2013

Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham cho rằng "thách thức lớn nhất của Việt Nam là việc đổi mới tư duy của các nhà hoạch định chính sách, các nhà sản xuất và người tiêu dùng".

Tăng trưởng và đầu tư xanh là mục tiêu hướng tới của bất kỳ quốc gia nào. Theo ông, để thực hiện được các mục tiêu đó, Việt Nam phải bắt đầu từ đâu và đâu là trở ngại lớn nhất?

Theo tôi, thách thức lớn nhất của Việt Nam là việc đổi mới tư duy của các nhà hoạch định chính sách, các nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Chính phủ cần tiến hành những bước đi từ từ, nhưng chắc chắn nhằm hướng người dân đi theo hướng tư duy xanh, hợp tác lâu dài, thay vì chạy theo lợi nhuận cao trong ngắn hạn. Nhà hoạch định chính sách cũng như doanh nghiệp cần lựa chọn các hoạt động đầu tư gắn với bảo vệ môi trường.
    
    
    Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham     

Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp châu Âu, tăng trưởng gắn với đầu tư xanh là hướng đi hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm, đem lại sự phát triển bền vững, ổn định và giảm thiểu các chi phí do ảnh hưởng đến môi trường.

Chính phủ cần tạo điều kiện và khuyến khích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng phát triển bền vững và không gây ô nhiễm môi trường.

Hướng đi này có lợi cho quốc gia về lâu dài và đã được thừa nhận rộng rãi.

Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Vậy doanh nghiệp Việt Nam nên triển khai những giải pháp kinh doanh thuộc ngành nghề, lĩnh vực nào?

Như đã nói ở trên, đầu tư kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả lâu dài. Với tiềm lực còn hạn chế, các doanh nghiệp Việt Nam cần lựa chọn các công nghệ phù hợp nhằm đưa ra các sản phẩm có chất lượng cao để từ đó thâm nhập các thị trường lớn, như Liên minh châu Âu (EU).

Việt Nam cũng có những lợi thế để phát triển các loại năng lượng, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Để tìm kiếm các công nghệ phù hợp, doanh nghiệp Việt Nam cần lựa chọn các đối tác phù hợp để chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ quản trị.

Ngoài ra, Chính phủ cần hỗ trợ việc nghiên cứu và đưa ra các điều kiện phát triển hợp lý cho các lĩnh vực vật liệu xây dựng và khai khoáng, như hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, hướng tới những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn.

Việc này sẽ giúp doanh nghiệp trong nước thâm nhập thị trường các nước phát triển như EU, nơi có các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm rất cao và nghiêm ngặt.

Các đô thị lớn tại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề. Doanh nghiệp châu Âu có dự định hỗ trợ Việt Nam khắc phục tình trạng này không và nếu có thì sẽ tập trung vào những phần việc nào?

Để đối phó với tình trạng ô nhiễm tại các đô thị lớn, trước tiên, Chính phủ Việt Nam cần thực thi các cơ chế nghiêm ngặt trong công tác xử lý nước và xử lý chất thải.

Giao thông cũng là một vấn đề lớn và quan trọng. Ở các thành phố lớn tại châu Âu, hệ thống giao thông công cộng gần như không thải ra khí CO2 và chúng tôi sử dụng mạng lưới năng lượng thông minh để đáp ứng nhu cầu điện năng cho các đô thị.

Green-Biz 2013 sẽ đưa ra các ví dụ thực tế trong quá trình các thành phố lớn ở châu Âu hướng tới quy hoạch đô thị hóa. Các công ty châu Âu tham dự Green-Biz 2013 sẽ trình bày nhiều giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm mà Việt Nam có thể tham khảo, học tập, ví dụ như kinh nghiệm của doanh nghiệp Ba Lan - từ một nước công nghiệp, ô nhiễm nặng, trở thành một đất nước xanh, sạch hàng đầu châu Âu.

Châu Âu có thể hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật và chuyển giao công nghệ hướng tới phát triển bền vững, đối phó biến đổi khí hậu.

Theo ông, trong số hơn 70 doanh nghiệp châu Âu tham dự Green-Biz 2013, bao nhiêu trong số đó có ý định đầu tư thực sự vào Việt Nam, hay họ chỉ quan tâm đến việc bán công nghệ, thiết bị cho Việt Nam?

Về cơ bản, tất cả hơn 70 doanh nghiệp châu Âu tham dự sự kiện Green-Biz 2013 lần này đều mong muốn tìm được các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, trong đó một số doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô kinh doanh, một số doanh nghiệp mới bước vào thị trường Việt Nam và một số doanh nghiệp đang so sánh cơ hội kinh doanh tại Việt Nam với các nước Đông Nam Á khác.

Trong phạm vi hoạt động của mình, EuroCham và các đối tác chiến lược (VCCI, CENTEC, UBIFRANCE, GIC/AHK...) đều nỗ lực thúc đẩy các cơ hội hợp tác B2B, tìm kiếm đối tác của các doanh nghiệp Việt Nam - châu Âu.

Theo Baodautu

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang