Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn

author 07:01 24/11/2020

(VietQ.vn) - Hiện cả nước có trên 817.000 cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn, với tổng doanh thu đạt 236.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, để ngành nghề nông thôn phát huy hết tiềm năng, cần rà soát, tháo gỡ mọi khó khăn rào cản, tạo điều kiện cho ngành nghề, làng nghề nông thôn phát triển.

Thêm động lực cho ngành nghề nông thôn phát triển

“Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn nhằm khơi dậy tiềm năng cho ngành ngành nghề nông thôn phát triển. Sau 2 năm triển khai, cùng với đà phát triển của đất nước, của chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP, nhiều ngành nghề nông thôn phát triển, đời sống của người dân nông thôn đã được nâng cao rõ rệt”. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (Nghị định 52) ngày 23/11/2020 tại Hà Nội.

Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn  

Theo Nghị định số 52, ngành nghề nông thôn bao gồm 7 nhóm ngành nghề là: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; Sản xuất muối; Dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. 

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh đánh giá, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 52 về phát triển ngành nghề nông thôn, các làng nghề, ngành nghề truyền thống của nhiều địa phương có thêm động lực để phát triển.

Theo thống kê, đến năm 2020, tổng số các cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn là trên 817.000 cơ sở, tăng 119.000 cơ sở so với năm 2017 thời điểm trước khi có Nghị định số 52.

Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn hiện đạt 236.200 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ đồng (tăng 20,5%) so với năm 2017.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, tăng 0,6 tỷ USD so với năm 2017. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gốm sứ vẫn đạt 309 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu…

Tháo gỡ khó khăn, khơi dậy tiềm năng phát triển

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng thực tế, sự phát triển của khu vực ngành nghề nông thôn, làng nghề vẫn còn khiêm tốn, chưa khai thác hết lợi thế, tiềm năng của khu vực này. Sự phân bổ của khu vực ngành nghề nông thôn, làng nghề không đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương; hình thức tổ chức sản xuất trong các làng nghề chủ yếu vẫn là sản xuất tại các hộ gia đình quy mô nhỏ; cơ sở hạ tầng làng nghề còn yếu.

Thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu và sản xuất gây ô nhiễm môi trường; thiếu đội ngũ lao động có tay nghề giỏi, kỹ năng nghề cao; thiếu ý tưởng thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm mới,...

Để phát huy tiềm năng của khu vực này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cần rà soát, đổi mới cơ chế chính sách, khắc phục những hạn chế, yếu kém và đẩy mạnh triển khai áp dụng cơ chế, chính sách vào thực tiễn; tháo gỡ các khó khăn để tạo điều kiện cho các ngành nghề nông thôn phát triển.

Thứ trưởng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, thuế thuê đất và tín dụng ưu đãi hỗ trợ phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh đặc thù của các ngành nghề thủ công mỹ nghệ.

Đồng thời ban hành Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến 2030, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực ngành nghề nói riêng và nền kinh tế dịch vụ ở nông thôn nói chung.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Việt Nam là nước có hệ sinh thái đa dạng, lại có nhiều làng nghề truyền thống, do đó, cần phải khơi dậy tiềm năng lớn này để phát triển ngành nghề nông thôn, từ đó, nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương quyết sách nhắm thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn, và Nghị định 52 là một trong số đó. Sau 2 năm triển khai Nghị định 52, theo Bộ trưởng, nhiều ngành nghề nông thôn được phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cả về cơ chế, cả thực hiện, chỉ đạo... Bộ trưởng đề nghị, cả Chính phủ, địa phương, các Bộ ngành, doanh nghiệp và người dân chung tay để phát triển ngành nghề nông thôn, để nâng cao đời sống người dân khu vực nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa làng nghề truyền thống của dân tộc.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang