Thanh toán điện tử: Phải để cho người tiêu dùng thấy an toàn mọi lúc, mọi nơi

author 06:44 27/05/2019

(VietQ.vn) - Phải tạo niềm tin cho người tiêu dùng để họ thấy được sự tiện lợi, an toàn khi thanh toán điện tử ở mọi lúc, mọi nơi. Khi đó, họ sẽ dần thay đổi thói quen dùng tiền mặt.

Trong 5 năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng với tốc độ 25 - 30% mỗi năm với tổng giá trị giao dịch TMĐT năm 2018 đạt 8 tỷ USD, tuy nhiên chủ yếu phương thức thanh toán vẫn là tiền mặt. Chỉ 3 - 5% lượng giao dịch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm tỷ trọng rất thấp, đến 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền (COD).

 TMĐT tăng trưởng với tốc độ 25 - 30% mỗi năm với tổng giá trị giao dịch TMĐT năm 2018 đạt 8 tỷ USD. Ảnh minh họa.

Xây dựng niềm tin từ người tiêu dùng

Trao đổi về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết "việc thay đổi thói quen của khách hàng, cải thiện quy trình thanh toán là đòi hỏi cấp thiết, không chỉ riêng với TMĐT mà cả với sự phát triển của kinh tế số".

Bà Huyền nhấn mạnh, mấu chốt để thay đổi điều này là xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong TMĐT. Chính phủ cần đưa ra những hành lang pháp lý, những thể chế để thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, cũng cần có những giải pháp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, thay đổi niềm tin của khách hàng với quy trình thanh toán không dùng tiền mặt.

Để cho người tiêu dùng thấy thanh toán điện tử an toàn mọi lúc, mọi nơi...

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân vẫn là bài toán khó từ nhiều năm nay và khó có thể làm được trong “ngày một ngày hai”.

Hiện nay, dù đã có nhiều phương tiện thanh toán như chuyển khoản qua ngân hàng, dùng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, các ứng dụng khác dùng cho ví điện tử... thế nhưng những phương tiện này vẫn chưa được phổ biến và dùng một cách rộng rãi trong xã hội Việt Nam. Việc sử dụng tiền mặt chiếm đến 90% chi tiêu, 99% cho các mặt hàng dưới 100.000 đồng, gần 85% giao dịch tại ATM là rút tiền.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, Việt Nam được đánh giá là một nước có nền tảng tốt để thực hiện mục tiêu giảm tỷ trọng giao dịch tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán. Để việc thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến đòi hỏi phải có sự phối kết hợp đồng bộ giữa 3 phía: Người tiêu dùng, người cung cấp dịch vụ và Chính phủ.

Về phía người tiêu dùng, phải tạo niềm tin để họ thấy được sự tiện lợi, an toàn khi thanh toán điện tử ở mọi lúc, mọi nơi. Khi người sử dụng thấy được sự tiện ích họ sẽ dần thay đổi thói quen không dùng tiền mặt. 

Về phía người cung cấp dịch vụ và bán hàng cũng cần áp dụng công nghệ thông tin khi thanh toán. Ngay cả những cửa tiệm tạp hóa cũng dần dần phải có những ứng dụng như QR Code và những ứng dụng khác có thể chấp nhận ví điện tử. 

“Về phía Chính phủ, cần đưa ra những biện pháp khuyến khích để người dân sử dụng phương tiện thanh toán phi tiền mặt, chẳng hạn như có thể miễn thuế, phí; Hoặc cần có chế tài bắt buộc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại một số nơi như bệnh viện hay một số cơ sở mà chính quyền quản lý... ” ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

'Quản' thương mại điện tử xuyên biên giới với hàng hóa xuất nhập khẩu(VietQ.vn) - Thương mại điện tử với nhiều tính năng ưu việt, cho phép khách hàng mua sắm mọi nơi, mọi lúc từ các cửa hàng trên khắp thế giới, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu trong việc kiểm soát hàng hóa thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang