Thẩm phán xét xử vụ án Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng chịu áp lực như thế nào?

author 08:33 09/01/2014

Ngay sau khi phiên xét xử kết thúc, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh Thẩm phán Trương Việt Toàn – Chủ tọa phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng.

 

PV: Thưa ông, khi xét xử sơ thẩm vụ án Dương Tự Trọng và 6 đồng phạm, ông có phải chịu áp lực nào không?
Thẩm phán Trương Việt Toàn: Tôi không phải chịu bất kỳ áp lực từ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào mà hoàn toàn dựa trên cơ sở pháp luật. Chúng tôi chỉ trăn trở suy nghĩ làm sao vận dụng đúng pháp luật, xử đúng người, đúng tội. Đó là áp lực duy nhất.
PV: Hôm nay, tại phần tuyên án, ông đã công bố quyết định khởi tố vụ án Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước. Đây có phải là trường hợp hi hữu xảy ra tại tòa không, thưa ông?
Thẩm phán Trương Việt Toàn: Có nhiều vụ như thế rồi chứ.
PV: Để ra quyết định khởi tố vụ án này, xin ông có thể chia sẻ những căn cứ khởi tố?
Thẩm phán Trương Việt Toàn: Căn cứ này tôi đã nhận định trong bản án rồi.
Nhận định trong bản án: Xét lời khai và diễn biến tại phiên tòa, HĐXX xét thấy đó là chuyên án được cơ quan có thẩm quyền đang xem xét, điều tra, khởi tố, thuộc loại thông tin tuyệt mật của Nhà nước nhưng đã có sự lộ thông tin để Dương Chí Dũng trốn khỏi Việt Nam. Thực tế, Dương Chí Dũng đã trốn, trước khi có quyết định khởi tố một ngày gây khó khăn cho công tác điều tra, gây sự hoài nghi ảnh hưởng rất lớn trong dư luận nhân dân.
Mặt khác, xét đề nghị của VKS duy trì quyền công tố ở phiên tòa đề nghị khởi tố vụ án là có căn cứ. HĐXX thấy có dấu hiệu và cần thiết phải khởi tố vụ án hình sự về hành vi làm lộ bí mật Nhà nước theo điều 263 Bộ Luật Hình sự và giao cho VKSND TP. Hà Nội tổ chức báo cáo với VKSND tối cao để xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào điều 225 Bộ Luật Tố tụng hình sự, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX yêu cầu VKS điều tra làm rõ hành vi nhận 510.000 USD để chạy tội cho Dương Chí Dũng trong vụ án Vinalines…
Căn cứ vào điều 13, điều 100, điều 104 Bộ Luật Tố tụng hình sự, căn cứ vào pháp lệnh số 30 ngày 28/12/2000 về bảo vệ bí mật Nhà nước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 33 ngày 28/3/2002 của Chính phủ chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, quyết định số 13 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quyết định về danh mục bí mật Nhà nước, độ tuyệt mật và tối mật trong lực lượng Công an Nhân dân, căn cứ vào lời khai của Vũ Tiến Sơn, của nhân chứng Dương Chí Dũng và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án Dương Tự Trọng và các đồng phạm bị VKSND tối cao truy tố về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa ngày 7 và 8/1, căn cứ vào đề nghị của đại diện VKSND TP. Hà Nội tại phiên tòa, HĐXX xét thấy có dấu hiệu cố ý làm lộ bí mật Nhà nước theo điều 263 Bộ Luật Hình sự, quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Làm lộ bí mật Nhà nước theo điều 263 Bộ Luật Hình sự).
PV: Là người xét xử vụ án Dương Tự Trọng cùng 6 đồng phạm, được xét hỏi cả 2 anh em bị cáo Dương Tự Trọng – 2 người con trong một gia đình được đánh giá là danh giá ở đất Cảng, dưới góc độ cá nhân, ông thấy điều gì đáng tiếc nhất?
Thẩm phán Trương Việt Toàn: Tôi thấy có điều đáng tiếc nhất là trong mỗi chúng ta, bất kể lúc nào, trong một khoảnh khắc nhất định cần quyết định đúng đắn thì hãy tỉnh táo.
Hơn ai hết anh Trọng (bị cáo Dương Tự Trọng – PV) rất hiểu hậu quả nếu Dương Chí Dũng bỏ trốn. Lúc đó, anh Trọng phải hết sức tỉnh táo thì mới đưa ra một quyết định sáng suốt được. Mỗi chúng ta cũng đều thế. Trong cuộc đời không thiếu gì những giây phút phải lựa chọn, nhưng lựa chọn như thế nào thì cũng phải tìm cách giải quyết đúng đắn nhất. Mà cách đúng đắn nhất là dựa trên cơ sở đạo đức cũng như trên cơ sở pháp luật .
Trong vụ án này, tôi suy nghĩ nhiều nhất về điều đó. Nếu lúc đó có người đủ tỉnh táo mà Dương Chí Dũng thông báo là “anh trốn nhé” thì người ta sẽ khuyên không nên. Đó là giây phút đấu tranh.
Theo Sohanews

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang