Ngộ độc vì thảo dược có chứa kim loại nặng

author 06:46 28/11/2014

(VietQ.vn) - Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra, có tới 41% các loại thảo dược Ayurveda của Ấn Độ có chứa nguyên tố asen và 64% các thảo dược khác có chì và thủy ngân.

Theo nguồn tin từ Tân Hoa xã, mấy năm gần đây, Trung Quốc đang rộ lên trào lưu mát xa và trị bệnh bằng cách sử dụng các loại thảo dược "Ayurveda" của Ấn Độ. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thảo dược, thực phẩm chức năng nhập ngoại được quảng cáo có tác dụng rất tốt trong việc điều trị các chứng bệnh như ung thư, động kinh, tâm thần phân liệt,...thu hút nhiều người dân mua và sử dụng. Tuy nhiên một nghiên cứu gần đây cho thấy, trong các loại thảo dược "Ayurveda" này có chứa nhiều kim loại nặng, nếu sử dụng lâu dài có thể gây ngộ độc. 

Các loại thảo dược

Thảo dược "Ayurveda" của Ấn Độ có chứa nhiều kim loại nặng dễ gây ngộ độc. Ảnh minh họa

Theo ngành Y học "Ayurveda" của Ấn Độ, nguyên nhân gây ra các chứng bệnh là do mất cân bằng trong cơ thể người. Cách điều trị tốt nhất là sử dụng các loại thảo dược từ thiên nhiên.

Thảo dược "Ayurveda" được quảng cáo có thể trị nhiều chứng bệnh như sốt, ho, viêm phổi, trị các khối u, sỏi, hay còn có thể trị cả tiểu đường, cao huyết áp, đục thủy tinh thể,... Và vì là sản phẩm nhập ngoại, nên người dân khá tin tưởng vào chất lượng thuốc, đổ xô đi mát xa trị liệu và mua thuốc về dùng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Y học trên thế giới đã chỉ ra rằng, tác dụng trị bênh của các loại thảo dược này là không có căn cứ khoa học.

Trao đổi với phóng viên, Chủ nhiệm khoa thần kinh bệnh viện chữ thập đỏ thành phố Quảng Châu Trung Quốc giáo sư Từ Vũ Hoa cho biết, khi sử dụng thảo dược "Ayurveda", những gì mà người dân cảm thấy có hiệu quả thực chất chỉ là một số tác dụng tốt mà phương pháp mát xa đem lại, còn tác dụng trị bệnh của các loại thảo dược này vẫn chưa được bất kì nghiên cứu khoa học nào kiểm chứng. Bên cạnh đó, cũng có thể do một số nhân tố tác động vào tâm lý như văn hóa, lịch sử, trình độ Y học phát triển của Ấn Độ mà người bệnh mới tin tưởng tuyệt đối vào phương pháp trị bệnh này. Giáo sư cho biết, nguy hiểm nhất là người dân không hề biết trong các loại thảo dược nhập ngoại này có chứa nhiều nguyên tố kim loại nặng, khá độc hại đối với cơ thể người, nếu dùng nhiều có thể gây ảnh hưởng xấu đến gan và thận.

Nhiều kim loại nặng trong thảo dược

Nhiều kim loại nặng trong thảo dược "Ayurveda" dễ gây ngộ độc cho người dùng. Ảnh minh họa

Theo kết quả nghiên cứu của Mỹ, nước này đã phát hiện 20% các loại thảo dược "Ayurveda" đang được sử dụng có chứa các nguyên tố độc hại như chì, thủy ngân, asen,...Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh tật của Mỹ thông báo đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc do lượng chì trong thuốc Ayurveda quá cao, trong đó có cả phụ nữ đang trong thời kì mang thai.

Tương tự, nhiều nước khác cũng đưa ra cảnh báo về các loại thảo dược này. Nghiên cứu đã cho thấy, 41% các loại thảo dược Ayurveda có chứa nguyên tố asen và 64% các thảo dược khác có chì và thủy ngân. Ngoài ra, một số loại thuốc của Ấn Độ cũng có hàm lượng chì vượt quá mức cho phép, có thể kể đến như thuốc "Ghasard" chống táo bón, thuốc "Mahayogaraj gugullu" điều trị cao huyết áp,...

Theo phóng viên của báo,  hiện nay ở Trung Quốc đang mọc lên khá nhiều các trung tâm dưỡng sinh sử dụng liệu pháp mát xa bằng tinh dầu "Ayurveda", được quảng cáo là giúp thư giãn gân cốt, thoải mái tinh thần, bài trừ độc tố trong cơ thể. Được biết, liệu pháp mát xa này sử dụng tinh dầu của các loại thực vật có trong tự nhiên như tinh dầu vừng, dừa hay hạt tiêu.

Giáo sư Từ Vũ Hoa cho biết, những thành phần có trong tinh dầu nên được kiểm tra kĩ lưỡng để xác định tác dụng của chúng. Đối với những sản phẩm không rõ thành phần thì người dân không nên tùy ý sử dụng. Theo giáo sư, tinh dầu trong quá trình sản xuất, chế biến hay bảo quản có thể bị ảnh hưởng bởi các chất phụ gia được trộn thêm vào, dễ bị biến chất. Nếu sử dụng trong thời gian dài, tinh dầu có thể ngấm qua da vào cơ thể, gây ra nhiều vấn đề về dị ứng. Ngoài ra, đối với những người da dầu, việc sử dụng tinh dầu sẽ dễ gây mắc các bệnh về da.

Minh Vũ



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang