Nghi vấn xung quanh kim tự tháp khổng lồ dưới đáy biển Nhật Bản

author 20:30 13/03/2015

(VietQ.vn) - Một thợ lặn đã vô tình phát hiện ra cấu trúc đá đồ sộ được cho là kim tự tháp phê tích của thành phố Atlantis kỳ bí tồn tại hàng nghìn năm trước, bên dưới đáy biển Nhật Bản.

Vào năm 1985, một thợ lặn người Nhật trong khi đang làm việc dưới vùng biển gần đảo Yonaguni Jima (gần Đài Loan) đã tình cờ phát hiện một kiến trúc đá cổ đồ sộ. Công trình được cho là thuộc về thành phố Atlantis này dài đến 100m, có dạng bậc thang của các kim tự tháp với những góc cạnh tinh tế.

Ban đầu giới nghiên cứu cho rằng đây là các cấu trúc tự nhiên. Nhưng sau nhiều chuyến khảo sát, họ đã khẳng định đây là một công trình nhân tạo qua dấu vết mài xẻ trên đá, các ký tự trên những phiến đá và các mẩu đá được mài đẽo hình các loài động vật.

Có ý kiến cho rằng công trình này thuộc về thành phố Atlantis

Có ý kiến cho rằng công trình này thuộc về thành phố Atlantis

Sau nhiều năm nghiên cứu sự hình thành của khu tàn tích này, các nhà khoa học Nhật bản đã đi tới kết luận đáng kinh ngạc rằng: Đây là dấu tích của một nền văn minh cao cấp cổ xưa, là một thành phố cổ bị động đất đánh chìm khoảng 12.000 năm trước.

Để khẳng định điều này, Masaaki Kimura, một nhà địa chất biển tại Đại học Ryukyus, Nhật Bản, đã dành hơn 15 năm lặn xuống khu vực này để đo đạc và tìm hiểu sự hình thành của nó.

"Cấu trúc lớn nhất trông giống như một kim tự tháp bậc thang, làm bằng đá nguyên khối, nhô lên ở độ sâu 25 mét", Kimura trình bày giả thuyết mới nhất của mình tại một hội thảo khoa học.

Các thợ lặn đã phát hiện ra những con đường dài, những đại lộ lớn, những cấu trúc cầu thang lớn, những cấu trúc cổng tò vò, các khối đá khổng lồ được đẽo gọt chính xác và tỉ mỉ. Các cầu thang khổng lồ ở nơi đây đã được xây dựng từ một loạt các lớp đá cao 1m, giống như bậc thang kim tự tháp.

Thành phố Atlantis vẫn còn là câu hỏi khiến các nhà khoa học đau đầu

Thành phố Atlantis vẫn còn là câu hỏi khiến các nhà khoa học đau đầu

Các nhóm chữ tượng hình được tìm thấy chỉ ra rằng những người xây dựng các tàn tích dưới đáy biển này thuộc về một nền văn minh rất tiến bộ. Các nhà khảo cổ học tại Trường Đại học London tin rằng những người xây dựng nên công trình này có trình độ còn vượt trên các nền văn minh Lưỡng Hà và sông Ấn.

Tuy nhiên, chủ nhân của công trình này vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi trong giới khoa học. "Tôi không tin rằng bất kỳ cấu trúc hoặc hình khối lớn nào ở đó là các bậc thang nhân tạo, chúng đều là tự nhiên cả", Robert Schoch, giáo sư về khoa học và toán học tại Đại học Boston, người từng lặn xuống khu vực này, nhận định.

Ngoài ra, ngay cả Tổ chức Văn hoá của chính phủ Nhật Bản cũng như chính quyền quận Okinawa đều không coi các dấu tích tại Yonaguni là một di sản văn hoá quan trọng. Cả hai cơ quan này đều chưa từng thực hiện các nghiên cứu hoặc bảo tồn tại khu vực này.

Đinh Ly (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang