Thanh Hóa: Tăng khả năng cạnh tranh doanh nghiệp từ năng suất chất lượng

author 09:09 14/12/2014

(VietQ.vn) - Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa - một biện pháp quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Thanh Hóa, với xu hướng toàn cầu hoá, nền kinh tế thế giới đang thay đổi từng ngày. Trong vòng quay đó, Việt Nam đã và đang từng bước bắt kịp với guồng quay thương mại, nhanh chóng hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. 

 

Năm 1995, Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean). Năm 1997, là thành viên sáng lập ra diễn đàn hợp tác Á - Âu (Asem). Năm 1998, gia nhập diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương , tháng 11/2006 Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đứng trước bối cảnh toàn cầu hoá nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Thanh Hoá nói riêng muốn tồn tại và phát triển thì sản phẩm hàng hoá của họ không những chỉ cạnh tranh trong phạm vi một quốc gia, mà sâu rộng hơn đó chính một cuộc chiến thương mại mang tính chất sống còn của một doanh nghiệp, một quốc gia trong thời kì hội nhập. Vũ khí của cạnh tranh chính là chất lượng mà chất lượng lại là một trong những yếu tố nâng cao năng suất, ngược lại năng suất cũng góp phần đảm bảo chất lượng của hàng hoá, dịch vụ. Hiểu rõ mức độ quan trọng trong mối quan hệ biện chứng giữa năng suất và chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp tăng sức mạnh cạnh tranh trên thị trường.

Hiện trạng hoạt động năng suất và chất lượng của các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp Thanh Hoá đã từng bước quan tâm đến việc áp dụng các Hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng phòng thí nghiệm... trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp có các hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng trong năm năm vừa qua (2006-2010) là rất thấp.

- Về hoạt động nghiên cứu KH&CN (thực hiện các đề tài, dự án KH&CN): bình quân mỗi năm chỉ có khoảng 2,3% DN có hoạt động nghiên cứu KH&CN;

- Về xây dựng và áp dụng  hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: bình quân mỗi năm chỉ có khoảng 4,9% DN có hoạt động xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý‎ chất lượng tiên tiến;

- Về hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp: bình quân mỗi năm chỉ có khoảng 1,9 DN có hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;

- Về nâng cao năng lực KHCN: Bình quân mỗi năm chỉ có khoảng 0,2 % DN có hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ (như xây mới, cải tạo, nâng cấp phòng thí nghiệm, trung tâm KH&CN trực thuộc DN, mua sắm thiết bị nghiên cứu khoa học).

- Về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp

Công nghệ sản xuất của DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện nay đa số là công nghệ trung bình, lạc hậu. Cụ thể là:

+ So với trong nước : 38,1 % công nghệ đạt trình độ hiện đại, 60,2 % công nghệ có trình độ trung bình , 1,7 %  công nghệ lạc hậu.

+ So với nước ngoài: 1,2% công nghệ đạt trình độ hiện đại, 87,2 % công nghệ có trình độ trung bình. 11,6 % công nghệ lạc hậu. ( theo kết quả điều tra sơ bộ tại 200 DN sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá do Trung tâm ứng dụng - chuyển giao KH&CN Thanh hoá thực hiện trong  tháng 9/2011).

Thanh Hóa

Thanh Hóa tăng khả năng cạnh tranh doanh nghiệp từ năng suất chất lượng. Ảnh minh họa

Như vậy, thực trạng hoạt động năng suất và chất lượng của các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá hiện đang còn ở mức thấp. Với thực trạng như vậy, các nhà quản lý‎, các chủ doanh nghiệp cần nhìn nhận một cách thấu đáo, tập trung mọi nguồn lực để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, từ đó tăng khả năng cạnh tranh từng bước khẳng định thương hiệu và phát triển bền vững. 

 Để góp phần ổn định và nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh, tăng khả năng cạnh tranh, tạo đà phát triển nhanh và bền vững cho nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Sở Khoa học và Công nghệ đã và đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2015” thuộc Chương trình Quốc gia về thúc đẩy năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp việt Nam đến năm 2020, với nội dung cơ bản là:

- Phân tích, đánh giá hiện trạng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và quản lý chất lượng của doanh nghiệp tham gia dự án; xác định nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần phải khắc phục. Đánh giá trình độ chất lượng của sản phẩm, hàng hóa; đo lường năng suất của các doanh nghiệp trong tỉnh.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về năng suất và chất lượng.

- Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ cải tiến năng suất, tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia, đổi mới công nghệ.

- Hỗ trợ phát triển phòng thử nghiệm, xây dựng và áp dụng ISO/IEC 17025

Với việc đẩy mạnh phong trào năng suất chất lượng tại Thanh Hóa, sẽ tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hoá trọng yếu của tỉnh, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội.

Hồng Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang