'Thành phố không người' cho tương lai

author 16:41 10/10/2015

Tại vùng đồng bằng khô cằn ở phía nam sa mạc bang New Mexico (Mỹ), nằm giữa địa điểm thử nghiệm bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ và biên giới Mỹ - Mexico là một thành phố đang mọc lên từ cát.

Dự án thành phố "tương lai" CITE trị giá 1 tỉ USD

Thành phố rộng gần 39km2 này sẽ được sử dụng như một nơi thử nghiệm và đánh giá việc phát triển các công nghệ mới, giúp định hình tương lai của môi trường sống đô thị. Sẽ có các thí nghiệm đầy tham vọng trong các lĩnh vực như giao thông, xây dựng, truyền thông và an ninh.

Thử nghiệm 
công nghệ tương lai

Thành phố với một trung tâm thương mại hiện đại, những dãy nhà ngay hàng thẳng lối ở vùng ngoại ô bên cạnh đường phố, công viên, trung tâm mua sắm và một nhà thờ xây dựng với sức chứa khoảng 35.000 cư dân nhưng hoàn toàn vắng bóng người.

Đài CNN cho biết mô hình kích cỡ thật của một thành phố truyền thống tại Mỹ này nằm trong dự án CITE (Trung tâm đổi mới, thử nghiệm và đánh giá) trị giá 1 tỉ USD của Công ty công nghệ và viễn thông Pegasus Global Holdings.

Dự án CITE sẽ bao gồm các khu vực đặc biệt để phát triển các cách thức mới nhằm giải quyết những vấn đề về nước, năng lượng và nông nghiệp. Một mạng lưới thu thập dữ liệu dưới lòng đất sẽ cung cấp các phản hồi chi tiết theo thời gian thật các thử nghiệm này.

“Nơi đây là một môi trường nơi mà các công nghệ, dịch vụ và sản phẩm mới có thể được thử nghiệm và kiểm tra mà không cản trở cuộc sống hằng ngày của người dân” - giám đốc quản lý Pegasus Robert Brumley thông tin.

Công ty Pegasus sẽ sử dụng máy bay không người lái để giám sát giao thông và sự đáp ứng của các con đường trước các luồng giao thông của những phương tiện giao thông không người lái.

Máy móc như robot được đặt trong các ngôi nhà thiết kế để con người có thể sống sót sau các thảm họa tự nhiên. Thành phố cũng là nơi thử nghiệm và đánh giá các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng thorium.

Đi trước hình mẫu 
thông thường

Giám đốc Brumley mô tả CITE là “một bước trung gian” giữa việc kiểm tra công nghệ trong phòng thí nghiệm và việc đưa công nghệ này đến với công chúng trong thế giới thực.

Ông Brumley tin rằng tiến trình này sẽ giúp đưa ra các sản phẩm dễ được thị trường chấp nhận hơn và giải quyết “Thung lũng chết chóc” - sự thiếu hụt tồn tại giữa đầu tư trong nghiên cứu và phát triển với lợi nhuận do sự đầu tư này sinh ra.

“Mỹ đã sử dụng hàng tỉ USD để nghiên cứu và chỉ thu về 2-3% lợi nhuận trong các sản phẩm thương mại. Thành phố này có thể mở rộng và tăng lợi nhuận này lên” - ông Brumley nhận định.

Thai nghén từ năm 2011 nhưng dự án CITE gặp khó khăn trong khâu tìm đất xây dựng nên bị hoãn lại trong hai năm. Sau đó một khu đất mới được chọn và với giấy phép thương mại, công việc xây dựng bắt đầu trong năm nay. Thành phố ngay gần biên giới Mỹ - Mexico sẽ chính thức đi vào hoạt động năm 2018.

Công ty Pegasus hi vọng dự án CITE sẽ thu hút các khách hàng có uy tín từ khu vực thương mại và khu vực công, bao gồm các ban ngành chính phủ, học viện và một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Thậm chí Pegasus còn hi vọng CITE có thể cạnh tranh với các trung tâm công nghệ như Thung lũng Silicon.

Các thiết kế mô phỏng tiêu chuẩn cao về “thành phố tương lai” xuất hiện khắp nơi trên thế giới từ Thành phố Masdar không lãng phí tại UAE đến Thung lũng PlanIT tại Bồ Đào Nha với hơn 100 triệu cảm biến được kết nối.

Tuy nhiên, giám đốc quản lý của CITE tự tin cho rằng dự án của ông vẫn đứng vững bởi CITE là thành phố duy nhất thuần túy dành cho việc kiểm tra, thử nghiệm với quy mô và sự đa dạng khác nhau và với nhiều dạng khách hàng khác nhau.

Dự án CITE nhận được sự ủng hộ của chính quyền bang New Mexico cũng như các chuyên gia kế hoạch đô thị hàng đầu của Mỹ.

“Chúng ta cần phát triển môi trường thực nghiệm mới đi trước các hình mẫu thông thường ngày nay. Với CITE, những mô phỏng nhanh và đánh giá trở nên khả thi, giúp chúng ta kiểm nghiệm nhanh chóng hơn” - bà Nataly Gattegno, đứng đầu phòng thiết kế tại phòng thí nghiệm “Thành phố tương lai” ở San Francisco, nhìn nhận.

“Bạn có thể mang đến những thứ mới mẻ để đập phá, làm vỡ chúng ra để tìm ra quy luật vận hành của nó. Nơi đây sẽ trở thành một nơi đầy lôi cuốn con người với những ý tưởng và công nghệ đem đến đây không chỉ để thử nghiệm mà còn để tương tác

Robert Brumley (giám đốc quản lý Công ty Pegasus)

Theo Tuổi trẻ


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang