Tháo "nút thắt" cho khoa học công nghệ

author 05:43 27/09/2012

(VietQ.vn) - Trong khuôn khổ phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình về cơ chế tài chính và huy động các nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN).

Nhà khoa học khổ sở đợi tiền!

Theo Báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân tại phiên họp, mức chi 2% ngân sách (tương đương 0,5 – 0,6% GDP) cho KHCN của Việt Nam là thuộc loại cao so với các quốc gia đang phát triển, thậm chí phát triển. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư từ xã hội cho hoạt động này còn rất ít, nên số tiền thực sự được chi cho hoạt động KHCN còn rất khiêm tốn.

“Năm 2011, chi cho KHCN đạt khoảng 10 USD/người, thấp hơn các nước láng giềng 5 - 10 lần, so với Hàn Quốc thì thấp hơn hàng trăm lần. Quốc hội đã cho phép doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KHCN, nhưng đa số doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ không làm, vì đây không phải là yêu cầu bắt buộc”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Do đó, theo người đứng đầu ngành KH&CN, một trong những giải pháp quan trọng để tạo nguồn vốn đầu tư cho KHCN là sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN theo hướng quy định các DN nhà nước phải trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế để đầu tư cho KHCN thông qua Quỹ phát triển KHCN của DN hoặc của địa phương nơi DN đăng ký hoạt động.

Đồng thời, khuyến khích các DN ngoài nhà nước đầu tư cho KHCN. Hoặc tất cả các DN phải trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế để đầu tư cho KHCN thông qua Quỹ phát triển KHCN của DN hoặc của địa phương nơi DN đăng ký hoạt động. Đối với cả hai phương án trên, đề nghị giao Chính phủ quy định tỷ lệ trích tối thiểu trên cơ sở phân loại DN (không khống chế tối đa).

Bộ trưởng Nguyễn Quân giải trình trước Quốc hội
Bộ trưởng Nguyễn Quân giải trình trước Quốc hội

Phản hồi quan điểm trên từ kinh nghiệm lãnh đạo một DN lớn tại Hà Nội, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Quốc Bình - Hà Nội phát biểu, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, DN chắc chắn phải ưu tiên cho mục tiêu “sống được, lo được cho người lao động”. Phải có những quy định chặt chẽ và phù hợp mới có thể khiến các DN chịu đầu tư cho KHCN. “Theo Bộ trưởng, đó là quy định nào?”, ông Bình đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Quân công nhận, cơ chế tài chính hiện nay làm cho các DN cảm thấy thiệt thòi hoặc chưa nhìn rõ lợi ích khi bỏ tiền đầu tư cho KHCN. Hơn nữa, 10% lợi nhuận trước thuế của một số DN quy mô nhỏ cũng không đáng kể, không đủ để nghiên cứu, sáng chế đến nơi đến chốn. Bộ trưởng cho rằng, mô hình Quỹ Phát triển KHCN có rất nhiều ưu điểm phù hợp với đặc thù của nghiên cứu khoa học. Có thể quy định DN được trích lợi nhuận trước thuế vào quỹ này. Cơ quan quản lý quỹ ở từng địa phương có thể lần lượt đầu tư cho dự án có tính ứng dụng cao của các DN…

Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Quân đề nghị thay đổi để khắc phục tính hành chính, kế hoạch hóa trong quản lý nghiên cứu khoa học.

Đáng lưu ý, Bộ trưởng cho biết: “Quy trình hóa về thời gian xác định nhiệm vụ KHCN gắn liền với việc xây dựng kế hoạch hàng năm bắt đầu vào khoảng tháng 3 và kết thúc vào 31/7 là không phù hợp với đặc thù và không đáp ứng được tiến độ của hoạt động KHCN. Và như vậy, kể từ khi nhà khoa học có ý tưởng nghiên cứu cho đến khi nhận được tiền thường mất từ 1 - 1,5 năm, có khi tới 2 năm. Nhiều trường hợp ý tưởng nghiên cứu lúc ấy đã lạc hậu, kinh phí cũng không đủ đáp ứng nữa”.

ĐB Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) thì nhận xét, xã hội hiện nay “đối xử chưa đúng mực với chất xám”, lương và thu nhập của các nhà khoa học chưa xứng đáng với công sức bỏ ra, không khuyến khích được họ sáng tạo, cống hiến…

Cùng mạch tư duy này, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) hỏi: “Bộ trưởng có cách gì để các nhà khoa học chân chính sống được bằng kết quả nghiên cứu của mình”?

Giải đáp các câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Quân công nhận, tới đây, cơ chế lương và phụ cấp cho các nhà khoa học cần được thay đổi. “Vấn đề là các quy định cụ thể vẫn chậm được ban hành. Như với cán bộ điện hạt nhân, sau khi có quyết định cho hưởng phụ cấp thu hút thì đến hàng năm sau họ vẫn chưa được hưởng vì chưa có hướng dẫn”. Bên cạnh đó, để các nhà khoa học sống được bằng kết quả nghiên cứu thì phải có chính sách giao quyền sở hữu phát minh và chia sẻ lợi ích từ phát minh đó cho tác giả.

“Nếu dự án Luật KH&CN được thông qua, Bộ sẽ gấp rút phối hợp các cơ quan chức năng để sớm có các hướng dẫn cần thiết giúp nhà khoa học được hưởng lợi xứng đáng và bền vũng từ thành quả nghiên cứu của mình”, Bộ trưởng Nguyễn Quân cam kết.      

Cơ chế bố trí vốn chưa phù hợp

Trước nhận định về sự bất hợp lý trong cơ cấu cấp phát kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết: “Bộ Tài chính luôn dành đủ 2% ngân sách đã định cho công tác này. Khi nào có dự án được phê duyệt là có thể ra Kho bạc rút tiền ngay. Nhưng cái khó ở đây là không thể cấp tiền theo ý tưởng mà phải có nội dung cụ thể được phê duyệt. Vậy muốn cấp tiền nhanh thì việc chuẩn bị phải chu đáo, khâu phê duyệt phải nhanh”, vị Thứ trưởng nhấn mạnh.

Phát biểu sau đó, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) phản biện: “Tôi không hề nói rằng nhà khoa học có thể chỉ mang ý tưởng đi “xin” tiền. Nhưng tôi biết có đề tài phê duyệt xong rồi, hàng năm sau cũng chưa có tiền để triển khai nghiên cứu, thủ tục tổ chức một hội thảo với kinh phí có vài triệu đồng cũng phải trải qua rất nhiều thủ tục”.  

ĐB Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban KHCN Môi trường thẳng thắn: “Đến bao giờ Bộ Tài chính mói nhận thấy trách nhiệm của mình phối hợp với Bộ KH&CN để khắc phục những bất cập trong các quy định hiện hành để gỡ nút thắt cho KHCN nước nhà phát triển”?

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng cho biết: “Bộ KH&CN không bao giờ đề nghị cấp kinh phí trên cơ sở ý tưởng! Nhưng cách làm hiện nay rất hành chính là mỗi năm chỉ trình một lần vào 31 tháng 7, cho dù chuẩn bị, phê duyệt, đấu thầu sớm cũng phải chờ đến lúc đó mới xem xét bố trí kinh phí và xong sớm thì tháng Giêng năm sau mới có thể lấy được tiền”.

Kinh nghiệm của các nước là phê duyệt dự án nghiên cứu xong lúc nào cấp tiền lúc đó. Theo Bộ trưởng, Nhà nước cần phải đặt niềm tin vào các nhà khoa học thì họ mới dốc lòng dốc sức làm việc, đừng buộc họ phải lao tâm khổ tứ vì các thủ tục hành chính, thậm chí nhiều khi phải biến báo vì những quy định đã lỗi thời.

Đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, cơ chế bố trí vốn hiện có nhiều điểm không phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng chính sách bố trí kinh phí thường xuyên của các tổ chức KH&CN theo nhiệm vụ. Về lương cho các nhà khoa học, Bộ Tài chính sẽ cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Nội vụ xem xét điều chỉnh thích hợp; theo đó, những nhà khoa học hàng đầu có thể có thu nhập cao gấp nhiều lần mức bình quân. Cùng với đó là cơ chế phân phối thu nhập từ kết quả nghiên cứu...

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh khẳng định: “Tinh thần của Bộ Tài chính là rất trân trọng các nhà khoa học, cố gắng tạo điều kiện để các nhà khoa học tập trung nghiên cứu và có thù lao xứng đáng”.

Theo bà Minh, trong điều kiện kinh tế của nước ta, việc dành 2% ngân sách cho lĩnh vực KHCN đã là một cố gắng; điều quan trọng nhất hiện nay là phải tìm cách khơi dậy được nguồn lực từ các tổ chức, DN và cá nhân cho công tác này.

Bình An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang