50 năm ngày thảm sát Bình An: Thứ tha không có nghĩa là quên lãng

author 13:36 27/02/2016

(VietQ.vn) - Một đại diện Hàn Quốc đã cúi đầu, quỳ lạy để gởi lời xin lỗi đến nạn nhân, thân nhân gia đình nạn nhân trong vụ thảm sát Bình An đẫm máu năm nào.

Chiều 26/2, tại khu chứng tích lịch sử Gò Dài (thôn Gò Dài, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn), UBND tỉnh Bình Định trang trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Bình An (26/2/1966 - 26/2/2015). Tại buổi lễ tưởng niệm, nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Hòa bình Hàn-Việt, Liên minh vì hòa bình Châu Á, Hội Y tế Hàn Quốc vì hòa bình Việt Nam, thành viên Hội đồng Quản trị Bảo tàng Hòa Bình Hàn Quốc…, lãnh đạo tỉnh Bình Định, các sở ban ngành, cùng đông đảo nhân dân các vùng từng hứng chịu trong vụ thảm sát đã thành kính dâng hương, hoa tưởng nhớ những nạn nhân.

Đại diện các tổ chức quốc tế, các hội, đoàn thể Hàn Quốc dâng hoa, dâng hương đến những nạn nhân trong vụ thảm sát Bình An năm 1966

Đại diện các tổ chức quốc tế, các hội, đoàn thể Hàn Quốc dâng hoa, dâng hương đến những nạn nhân trong vụ thảm sát Bình An năm 1966. Ảnh Dân Trí

Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, vùng đất Bình An (nay là 3 xã Tây Vinh, Tây Bình và Tây An, huyện Tây Sơn, Bình Định) - nơi từng hứng chịu vụ thảm sát diễn ra trong nhiều ngày, cướp đi mạng sống của hơn 1.000 người dân vô tội - nay đã hồi sinh, diện mạo thay đổi và bình yên đúng như cái tên vốn có.

Cách đây 50 năm, từ ngày 23/1 - 26/2/1966, 1.004 người dân vô tội tại xã Bình An cũ (nay thuộc các xã Tây Vinh, Tây Bình, Tây An, huyện Tây Sơn và các xã Nhơn Phúc, Nhơn Mỹ, Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn) đã bị lính Nam Triều Tiên sát hại dưới sự chỉ huy của đế quốc Mỹ. Đau thương hơn, chỉ trong 1 giờ ngày 26/2/1966, hơn 380 dân thường tại Gò Dài bị giết hại, 1.925 ngôi nhà bị phá hủy,… những nạn nhân được chôn chung trong một hố.

Báo Dân Trí dẫn lời ông Nguyễn Tấn Lân (ở xã Tây Vinh) - nhân chứng sống trong vụ thảm sát Bình An 1966, nhớ lại: “Ngày 23 tháng Giêng Xuân Bính Ngọ 1966 là ngày mà tôi và những người dân Tây Vinh sẽ không bao giờ quên. Tiếng súng, tiếng pháo nổ liên hồi, 3 mẹ con tôi cùng người dân trong làng kéo nhau xuống hầm. Thế nhưng, lính phát hiện và ra lệnh chúng tôi đi theo chúng. Tại điểm tập trung - đám ruộng Cạnh Buồm (thuộc xóm 1, thôn An Vinh 1), có hơn 20 gia đình ngồi ở đó trong vẻ hãi hùng. Rồi sau một tiếng hét to, chúng đồng loạt nã súng vào người dân. Xác người đổ lên nhau, máu tuôn đỏ ruộng đồng, tiếng la khóc thảm thiết của người dân gọi người thân”.

Ông Roh Hwa Wook quỳ gối tạ lỗi người dân Bình Định trong vụ thảm sát kinh hoàng cách đây 50 năm

Ông Roh Hwa Wook quỳ gối tạ lỗi người dân Bình Định trong vụ thảm sát kinh hoàng cách đây 50 năm. Ảnh Dân Việt

Lời kể đượm mùi đau thương, vẫn phảng phất đầy máu và nước mắt ấy khiến ông Roh Hwa Wook- Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thành lập quỹ hòa bình Hàn Việt không kìm được xúc động. Đại diện Hàn Quốc nói: “Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát Bình An, thời gian cứ qua đi nhưng nỗi buồn, niềm đau vẫn còn đó. Một không gian chung sống ngày thường với cha mẹ, anh em, chòm xóm trong phút chốc đã thành mồ chôn.

Chỉ riêng làng Gò Dài thôi đã có đến 380 người chết, vậy mà đến vụ thảm sát Bình An số người chết trong uất hận còn tăng lên 1.004 người. Xin lỗi, thành thật xin lỗi. Xin lỗi vì chuyện đã xảy ra từ rất lâu rồi mà đến nay tôi mới trễ tràng mang theo nhành hoa đến đây để xin được tạ lỗi. Biết nói cách gì đây để bày tỏ thấu lòng tôi. Xin lỗi, rất xin được tạ lỗi. Tôi sẽ phải luôn ghi nhớ điều này, tôi sẽ cố gắng hết mình để sự hy sinh của người đi trước không trở thành vô nghĩa”.

Vừa dứt lời, ngay tại buổi lễ, ông Roh Hwa Wook đã cúi đầu, quỳ lạy để gởi lời xin lỗi đến nạn nhân, thân nhân gia đình nạn nhân trong vụ thảm sát kinh hoàng cách đây 50 năm.

Đáp lại, báo VnExpress trích lời ông Nguyễn Tấn Lân, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tây Vinh, nhân chứng sống trong vụ thảm sát Gò Dài năm xưa cho rằng, việc thừa nhận sự thật lịch sử, xin lỗi và tha thứ là những điều cần thiết cho sự hòa giải chân chính. "Tôi nhắc lại chuyện cũ nhưng không phải là để kêu gọi sự hận thù. Việc nhắc nhở quá khứ cũng là cách để chúng ta biết sống tha thứ. Bởi sự tha thứ không đồng nghĩa là hãy quên lãng hết mọi thứ", ông nói.

Ông Nguyễn Tấn Lân (ở xã Tây Vinh) - nhân chứng sống trong vụ thảm sát Bình An không bao giờ quên được giây phút kinh hoàng đó

Ông Nguyễn Tấn Lân (ở xã Tây Vinh) - nhân chứng sống trong vụ thảm sát Bình An không bao giờ quên được giây phút kinh hoàng đó. Ảnh Dân Trí

Trong khi đó, Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng tỏ lòng biết ơn thế hệ đi trước của dân tộc ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để mang lại hòa bình ngày hôm nay. Đồng thời, ông xin được chia sẻ những mất mát, đau thương mà thân nhân, gia đình của nạn nhân trong vụ thảm sát Bình An phải gánh chịu, báo Dân Việt đưa tin.

“Giới tri thức trẻ của Hàn Quốc đã nhiều lần đến Việt Nam và lên tiếng kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc, các tổ chức xã hội, cựu chiến binh Hàn Quốc... có hành động thiết thực nhằm bù đắp tội lỗi mà cha ông họ đã gây ra trong quá khứ như một lời tạ lỗi với đất nước Việt Nam. Những vòng hoa, những nén hương thơm, cúi đầu mặc niệm của các đoàn đại biểu Hàn Quốc tại di tích này đã nói lên phần nào sự hối hận, tiếc nuối trước quá khứ đau thương” - ông Dũng bày tỏ.

Nguyễn Yên (T/h)

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang