Tháo nút thắt năng suất lao động để tăng trưởng tốt hơn

author 11:56 15/11/2014

(VietQ.vn) - Việt Nam cần sớm học tập mô hình nâng cao năng suất, chất lượng của các nước phát triển, từ đó áp dụng vào thực tế, cải thiện diện mạo năng suất lao động (NSLĐ) đang đạt thấp hiện nay.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Tại tọa đàm “Năng suất lao động - Yếu tố tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế” vừa được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các vấn đề năng suất, chất lượng, nâng cao NSLĐ, tốc độ tăng trưởng... đã được các chuyên gia kinh tế, chuyên gia hàng đầu về năng suất, chất lượng, đào tạo nghề lần lượt bóc tách.

Đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, tuy NSLĐ nước ta giai đoạn 2007-2013 đã có bước cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Theo ILO, NSLĐ của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương; thấp hơn Singapore 15 lần; thấp hơn Nhật Bản 11 lần; thấp hơn Hàn Quốc 10 lần.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ)

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần sớm có ô hình tăng trưởng năng suất chất lượng mà các nước đã áp dụng thành công. Ảnh: N. N 

Đây là một trong những nguyên nhân đe dọa sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra như: Phát triển mạnh và toàn diện nguồn nhân lực; hoàn thiện cơ chế chính sách; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ...

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, NSLĐ là một trong các chỉ tiêu cơ bản khi đánh giá hoặc tính toán đến vấn đề năng suất, nó được đo bằng công thức kết quả đầu ra chia cho số lao động. Kết quả đầu ra có thể tính bằng hiện vật hoặc giá trị. Trong NSLĐ, người ta thường sử dụng 3 chỉ tiêu cơ bản, đó là năng suất tính theo số lượng sản phẩm chia cho số lao động. Năng suất tính theo giá trị đầu ra chia cho lao động và năng suất tính theo giá trị gia tăng, trừ đi các chi phí trung gian.  

Trong đánh giá năng suất của doanh nghiệp và các bộ ngành, người ta thường dùng các chỉ tiêu trên, tuy nhiên khi so sánh năng suất giữa các ngành, các nền kinh tế và giữa các quốc gia, người ta chỉ sử dụng chỉ tiêu năng suất tính theo giá trị gia tăng chia cho số lao động. Đây cũng là mục tiêu cải tiến năng suất mà các quốc gia, trong đó có Việt Nam đang tập trung vào.

Chỉ số về NSLĐ được dư luận quan tâm thời gian qua, đó chính là năng suất được chi bằng giá trị gia tăng (GDP) chia cho số lao động. Khi so sánh giữa các nước, cần phải dùng GDP so sánh. So sánh giữa các quốc gia với nhau người ta phải sử dụng sức mua tương đương. Với cách tính năng suất như vậy, nếu như ngành nào, nền kinh tế nào có nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng thấp tức là NSLĐ thấp.

Trong bối cảnh của nền kinh tế nước ta như hiện nay, yếu tố nào tác động làm giảm NSLĐ thưa ông?

Có rất nhiều yếu tố tác động đến NSLĐ của Việt Nam. Đầu tiên là khoa học và công nghệ (KH&CN), thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến và nâng cao giải pháp quản lý. Đó là các vấn đề mà Việt Nam cần tập trung trong thời gian tới đây.

Tuy nhiên, cũng cần phải tính tới cơ cấu kinh tế của nước ta. Nếu ngành nào sử dụng nhiều lao động mà giá trị gia tăng thấp dẫn đến năng suất lao động toàn xã hội thấp.

Đồng thời NSLĐ ở Việt Nam còn bị chi phối bởi trình độ và kỹ năng của người lao động, môi trường làm việc... Vấn đề về thị trường cũng tác động làm năng suất giảm. Có những ngành nghề, nguồn đầu ra không ổn định, "được mùa, mất giá". Sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ được, nhiều trường hợp thua lỗ. Chính điều này dẫn đến NSLĐ thấp khi chia cho những ngành nghề, lĩnh vực có năng suất, hiệu quả thấp khi nguồn nhân lực cao.

Đặc biệt hơn, còn vấn đề thủ tục hành chính. Nhiều thủ tục còn chưa tập trung vào giúp doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông, lao động Việt Nam đã thực sự làm chủ được công nghệ hay chưa?

Lao động Việt Nam khi vào việc rất giỏi, nhưng vấn đề ở chỗ, đầu tư công nghệ của doanh nghiệp chưa phù hợp. Hoặc sự khuyến khích của doanh nghiệp với người lao động chưa phù hợp để họ có thể phát huy được các thiết bị, công nghệ đã được đầu tư.

Cần phải tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, tài chính cho KH&CN, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN. Hướng các đề tài nghiên cứu vào giải quyết vướng mắc, các vấn đề của doanh nghiệp.

Thực tế làm việc tại các doanh nghiệp cho thấy, khi đi vào hoạt động, gặp rất nhiều các vướng mắc, nút thắt mà doanh nghiệp phải xử lý. Để xử lý các nút thắt đó đòi hỏi phải áp dụng các tiến bộ, sử dụng công nghệ mới, giải pháp mới. Khi triển khai các đề tài thường gặp các vướng mắc và doanh nghiệp khi có vướng mắc cũng chưa biết tìm đến các nhà khoa học. 

Một trong những hướng trong thời gian tới là cần phải gắn liền các hoạt động KH&CN vào giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp.

Hiện nay, Bộ KH&CN đang triển khai chương trình quốc gia Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, kết quả của chương trình này đến nay như thế nào thưa ông?

Năm 2010, để giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 712 triển khai chương trình quốc gia Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Chương trình này được triển khai trên cơ sở các dự án thành phần với Bộ KH&CN chủ trì một số các dự án và các dự án khác do các bộ ngành: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải. Chương trình quốc gia này cũng có dự án nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các tỉnh, thành phố. Nội dung chính của các dự nán này là thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng.

Về dự án của Bộ KH&CN, đến nay đã xây dựng được trên 200 doanh nghiệp là các mô hình điểm áp dụng các giải pháp quản lý tiên tiến, giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí, thời gian và lãng phí... Qua các giải pháp đó, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, cải tiến đạt 20% -25%. Ngoài ra, còn nhân rộng mô hình cho khoảng 500 doanh nghiệp khác.

Thưa ông, có kinh nghiệm gì từ các nước để áp dụng nâng cao NSLĐ ở nước ta?

Trong số các nước triển khai các chương trình nâng cao năng suất, Singapore, Nhật Bản là nước triển khai các chương trình, hoạt động nâng cao năng suất chất lượng rất thành công.

Nếu quay trở lại những năm 50, Nhật Bản trong bối cảnh hậu chiến tranh, các sản phẩm làm gia chất lượng không bằng hiện nay, giá rẻ nhưng không tiêu thụ được vì chất lượng kém. Nhưng người Nhật Bản đã chọn Mỹ là mô hình học hỏi, chia xẻ để nâng cao năng suất chất lượng. Người ta bắt đầu bằng việc đào tạo nguồn nhân lực. Từ kinh nghiệm của người Mỹ, nước Nhật đã có cuộc cách mạnh về năng suất.

Các chuyên gia Nhật Bản đã đúc kết và đưa ra được các mô hình cải tiến năng suất chất lượng như 5s, Kaizen... Người Nhật hiện nay có thể tự hào, các sản phẩm Made in Japan đã được người tiêu dùng thế giới tín nhiệm. Nước Nhật ngày nay đã trở thành nền kinh tế lớn thế giới.

Với Singapore, từ năm 1981, nước này đã quan tâm tới việc cần phải có các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Nước này đưa ra nhiều khẩu hiệu: tốt, tốt hơn, tốt nhất; dám mơ, dám làm, dám tạo ra sự các biệt. Đó là những cách giáo dục sâu sắc.  

Việt Nam chúng ta trong thời gian tới, để nâng cao năng suất, chất lượng chắc cũng phải chọn một nước nào đó để học hỏi. Từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp và thực hiện nó một cách hiệu quả.  

Các quốc gia họ cũng rất quan tâm đến nguyên tắc: nâng cao năng suất phải đi đôi với chia xẻ công bằng về thành quả nâng cao năng suất. Người lao động được tăng lương, các chế độ phúc lợi xã hội được cao hơn. Lúc đó mới có thể thu hút được người lao động.

Ở các quốc gia, các nước này cũng coi trọng việc đầu tư cho KH&CN, coi đó là một trong những nội dung để nâng cao NSLĐ.

Ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động thương binh và xã hội: Việc đãi ngộ, khuyến khích và tự do trong việc nghiên cứu khoa học cần phải thay đổi nhiều hơn. Cơ chế chính sách cần cởi mở hơn, tạo điều kiện cho khoa học công nghệ phát triển. 

"Chúng ta làm nhiều đề tài, nhưng các đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao có sự quan tâm chưa nhiều. Hoặc có những đề tài nghiên cứu xong không thấy đưa ra ứng dụng. Cần phải xem xét tính thực tiễn của đề tài và các đề tài cần phải ứng dụng nhiều hơn, có thể lượng hóa được bằng tiền. Ở các nước phát triển, việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật cho sự phát triển... được thực hiện rất tốt. Các trường đại học nước ngoài là nơi nghiên cứu các vấn đề khoa học rất hiệu quả. KH&CN là yếu tố chính để nâng cao năng suất lao động."


Nguyễn Nam
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang