Thành công trong chuyển đổi số đến từ sự sẵn sàng thay đổi

author 06:58 30/08/2020

(VietQ.vn) - Câu chuyện thành công của chuyển đổi số cho thấy, người đi tiên phong là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới…

Theo Báo cáo về nền kinh tế số tại Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain & Company năm 2019, kinh tế số của Việt Nam và Indonesia tăng trưởng như "rồng được tháo xích",’dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%) và dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025. Chính vì vậy, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Phát triển điện thoại thông minh 5G tại Vinsmart.  

Mặc dù kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử đem lại rất nhiều lợi ích, nhưng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ đối với quá trình chuyển đổ số. Thậm chí, giới chuyên gia nhận định, không ít doanh nghiệp còn có tư duy chuyển đổi số chỉ là một phương tiện để phô diễn chứ không phải là khoản đầu tư hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam nêu ý kiến, thương mại điện tử là một trong những giải pháp quan trọng với doanh nghiệp, giúp hoạt động kinh doanh phát triển trở lại. Do đó yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp là phải thay đổi, đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu mới hiện nay.

"Càng ngày thương mại điện tử càng phát triển và các nền tảng ứng dụng hoạt động mua sắm, cũng như tương tác thông qua các thiết bị di động, các điện thoại thông minh thì việc chuyển đổi phải thích ứng cho tất cả những nội dung đó. Do đó, các doanh nghiệp không chỉ chuyển đổi trong lĩnh vực xây dựng website quảng bá sản phẩm mà toàn bộ sinh thái cho thương mại điện tử cũng phải đồng thời chuyển đổi và phát triển lên tầm cao mới, trong đó có vấn đề logistics, xuất nhập khẩu trực tuyến cũng như việc giao hàng của chúng ta phải hoàn chỉnh", ông Dũng cho biết.

Còn theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chuyển đổi số thành công hay thất bại không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, vào thể chế quốc gia. Do đó, muốn chuyển đổi số, Chính phủ cần tạo ra hệ thống thể chế hiện đại với các quy định pháp luật phù hợp, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cung ứng nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng, để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số.

Về phía doanh nghiệp, phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững và bao trùm.

"Những câu chuyện thành công của chuyển đổi số cho thấy, người đi tiên phong trong chuyển đổi số là người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới. Sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những khâu trung gian còn rườm rà, hình thức. Đổi mới tổ chức trên nền tảng sáng tạo sẽ là bước đi mở đường cho kinh tế số ở cấp doanh nghiệp" - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng Thương mại điện tử trực tuyến. Ngoài ra, Bộ cũng đang khẩn trương hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết. Cùng với đó, tăng cường đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Khởi nghiệp sáng tạo thời chuyển đổi số: 'Đừng bỏ lỡ'(VietQ.vn) - "Theo tôi cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số là cơ hội vô cùng lớn cho các startup trẻ, đừng bỏ lỡ!", ông Giang Thiên Phú – Giám đốc điều hành Công ty Gadget Việt Nam nhấn mạnh.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang