Thanh tra Bộ KH&CN vạch mặt chiêu trò vi phạm sở hữu trí tuệ

author 06:46 24/12/2019

(VietQ.vn) - Theo Thanh tra Bộ KH&CN, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua diễn biến phức tạp, các đối tượng thực hiện nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi nhằm qua mắt cơ quan chức năng.

Vi phạm sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp, nhiều thủ đoạn tinh vi

Theo đánh giá của Thanh tra Bộ KH&CN, hiện nay, sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại các diễn đàn kinh tế quốc tế cũng như trong các hiệp định thương mại tự do trên thế giới. Trong đó phải kể đến hai hiệp định thương mại tự do rất quan trọng gần đây mà Việt Nam tham gia ký kết là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA thì vấn đề liên quan đến SHTT là một trong những nội dung được quan tâm và mang ra thảo luận.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến vấn đề này kể từ khi Bộ Luật Dân sự được ban hành năm 1995 trong đó SHTT đã là một chương trong Bộ luật Dân sự. Với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội, đặc biệt kể từ khi Đảng và Nhà nước ta xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, năm 2005 Luật SHTT đã được tách ra thành một đạo luật riêng. Mới đây, ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030 cho thấy, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của lĩnh vực SHTT.

Phát triển hệ thống SHTT phải đồng bộ ở tất cả các khâu như sáng tạo, xác lập quyền, khai thác và bảo vệ quyền SHTT. Trong đó, việc khai thác và bảo vệ quyền SHTT đang là vấn đề ngày càng “nóng”, mang tính thời sự không chỉ ở Việt Nam mà là vấn đề của quốc tế.

Điển hình như tranh chấp thương thương mại Mỹ - Trung hiện nay đang làm nền kinh tế thế giới chao đảo, bất ổn định cũng có một phần nguyên nhân xuất phát từ tranh chấp về SHTT. Không những thế, những sự kiện gần đây ở Việt Nam trong gian lận thương mại thuộc lĩnh vực hàng hóa điện tử như vụ việc Asanzo cũng có dấu hiệu của vi phạm liên quan đến SHTT.

Cũng theo Thanh tra Bộ KH&CN, riêng đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN), trong nhiều năm qua, ngành Khoa học và Công nghệ đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng, đổi mới cơ chế, chính sách và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả việc thực thi pháp luật về SHCN.

Tuy nhiên, nhiệm vụ thực thi pháp luật về SHCN nói chung và hoạt động thực thi quyền SHCN nói riêng đang tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức đối với lực lượng thực thi quyền SHTT.

Lực lượng thanh tra ngành khoa học và công nghệ kiểm tra sản phẩm, hàng hóa trên thị trường. Ảnh minh họa 

Thực tế hiện nay cho thấy, các hành vi sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền SHCN tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Các mặt hàng giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT ngày càng đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức. Trong khi nhận thức của người tiêu dùng chưa thật sự đầy đủ, việc phân biệt hàng thật – hàng giả đang trở nên khó khăn đối với người tiêu dùng.

Các lực lượng chức năng chưa đủ mạnh ngang tầm nhiệm vụ được giao trong công tác đấu tranh bảo vệ quyền SHTT. Hơn nữa, phương thức sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm về SHCN ngày càng trở nên tinh vi, có tổ chức liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia và đa dạng, phong phú về hình thưc, chủng loại nên rất khó phát hiện, xử lý.

Trong những năm qua, công tác thanh tra, xử lý về SHTT tại Thanh tra Bộ KH&CN cho thấy, các hành vi vi phạm tập trung chủ yếu là: hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền SHCN trên hàng hóa, biển hiệu, phương tiện kinh doanh, gần đây đang xuất hiện ngày càng nhiều hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong tên doanh nghiệp, tên thương mại; hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên mẫu nhãn, kiểu dáng bao bì sản phẩm và hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đăng ký sử dụng tên miền trên internet.

Về phương thức vi phạm, trong những năm gần đây, các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ tiếp thị, phân phối theo phương thức truyền thống sang hình thức thương mại điện tử (thông qua các trang bán hàng trực tuyến, website bán hàng và đặc biệt là các trang mạng xã hội Facebook, Zalo). Vi phạm trên internet là “không có biên giới, không có rào cản địa lý”.

Do đó, việc phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm trở nên hết sức khó khăn, đòi hỏi đội ngũ công chức, thanh tra viên làm công tác, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm phải không ngừng tăng cường về số lượng, nâng cao về nghiệp vụ, trình độ chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm cũng như đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc đồng bộ, thống nhất của liên ngành từ Trung ương đến địa phương.

Thực tế trong những năm gần đây cho thấy, Thanh tra Bộ KH&CN chịu sức ép rất lớn về các việc xâm phạm quyền SHTT mà các cơ quan chức năng, thậm chí các lực lượng chức năng (Quản lý thị trường, Công an,…) ở Trung ương và địa phương hầu như chưa có khả năng nắm bắt và xử lý các vi phạm về SHTT như: xâm phạm về sáng chế, tên miền, tên doanh nghiệp và trên môi trường mạng (Internet).

Năm 2018, Thanh tra Bộ đã thanh tra, xử lý đối với 40 đối tượng vi phạm về SHCN, tổng số tiền phạt là 366,2 triệu đồng. Tính đến 09 tháng đầu năm 2019, số lượng đơn Thanh tra Bộ KH&CN đã tiếp nhận khoảng hơn 90 đơn trong khi đó đã giải quyết được 72 đơn đề nghị xử lý vi phạm về SHCN. Trong đó đã tiến hành 46 cuộc thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính 20 đối tượng vi phạm với tổng số tiền phạt 730,4 triệu đồng.

Những giải pháp cấp thiết

Theo Thanh tra Bộ KH&CN, với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về SHTT tại Việt Nam, Bộ KH&CN nói chung và Thanh tra Bộ nói riêng dành sự quan tâm đặc biệt cho việc nghiên cứu, phân tích để kiến nghị Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan khác sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật và các giải pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam.

Thanh tra Bộ cũng là một trong những cơ quan tham gia mưu giúp Bộ trưởng trình Chính phủ thông qua Chiến lược SHTT đến năm 2030. Tháng 3/2019, Thanh tra Bộ là cơ quan đầu mối, chủ trì đã trình Bộ trưởng Bộ KH&CN ký kết Chương trình phối hợp phòng chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn III (2019-2023) và hiện đang tiếp tục triển khai việc ký kết tại 8 Bộ, ngành thành viên. Sau khi ký kết sẽ thống nhất hướng dẫn, triển khai tại các Sở, ngành tại địa phương. Ngoài ra, Thanh tra Bộ KH&CN cũng có đóng góp tích cực vào một số định hướng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền SHTT trong Chiến lược SHTT đến năm 2030.

Trong thời gian tới, theo khẳng định từ Thanh tra Bộ KH&CN, cơ quan này sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả và sự phù hợp của các biện pháp bảo vệ quyền SHTT theo hướng bảo đảm tính chất dân sự của quyền SHTT, dần dần tiến tới xóa bỏ tình trạng hành chính hóa các quan hệ dân sự về SHTT;

Nghiên cứu việc thành lập tòa án chuyên trách về SHTT; xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên xét xử các vụ việc về SHTT; Khuyến khích giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ bằng hình thức trọng tài; đẩy mạnh và tăng cường hoạt động hòa giải các tranh chấp về sở hữu trí tuệ;

Mở rộng xã hội hóa đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp về SHTT; rà soát, bổ sung và củng cố đội ngũ giám định viên tư pháp về SHTT; khuyến khích việc tham gia cung ứng, đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ giám định chuyên môn theo yêu cầu cũng như dịch vụ tư vấn pháp luật phục vụ hoạt động bảo vệ quyền SHTT.

Từ thực tế công tác và định hướng chiến lược, Thanh tra Bộ KH&CN cũng nhận định, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan và giữa Trung ương với địa phương là một trong những chìa khóa quan trọng trong thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, giúp phát huy sức mạnh, nguồn lực của tập thể toàn lực lượng.

Vì vậy, địa phương cần phải quan tâm bố trí nguồn lực (kinh phí, nhân lực), thời gian cho nhiệm vụ thực thi quyền SHCN, cử cán bộ tham gia các khóa, lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực. Về phần Trung ương cũng cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, đặc biệt cầm tay, chỉ việc trong các vụ việc cụ thể; thông tin liên lạc giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương cần thường xuyên và thông suốt hơn. 

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang