Thận trọng mở kho vàng 500 tấn trong dân

author 15:03 06/06/2016

(VietQ.vn) - 500 tấn vàng trong dân đang nhàn rỗi nhưng để lượng vốn khổng lồ này chảy vào nền kinh tế thì cần có những bước đi hết sức thận trọng.

Sự kiện: GIÁ VÀNG HÔM NAY

Mới đây, đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhằm huy động một lượng vàng khổng lồ tới 500 tấn trong dân đã nhận được ý kiến nhiều chiều từ các chuyên gia cũng như dư luận.

Đề huy động 500 tấn vàng trong dân cần những bước đi hết sức thận trọng  

Liệu có tới 500 tấn vàng không?

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng trong khi xuất khẩu không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn. Do đó, để huy động vàng có hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để sớm thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích, thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân. “Ngoài ra, Sở giao dịch vàng quốc gia cũng góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, giảm đáng kể lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng, loại bỏ những loại hình giao dịch vàng bất hợp pháp…”, đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho hay.

Trước khi có đề xuất trên của Hiệp hội Kinh doanh vàng, cũng đã từng có đề xuất tương tự của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) và của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, đề xuất lần này của Hiệp hội Kinh doanh vàng vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Chưa bàn tới tính khả thi của đề xuất, một ý kiến rất đáng chú ý của TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đặt ra câu hỏi, liệu kho vàng trong dân có còn tới 500 tấn như con số ước tính hay chỉ còn một phần rất nhỏ?

TS. Bùi Quang Tín phân tích, hiện nay Việt Nam có khoảng 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng, tính trung bình mỗi doanh nghiệp có số vốn kinh doanh khoảng 800 lượng vàng 9999 thì tổng số vàng mà các doanh nghiệp kinh doanh vàng đang nắm giữ khoảng 9,6 triệu lượng vàng 9999. Lúc đó, với số lượng 500 tấn vàng ước tính Việt Nam đã nhập khẩu trong suốt thời gian qua, tương đương 13,33 triệu lượng vàng 9999 thì số vàng nằm ở các doanh nghiệp này chiếm khoảng 72%. Ngoài ra theo ông Tín, dựa vào Báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM) quý I/2016, số lượng vàng SJC trong hệ thống ngân hàng chiếm dưới 1% trong tổng số 500 tấn vàng.

Như vậy, lấy con số 500 tấn vàng trừ đi số lượng vàng đang nằm trong các doanh nghiệp kinh doanh vàng và các ngân hàng thì chỉ còn khoảng gần 27% trong số 500 tấn vàng là nằm trong dân.

Đau lòng 3 anh em trong một gia đình chết đuối ở Nghệ An(VietQ.vn) - Vụ chết đuối của 3 anh em trong một gia đình tại Nghệ An khiến người dân vô cùng đau xót.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý hơn là số lượng 27% trong tổng số 500 tấn vàng trên, không thể nói chắc được là còn bao nhiêu phần trăm nằm trong két sắt của người dân bởi họ cũng đã bán ra để kinh doanh, nhất là trong thời kỳ đỉnh điểm giá vàng lên cao cùng với thời điểm thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt và bất động sản sôi động.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian vừa qua phù hợp nên đã triệt tiêu tâm lý đầu cơ vàng trong dân. “Do đó, theo tôi số vàng còn nằm trong két sắt của người dân hiện thực chất chỉ còn khoảng 5 - 10% của 500 tấn mà thôi”, TS. Bùi Quang Tín nói.

Chính phủ cho rằng phải thận trọng

Trả lời đề xuất thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia, Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Chính phủ. Cụ thể, Văn phòng Chính phủ cho biết, sau 4 năm Ngân hàng Nhà nước nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay, thị trường vàng đang diễn biến ổn định, biến động của giá vàng không còn tác động lớn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Nhu cầu về vàng miếng ngày càng giảm. Tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Hiện nay, quản lý hoạt động mua, bán vàng miếng đã đi vào nề nếp và cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, đánh giá, tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo hướng tiếp tục duy trì sự ổn định thị trường vàng, ngăn chặn tình trạng “vàng hoá” trong nền kinh tế, tạo tiền đề để tiếp tục chuyển hoá nguồn lực vàng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Tất cả các ý kiến đề xuất thành lập hay phản đối thành lập sàn vàng đều là những ý kiến để Ngân hàng Nhà nước phân tích, cân nhắc hết sức thận trọng trước khi đưa ra các biện pháp quản lý thị trường vàng theo đúng chủ trương của Chính phủ. 

Đề án lập sàn vàng quốc gia nằm trong kế hoạch chiến lược quản lý của Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước). Tuy nhiên, để triển khai định chế trên, phải theo từng bước và đúng thời điểm khi hội tụ đủ điều kiện. Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện tại, cần đánh giá một cách chi tiết hơn về lượng vàng trong dân thay vì những phỏng đoán mơ hồ.

TS. Bùi Quang Tín cho rằng, số lượng vàng còn trong dân là không nhiều, do đó việc thành lập Sở giao dịch vàng nhằm thu hút vàng trong dân không còn là giải pháp cấp bách trong điều kiện hiện nay. “Tuy nhiên, về bản chất, việc thành lập Sở giao dịch vàng luôn là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế và các cơ quan chức năng cần có thời gian chuẩn bị đầy đủ và chu đáo về các điều kiện, cần nghiên cứu kỹ lưỡng các mô hình sàn giao dịch vàng quốc tế, hoàn thiện quy trình kiểm soát tốt rủi ro trong hoạt động kinh doanh trên Sở giao dịch vàng và giữ ổn định tỷ giá USD/VND”, TS. Bùi Quang Tín nói.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, điều kiện hiện tại ở Việt Nam chưa thích hợp để thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia. “Sàn vàng phải đáp ứng các điều kiện về quy mô, mức độ vàng hóa trong nền kinh tế, sự liên thông thị trường vàng trong nước và quốc tế. Thông thường mở sàn vàng phải theo lộ trình 2 giai đoạn, một là vàng vật chất và hai là vàng tài khoản, có nghĩa cho phép cả nước ngoài vào, vì vậy phải có tính liên thông với quốc tế. Rõ ràng, khả năng đáp ứng những điều kiện này của chúng ta là chưa rõ ràng. Nếu chúng ta không cẩn thận, khi lập sàn vàng có thể quay lại hiện tượng vàng hóa cao hơn trong nền kinh tế, vì hiện tượng đầu cơ tích trữ ngày càng tăng hơn”, TS Cấn Văn Lực nói.

Bình luận về tính khả thi của đề án, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu quyết tâm, chuẩn bị kỹ càng và thực hiện một cách hợp lý thì đề án có tính khả thi, vì người dân cất giữ vàng cũng muốn có chỗ để gửi vàng và có lời. “Hiện nay, người dân giữ vàng nhưng không có lãi. Vì thế, nếu có cơ chế thì họ sẽ gửi vàng, ủy thác vàng. Với tư cách là ngân hàng của quốc gia, Ngân hàng Nhà nước đủ uy tín để người dân gửi vàng của mình ở đó. Tôi nghĩ, nhiều người dân sẽ sẵn sàng gửi tài sản của họ nếu có sự yên tâm và vàng gửi ở đó được hưởng lãi suất”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang