Những chiêu ‘thoát thân’ của tham quan Trung Quốc

author 06:57 26/01/2015

(VietQ.vn) - Các quan chức Trung Quốc thường có các phương án “chạy án” cuối cùng trước khi bị điều tra vì tội danh tham nhũng: ôm tiền hối lộ cấp trên, hối lộ, mua chuộc các điều tra viên, tháo chạy ra nước ngoài, tự sát…

Các chiêu trò “tránh tội” của các quan chức bị điều tra vì tội danh tham nhũng

Ngày 23/1, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ở Hồng Kông cho hay Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Trung Quốc đã ôm một số tiền khổng lồ lên tới 40 triệu nhân dân tệ (6,4 triệu USD) tới nhà Thượng tướng Từ Tài Hậu, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, nhưng bất thành.

Theo tờ SCMP, tướng Cốc Tuấn Sơn chỉ chịu thừa nhận tội lỗi sau khi ông ta nhận ra rằng sếp Từ Tài Hậu không có khả năng cứu mình khỏi bị truy tố với tội danh tham ô, nhận hối lộ, sử dụng công quỹ sai mục đích và lạm quyền.

Theo Nhìn Thẳng, các quan tham khi chạy án thường ôm tiền đến hối lộ, hoặc sẽ đe dọa lẫn nhau hoặc tìm sự trợ giúp từ những nhân vật có ảnh hưởng, hoặc kêu oan và đổ tội cho người khác để chịu sự trừng phạt nhẹ hơn. Các điều tra viên điều tra tham nhũng lớn của Trung Quốc thường nhận được những lời đe dọa nặc danh bằng thư hoặc điện thoại, một số người còn được khuyên “đi đâu đó mà vui chơi, nếu không sẽ chịu kết cục thảm khốc”. 

Tướng Cốc Tuấn Sơn lo chạy án vì có hành vi tham nhũng

Tướng Cốc Tuấn Sơn lo chạy án vì có hành vi tham nhũng. Ảnh Dân Việt

Tờ báo này tiết lộ một bí thư đảng ủy xã và em trai của mình đã sát hại một người tố cáo sau khi người này công khai đứng lên vạch mặt những quan chức tham nhũng trong xã.

Một quan chức khác ở huyện Qidong thì đe dọa sẽ “ném các điều tra viên qua cửa sổ” sau khi phát hiện ra tài khoản ngân hàng của mình đang bị điều tra. Cao tay hơn, có quan chức thậm chí còn dọa sẽ tự tử nếu bị ủy ban kiểm tra kỷ luật điều tra về tội tham nhũng.

Một phương thức chạy án phổ biến nhất của các quan chức tham nhũng ở Trung Quốc là dùng tiền mua chuộc, hối lộ các điều tra viên đang thực hiện nhiệm vụ.

Hu Zhizhong, cựu viện trưởng viện kiểm sát quận Zhongyuan ở Hàng Châu đã vung tiền hối lộ các nhân viên điều tra, mua chuộc và cấu kết với họ nhằm thoát tội tham nhũng.

Một phiên tòa xét xử quan chức tham nhũng tại Trung Quốc

Một phiên tòa xét xử quan chức tham nhũng tại Trung Quốc. Ảnh Dân Việt

Một chiến thuật chạy án khác của các quan tham bị tờ Nhìn Thẳng vạch mặt là hình thành những “liên minh ma quỷ” giữa các quan chức bị điều tra để tăng cường sức mạnh chống lại các điều tra viên.

Chiến thuật này đã được Gao Jianyun, một cựu quan chức cấp cao của Trung Quốc áp dụng. Sau khi kéo bè kết cánh với các quan chức tham nhũng khác để chạy tội, Gao đã bị cách chức và bắt giữ vào hồi tháng Chín vừa qua.

Một quan chức khác là Xu Jianlong, trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường ở tỉnh An Huy cũng đã bị bắt giữ và truy tố sau khi có hành vi lập liên minh mới những quan chức khác dính líu tới các hành vi tham nhũng của ông ta.

Chạy ra nước ngoài dần trở thành “chiêu trò” tốt nhất mà các quan chức chọn để có thể thực sự chiếm trọn và ung dung tiêu xài số tiền bất chính trên.

Có 2 loại quan tham chốn sang nước ngoài. Một là loại chủ đông, có tính toán kỹ từ trước nhằm né tránh thể chế pháp luật trong nước, nhằm đạt được mục đích hưởng thụ lâu dài và an toàn mưu này thường thực hiện từng bước theo kế hoạch: trước tiên chuyển tiền ra nước ngoài, sắp xếp cho người thân xuất ngoại, sau khi gia đình định cư xong thì bản thân quan tham tìm cách xuất ngoại, bỏ trốn luôn. Loại thứ hai thuộc dạng bị động, không dễ quyết định tháo chạy. Chỉ khi cảm thấy bị đe dọa, lo lắng phải ngồi tù thì mới chọn cách này.

Dù chủ động hay bị động , các quan tham Trung Quốc vẫn đường hoàng ra nước ngoài bằng các phương tiện giao thông do thủ tục làm hộ chiếu, giấy tờ xuất ngoại quá dễ dàng.

Siết chặt cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc

Siết chặt cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc. Ảnh Vietnamnet

Tự tử là một  “chiêu thức tránh tội” khác được các quan tham Trung Quốc áp dụng. Càng siết chặt cuôc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc, số quan chức tự sát ngày càng gia tăng.

Giải thích cho việc làm đó là do họ cho đó là phương cách thoát khỏi án trừng phạt không thể tránh khỏi. Khi quan chức bị bắt, bị tù vì tham nhũng có nghĩa là mọi tước hiệu danh phận đều bị mất, tài sản bị tịch thu. Trong khi đó, theo luật pháp hiện hành, đương sự bị cáo buộc nếu chết sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp luật. Điều này vô hình trung là một cơ hội cho quan tham.

Nếu họ tự sát, họ sẽ không chỉ giữ lại được danh tiếng và thứ bậc, mà tài sản phi pháp cũng không bị tịch thu. Hơn thế nữa, khi tự sát, một quan chức được coi là đã hy sinh vì các thành viên khác trong một chuỗi tham nhũng, các thành viên khác về sau này thường sẽ chăm sóc gia đình của người đó. Bởi thế, khái niệm "tự tử vị tha" có thể làm xói mòn những nỗ lực chống tham nhũng của Trung Quốc.

 Hải Nguyễn

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang