Tháng Sáu nhớ Bác, người khai sinh nền báo chí Cách mạng Việt Nam

author 07:00 21/06/2020

(VietQ.vn) - 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 - 21/06/2020), những người làm báo lại càng nhớ đến Bác Hồ - Người khai sinh ra nền báo chí Cách mạng, đồng thời là nhà báo tài năng, tâm huyết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu). 

Sau bao năm bôn ba ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước và sáng lập tờ Việt Nam độc lập, nhằm kêu gọi nhân dân đoàn kết đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp. Tiếp đó, hàng loạt tờ báo khác cũng được thành lập như Cứu quốc, Cờ giải phóng, Tạp chí Cộng sản và nhiều tờ báo ở địa phương đã góp phần tuyên truyền đường lối cứu nước trong cán bộ, nhân dân.

Không chỉ là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà báo tài năng, tâm huyết.

Bài báo đầu tiên trong đời làm báo của Người là bài viết Vấn đề người bản xứ đăng trên báo L’Humanité ngày 2/8/1919. Bài báo cuối cùng mà Người viết là bài Thư trả lời Tổng thống Mỹ, đăng báo Nhân Dân số 5684, ngày 7/11/1969 (bài báo này Hồ Chí Minh viết ngày 25/8/1969, trước một tuần ngày Người qua đời).

Trong cuộc đời làm báo của mình, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo, tác phẩm với nhiều thể loại, và được ký bằng 174 tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau. Đó là những tác phẩm lý luận quan trọng, là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng. Nhà báo Hồ Chí Minh không những viết báo bằng tiếng Việt mà còn viết bằng nhiều ngôn ngữ khác.

Không chỉ là nhà báo với nhiều tác phẩm, Hồ Chí Minh còn là người đặc biệt quan tâm đến việc phát triển báo chí cách mạng Việt Nam cũng như đào tạo, bồi dưỡng những người làm báo thật sự bút trong, tâm sáng. Ngày 17/8/1952, trong buổi nói chuyện tại trường Chỉnh Đảng Trung ương ở Việt Bắc, Hồ Chí Minh nêu rõ 4 vấn đề cơ bản trước những cán bộ báo chí: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?”. Cũng tại đây, Người đã giải đáp cặn kẽ những câu hỏi này, đó là: “Phải viết gọn, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi... Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng’”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?”.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo, mỗi bài báo phải đi đầu biểu dương cái mới, cái tốt, những nhân tố tích cực và phê phán mạnh mẽ cái sai, cái xấu, cái cũ, những hiện tượng tiêu cực làm tổn hại đến lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Đặc biệt, với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, người làm báo cần phải làm chủ công nghệ để truyền tải thông tin thật nhanh và thật chính xác. Nhưng trên hết, người làm báo cần phải rèn tâm, phải lấy cái đức làm gốc của nghề nghiệp, như cố Nhà báo lão thành Hữu Thọ từng nói “Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc”.

Thủ tướng gửi thư chúc mừng nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam(VietQ.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có thư gửi tới các đại biểu tham dự Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nói riêng và toàn thể cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, những người làm báo cả nước nói chung những tình cảm gắn bó thân thiết và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang