Kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh do tham nhũng?

author 11:29 16/04/2015

(VietQ.vn) - Chiến dịch chống tham nhũng Trung Quốc được công chúng ủng hộ mạnh mẽ nhưng tác động kinh tế của nó là khá phức tạp. Phải chăng Trung Quốc phát triển rất nhanh nhờ chấp nhận hoặc để cho tham nhũng tồn tại?

Sự kiện: Tham nhũng ở Trung Quốc

Theo tin tức trên báo Kiến Thức, trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat, cựu Giám đốc Ngân hàng Thế giới ở Trung Quốc Yukon Huang nhận xét rằng ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc xem ra khá thận trọng về cải cách kinh tế. Trong khi đó họ lại khá mạnh bạo trong chiến dịch chống tham nhũng Trung Quốc.

Điều này khiến người ta đặt câu hỏi về vai trò của tham nhũng trong quá trình phát triển của Trung Quốc trong mấy thập kỷ qua. Các phân tích về tham nhũng ở Trung Quốc thường gây nhầm lẫn. Vậy, làm thế nào để phát hiện tham nhũng và tác động của nó đối với nền kinh tế Trung Quốc như thế nào? Về tác động kinh tế của tham nhũng ở Trung Quốc, có ba vấn đề nổi bật.

Thứ nhất, hầu hết các nghiên cứu học thuật dựa trên kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng tham nhũng làm chậm tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng Trung Quốc lại là trường hợp ngoại lệ. Điều này đặt ra một câu hỏi: Phải chăng Trung Quốc phát triển rất nhanh trong mấy thập kỷ qua nhờ chấp nhận hoặc để cho tham nhũng tồn tại. 

Tham nhũng Trung Quốc bùng phát cùng với công cuộc cải cách mở cửa của 'trưởng lão' Đặng Tiểu Bình

Tham nhũng Trung Quốc bùng phát cùng với công cuộc cải cách mở cửa của 'trưởng lão' Đặng Tiểu Bình

Một thực tế đang diễn ra tại Trung Quốc là, tham nhũng lại song hành với tăng trưởng. Ở các nước khác, tham nhũng thường làm chậm đà phát triển vì nó ức chế đầu tư và đầu tư là động lực chính của tăng trưởng.

Nhưng Trung Quốc lại khác vì nước này lấy đầu tư tràn lan để thúc đẩy tăng trưởng. Tham nhũng ở Trung Quốc cũng giúp doanh nghiệp “luồn lách”, vượt qua các “núi” quy định đôi khi lỗi thời và trái ngược nhau của bộ máy quan liêu tập trung bao cấp.

Tham nhũng còn được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh giữa các địa phương vốn nôn nóng tìm mọi cách để đạt được mục tiêu đã đề ra và “ganh đua” với nhau về tốc độ cải cách kinh tế. Trong giai đoạn đầu của quá trình cải cách của Trung Quốc, thu lợi bất chính rất lớn đã được thực hiện bằng cách điều chỉnh mức giá chính thức và không chính thức đối với các mặt hàng tiêu dùng cơ bản.

Chiến dịch chống tham nhũng Trung Quốc đang được tiến hành một cách gắt gao

Chiến dịch chống tham nhũng Trung Quốc đang được tiến hành một cách gắt gao

Chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2012 có tầm quan trọng chính trị to lớn. Đây là chiến dịch lớn thứ ba kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949. Kể từ khi phát động, chiến dịch đã làm rất nhiều quan chức cấp cao "ngã ngựa".

Mới đây nhất, thông tin trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online, sáng nay 13-4, Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Hán Giang, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) mở phiên xét xử Chủ nhiệm Ủy ban quản lý và kiểm tra tài sản nhà nước (SASAC), cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia (CNPC) Tưởng Khiết Mẫn. Hắn bị buộc tội nhận hối lộ, có khối lượng tài sản khổng lồ không rõ nguồn gốc và lạm dụng chức quyền.

Theo đó, một số quan chức cấp cao của Trung Quốc đã bị điều tra hoặc truy tố. Quan chức cao cấp nhất trong số đó là cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, người từng là Ủy viên thường trực Bộ chính trị - cơ quan quyền lực tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mới đây, ông Chu chính thức bị buộc tội hối lộ, lạm quyền và làm lộ bí mật nhà nước.

Bích Phượng(T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang