Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi

author 06:33 22/04/2020

(VietQ.vn) - Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, kết nối mua nguyên liệu từ các quốc gia Đông Âu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức vận chuyển nguyên liệu, có cơ chế chính sách hỗ trợ về lãi suất, mở rộng hạ tầng kho chứa...

Đây là những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Thành phố chiều 21/4/2020.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi đối mặt nhiều khó khăn

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Dịch bệnh Covid-19 đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, tiêu thụ các sản phẩm từ chăn nuôi, nhiều thời điểm giá cả biến động lớn. Cùng với đó, diễn biến dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn còn phức tạp….

Theo các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, dịch bệnh Covid-19 diễn ra dẫn đến khan hiếm nguồn nguyên liệu nhập bởi các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu nhập khẩu 70-80% nguyên liệu từ Nam Mỹ, Mỹ và châu Âu. Đặc biệt nếu dịch bệnh kéo dài, giá cả leo thang, trong nước không có nguồn nguyên liệu thay thế dẫn đến việc sản xuất đình trệ, giá thành sản phẩm cao. Khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông tiêu thụ trong nước trong thời gian dịch bệnh,…

Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi Trung Ương. Ảnh minh họa: internet

Đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam miền Bắc cho biết, là đơn vị sản xuất kinh doanh nông nghiệp, sản xuất chăn nuôi khép kín, với công suất sản xuất 60 ngàn tấn/tháng, 720 ngàn tấn/năm. Nhưng từ năm 2017,  giá lợn giảm, người chăn nuôi giảm đàn thì công suất sản xuất của đơn vị giảm xuống còn hơn 600 nghìn tấn/năm.

Đại diện Công ty Tân Phương Đông (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết, trước đây, sản xuất của công ty đạt 75.000 tấn/năm, đạt 70-80% công suất nhưng từ khi dịch bệnh xảy ra đã ảnh hưởng đến năng suất của nhà máy. Hiện nay nhà máy chỉ đạt 40-50% công suất.

Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp chăn nuôi đã bảo đảm phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế (sát khử khuẩn, đeo khẩu trang, làm việc cách 2m, đổi ca làm,…). Tuy nhiên, các công ty mong muốn Sở Y tế Hà Nội có những hướng dẫn cụ thể: nếu công ty có người bị F0, F1,… thì xử lý như thế nào để doanh nghiệp chủ động ứng phó, không gián đoạn việc sản xuất.

Thực tế, lượng dự trữ nguyên liệu sản xuất cơ bản để sản xuất chế biến không còn nhiều, do đó, các doanh nghiệp kiến nghị Thành phố tháo gỡ khó khăn trong việc sớm giảm lãi suất cho nhóm doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Nhiều giải pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn

Chia sẻ với những khó khăn của các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi đang phải đối diện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố luôn đồng hành với các DN, nhất là sau những tác động lớn của dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, một trong những dư địa lớn nhất của Việt Nam cũng như của Hà Nội hiện nay là phát triển nông nghiệp. Trong nông nghiệp, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng rất cao. Tại Hà Nội, tỷ trọng chăn nuôi chiếm đến 46% trong phát triển nông nghiệp toàn thành phố.

Liên quan đến điều kiện sản xuất, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khuyến cáo các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện nghiêm bảo hộ lao động, chủ động trong phòng chống nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại các nhà máy, xí nghiệp sản xuất... ; đồng thời giao Sở Y tế Hà Nội sớm làm việc với các DN nhằm hướng dẫn tổ chức cách ly phòng dịch Covid-19.

Để hỗ trợ các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, sẽ tạo điều kiện để các DN tổ chức vận chuyển nguyên liệu từ cảng đến nhà máy, từ nhà máy sản xuất đến các đại lý. Cụ thể, sẽ xem xét để cho phép vận chuyển 24/24h nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Thành phố khuyến khích các đơn vị xây dựng các nhà máy chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo chất lượng cung cấp cho người dân. Cùng với đó, Thành phố sẽ nghiên cứu và đề xuất HĐND thành phố có những cơ chế chính sách hỗ trợ về lãi suất, nguồn lực để các doanh nghiệp phát triển và mở rộng các nhà máy sản xuất, chế biến trên địa bàn thành phố, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo lý khép kín của chuỗi sản xuất đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm mình.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các sở ngành tham mưu, sớm soạn thảo văn bản kiến nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu (ngô, đậu tương) để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét; đồng thời, đẩy mạnh làm việc với các bộ ngành có liên quan trong việc kết nối thu mua nguyên liệu từ các quốc gia Đông Âu (Nga, Ukraine...), nhằm mở rộng thị trường nguyên liệu.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang