Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói gì về 'thấy đoàn Việt Nam đến là sợ'?

author 08:43 03/02/2014

(VietQ.vn) - Những đoàn ra nước ngoài tìm hiểu, học tập sẽ phải có báo cáo để chia sẻ đã học được gì để hiệu quả chuyến đi đó.

Trong chương trình “mở hàng” Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời đầu xuân, tối mùng 3 Tết, câu chuyện cán bộ ùn ùn xuất ngoại dẫn đến hệ lụy nhiều nước nghe thấy có đoàn Việt Nam đến là sợ, cũng được gửi tới Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh….

Theo đó, một thính giả đã viết: Để góp phần phát triển đất nước, hàng nghìn đoàn đi nước ngoài để học tập kinh nghiệm, hợp tác đầu tư và mang lại nhiều lợi ích cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, không phải tất cả các đoạn đi nước ngoài đều hoạt động hiệu quả. “Qua đọc báo tôi thấy có nhiều nước cứ nghe thấy đoàn Việt Nam tới thăm là người ta sợ. Bộ Ngoại giao sẽ góp phần kiểm soát vấn đề này như thế nào để tránh tình trạng tiền ngân sách lại đầu tư cho một số chuyến đi không hiệu quả?”

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 184 nước/193 nước, việc thăm viếng giữa các nước với nhau là việc đương nhiên mà việc các nước đều làm. Hàng năm, chúng ta cũng đón rất nhiều đoàn các nước đến thăm Việt Nam. Chúng ta cũng cử nhiều đoàn từ lãnh đạo cấp cao đến các đoàn của các bộ, ngành, địa phương đi các nước cũng là để tăng cường quan hệ của Việt Nam với các nước. Việc đó cũng là để thúc đẩy không chỉ là mối quan hệ chính trị, tăng cường quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư, học tập. Vấn đề của chúng ta là các đoàn đi hiệu quả nhất với đồng tiền bỏ ra.

Như vậy, mục đích đặt ra rõ ràng và đặc biệt quá trình làm sao thu xếp để đạt được mục tiêu đó mới là quan trọng. “Thời gian qua, các đoàn đi nước ngoài về cơ bản đáp ứng được mục tiêu, trên tất cả các lĩnh vực. Nhưng ở đây, vấn đề chúng ta đặc biệt chú ý những đoàn chỉ đi tìm hiểu, học tập cần lưu ý vấn đề học tập là gì và phải có báo cáo để chia sẻ những gì học tập được để hiệu quả chuyến đi đó”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Bình Minh, Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quán, các cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài sẽ giúp cho các đoàn bố trí chương trình, đặt mục tiêu để nước tiếp nhận đoàn chúng ta đáp ứng được mục tiêu đề ra. Đó chính là biện pháp tốt nhất làm cho các đoàn đi nước ngoài đạt hiệu quả nhất.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ cuối năm 2013, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Hiện nay, chúng ta có quá nhiều đoàn của các bộ, ngành, địa phương liên tiếp đi công tác nước ngoài dẫn tới sự trùng lặp, lãng phí không cần thiết.Theo phân tích của ông, vấn đề nằm ở chỗ, các đoàn đi về cơ bản thúc đẩy tăng cường quan hệ có hiệu quả, nhưng có những đoàn đi lại không mang lại hiệu quả, bị trùng lặp nội dung tham quan, nghiên cứu.

"Số đoàn này chủ yếu là các đoàn đi với tư cách nghiên cứu. Nhiều nước bạn phản hồi, có nhiều vấn đề vừa trả lời đoàn này, một thời gian ngắn sau lại có đoàn khác sang hỏi câu tương tự. Điều này gây nên sự lãng phí tiền của đất nước" - Phó Thủ tướng cho hay.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết: "Tôi thấy đi nước ngoài nhiều quá, nghe báo cáo thấy có đoàn Việt Nam đến người ta sợ. Rồi tham quan, giao lưu, tiếp khách,… chi phí vẫn quá lớn. Tôi đề nghị các bộ, ngành địa phương hết sức chú ý".

"Bộ Ngoại giao cần rà soát lại, có chọn lọc kỹ càng và có đề xuất kiểm soát các đoàn đi nước ngoài", Thủ tướng chỉ đạo.

Chủ trương Biển Đông của ta được quốc tế ủng hộ

Trả lời về vấn đề bảo vệ chủ quyền, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: "Chúng ta đã xây dựng đường biên giới với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia, đảm bảo chủ quyền, đóng góp vào việc duy trì quan hệ hữu nghị và an ninh đất nước. Trên Biển Đông cũng vậy, ta đã có nhiều giải pháp để bảo vệ chủ quyền, Trên thực tế hiện nay dân ta vẫn làm ăn sinh sống, hoạt động kinh tế thường xuyên trên vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Chúng ta cũng kiên quyết bảo vệ chống lại những biện pháp vi phạm chủ quyền. Ông nhận định: Biển Đông là một vấn đề còn phức tạp, còn tranh chấp, đó là thực tế giữa Việt Nam và một số nước. Quan điểm của chúng ta là giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua thương lượng, bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước luật Biển 1982.

Chủ trương đó được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và trong các nước thành viên ASEAN, cùng phấn đầu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử  trên Biển Đông COC để đảm bảo duy trì hòa bình ổn định cho khu vực này…."

 

Hoàng Vũ




Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang