Thanh tra ATBXHN góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tăng hiệu lực quản lý nhà nước

author 06:30 07/08/2017

(VietQ.vn) - Kết quả hoạt động thanh tra ATBXHN đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

Ngày 11/4/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Văn bản số 1103/BKHCN-TTra gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp chỉ đạo triển khai Cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng về an toàn bức xạ hạt nhân (ATBXHN) năm 2017 trên phạm vi toàn quốc.

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch chi tiết để tiến hành triển khai thanh tra đối với các tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ (NPX) đang sử dụng hoặc lưu giữ tại địa phương trên cơ sở kế hoạch tham khảo danh sách các đơn vị có nguồn phóng xạ đã được Cục An toàn bức xạ hạt nhân thống kê.

Để làm rõ vai trò, ý nghĩa cũng như những thông tin về chi tiết về Cuộc thanh tra chuyên đề về an toàn bức xạ hạt nhân do Bộ KH&CN chỉ đạo triển khai, PV Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Toàn, Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao Thanh tra Bộ KH&CN chọn chủ đề thanh tra chuyên ngành về an toàn bức xạ hạt nhân trong năm 2017, ông Phạm Văn Toàn cho biết, trong những năm qua, ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT), trong đó sử dụng nguồn phóng xạ (NPX), thiết bị bức xạ trong sản xuất, kinh doanh đã mang lại những lợi ích to lớn trong đời sống kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, song song với lợi ích không thể phủ nhận của việc ứng dụng NLNT thì hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cần phải được kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ (ATBX), an ninh NPX ở mức độ cao nhất, ổn định và lâu dài.

 Ông Phạm Văn Toàn -Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN. Ảnh: VOV

Thống kê mới nhất, tính đến cuối năm 2016, trên toàn quốc có 1121 cơ sở sử dụng NPX với tổng số 3932 nguồn. Trong các năm 2015, 2016, trung bình mỗi năm, cơ quan thanh tra chuyên ngành an toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) thanh tra được 120 cơ sở, chiếm tỷ lệ  10,7 % tổng số cơ sở sử dụng NPX trong cả nước. Như vậy, nếu thanh tra với tiến độ như hiện nay thì phải sau 10 năm, một cơ sở có NPX mới phải thanh tra lại. Con số này là vấn đề đáng lo ngại đối với công tác quản lý ATBXHN hiện nay.

“Chính vì vậy, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý ATBXHN, nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân sử dụng NPX trong việc chấp hành quy định pháp luật về NLNT, đồng thời có điều kiện tập trung lực lượng tiến hành thanh tra để đánh giá tổng thể hoạt động quản lý chuyên ngành ATBXHN trên toàn quốc, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chỉ đạo các lực lượng trong toàn ngành triển khai mạnh mẽ hoạt động thanh tra chuyên đề “Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ”, ông Phạm Văn Toàn nói.

Đánh giá về kết quả đạt được của công tác thanh, kiểm tra về ATBXHN được Bộ KH&CN triển khai trong những năm vừa qua, Phó Chánh Thanh tra Phạm Văn Toàn cho hay, công tác thanh, kiểm tra về ATBXHN được Cục ATBXHN, Bộ KH&CN ở Trung ương và Sở KH&CN địa phương triển khai mang lại kết quả nhất định.

Qua kiểm tra, Thanh tra đã phát hiện, xử phạt nhiều cơ sở vi phạm các quy định pháp luật trong việc sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ, trong tiến hành các công việc bức xạ. Kết quả thanh tra kiểm tra đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tình trạng cố tình không chất hành quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân, cụ thể như sử dụng nguồn phóng xạ không khai báo, không thực hiện các quy định của pháp luật trong việc lưu giữ, di chuyển nguồn phóng xạ; không thực hiện các quy định trong hoạt động các công việc bức xạ… gây khó khăn cho công tác quản lý.

Một trong những khó khăn hiện tại đối với các đoàn thanh tra là xác lập nhãn hiệu thiết bị, hãng sản xuất, năm sản xuất. Thiết bị X-quang chẩn đoán thông thường gồm nhiều bộ phận cấu thành khác nhau và có thể mang nhiều nhãn hiệu, hãng sản xuất khác nhau.

Do đó, để nhận dạng chính xác nhãn hiệu, hàng sản xuất năm sản xuất thiết bị cần dựa vào tài liệu kỹ thuật gốc của nhà sản xuất đi kèm theo thiết bị cũng như các biên bản bàn giao khác. Đây là căn cứ để nhận dạng tốt nhất và chủ yếu nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế rất ít các đơn vị làm tốt công tác bảo quản, lưu giữ các tài liệu này. Nhiều trường hợp Đoàn thanh tra không nhận dạng được thiết bị trên thực tế theo tên nhãn mác và hãng sản xuất. Đây cũng là một khó khăn đối với Đoàn thanh tra và là kẽ hở để đơn vị có thể tự động thay đổi các bộ phận cấu thành, thậm chí thay đổi cả thiết bị mà Đoàn thanh tra khó có thể chứng minh hoặc phải mất rất nhiều công sức để chứng minh.

Sở KH&CN Bắc Kạn thanh tra an toàn bức xạ hạt nhân tại các cơ sở y tế. Ảnh: Báo Bắc Kạn 

Về vấn đề trong những năm qua, chương trình thanh, kiểm tra về an toàn bức xạ hạt nhân đã được tổ chức thường xuyên đã phát hiện nhiều cơ sở sai phạm và xử phạt hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ sở tái phạm và buộc phải tiếp tục xử phạt, ông Phạm Văn Toàn lý giải, tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nhận thức, ý thức pháp luật của một số tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này còn kém.

Một lý do quan trọng khác là công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại một số địa phương chưa được chú trọng, năng lực cán bộ làm công tác này còn hạn chế, số lượng cán bộ ít.

Dù còn nhiều những khó khăn trong công tác quản lý an toàn bức xạ hạt nhân nhưng theo Chánh thanh tra Phạm Văn Toàn, các đơn vị cuả Bộ KH&CN nói chung và bộ phận Thanh tra nói riêng vẫn nỗ lực hết mình trong việc kiểm tra, xử lý các cơ sở sai phạm, tạo nên môi trường sản xuất, sinh hoạt an toàn cho người dân, nâng cao nhận thức của xã hội về sự nguy hiểm cũng như cách thức đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân vì sức khỏe chung của cộng đồng.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra về an toàn bức xạ hạt nhân tại các địa phương trên cả nước. Trong quá trình này, toàn bộ các cán bộ, nhân viên chuyên trách cũng như trang thiết bị kiểm tra chuyên dụng cũng sẽ được huy động ở mức cao nhất để tăng cường hiệu quả của công tác đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân”, ông Phạm Văn Toàn khẳng định.

Phong Lâm

Đẩy mạnh thanh tra chuyên đề, tăng cường quản lý an toàn bức xạ hạt nhân(VietQ.vn) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang đẩy mạnh việc tổ chức thanh tra chuyên đề diện rộng về an toàn bức xạ hạt nhân năm 2017 trên phạm vi toàn quốc.
Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang