Thay đổi phương thức, dệt may kỳ vọng nâng cao giá trị sản xuất

author 07:00 06/08/2014

(VietQ.vn) - Dù chưa nhiều song đã có những DN dệt may Việt Nam bắt đầu tiệm cận với phương thức sản xuất OBM bằng việc xây dựng thương hiệu riêng

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Đứng trước những cơ hội và thách thức của quá trình hội nhập,  ngành dệt may nước ta đã và đang có những bước chuyển mình từ OEM (gia công) lên FOB (tự chủ nguyên phụ liệu) rồi ODM (tự thiết kế, sản xuất) và thậm chí là cả OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối), với kỳ vọng sản phẩm dệt may sẽ nâng cao giá trị sản xuất, tăng sức cạnh tranh, tạo thế đứng vững chắc trên thị trường.

Thay đổi chính mình

Dù chỉ với 1% trong tổng số khoảng 6.000 DN, song đã có những DN dệt may Việt Nam bắt đầu tiệm cận với phương thức sản xuất OBM bằng việc xây dựng thương hiệu riêng. Thương hiệu của họ đã phần nào được khẳng định tại thị trường nội địa, nhưng để tiếp cận thị trường quốc tế lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Chưa kể, khi TPP được ký kết, nhiều thương hiệu lớn sẽ theo chân các DN dệt may FDI tràn vào Việt Nam. Khi đó, với lợi thế về tiềm lực tài chính, trình độ quản lý, nhân lực giàu kinh nghiệm, đặc biệt là khả năng marketing chuyên nghiệp cùng hệ thống phân phối rộng lớn... sản phẩm của các DN FDI rất có thể sẽ cạnh tranh ở thế “bề trên” với các DN nội ngay trên sân nhà

Chuyển từ gia công sang OBM sẽ tạo bước tiến vượt bậc cho ngành dệt may Việt Nam

Chúng ta có thể điểm danh được một vài thương hiệu nổi tiếng trong thị trường dệt may nội địa đang làm OBM như Việt Tiến, May10, Sài Gòn 2, Đức Giang... Ngoài ra gần đây có một vài thương hiệu tư nhân mới nổi như Eva de eva, ELISE, Format, Nem…

Theo ông Hoàng Vệ Dũng Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Khi DN chuyển từ sản xuất theo CM (gia công) sang sản xuất theo FOB (bắt đầu cung ứng thêm nguyên liệu cho khách hàng), thì giá trị gia tăng của DN bắt đầu tăng lên.

Khi chuyển sang làm ODM, DN nhận lại phần design (phần ý tưởng thiết kế từ phía đối tác) trên cơ sở đó phát triển thành các mẫu của mình, đưa ra nguyên phụ liệu để phía đối tác duyệt, nhưng khi thành phẩm phải mang tên thương hiệu của đối tác vì họ là người đưa ra bản thiết kế nền tảng. Khi đó giá trị gia tăng của DN cao hơn vì nó bao gồm cả chi phí thiết kế và chi phí mua sắm nguyên phụ liệu, giá trị tăng lên gấp 2,3 lần, tùy theo từng loại hàng. Nếu là mặt hàng thời trang thì giá trị tăng lên gấp nhiều lần. Nếu làm hàng FOB thì giá trị gia tăng chỉ lên từ 7-10% nhưng nếu làm hàng thời trang thì giá trị tăng từ 30-40%. 

Những trở ngại

Theo các chuyên gia, hoạt động marketing và phân phối đang là khâu yếu của ngành dệt may Việt Nam. Điều này là do chúng ta chủ yếu thực hiện các đơn hàng gia công và FOB cấp I nên Việt Nam có ít sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình để tiếp cận với các nhà bán lẻ trên toàn cầu. Hay nói cách khác, còn một khoảng cách rất xa giữa DN với nhà bán lẻ cũng như người tiêu dùng cuối cùng.

Nguồn nhân lực chính là điểm yếu của dệt may Việt Nam hiện nay

Khi làm ODM, OBM, DN gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, maketting, vấn đề thiết kế, may mẫu, duyệt mẫu, cung ứng nguyên vật liệu đúng chuẩn...; trong sản xuất có vấn đề đảm bảo chất lượng và cuối cùng là đảm bảo thời hạn giao hàng. Trong đó, khó khăn nhất là nguồn nhân lực.

DN làm theo phương thức OBM sẽ được nhiều lợi nhuận, nhưng khi làm theo phương thức này DN phải tự lo hết tất cả các khâu với nhiều rủi ro như: mẫu chưa chuẩn, cung ứng không kịp, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa cũng như thời hạn giao hàng... Trong đó, rủi do nhất là chất lượng.

Từ đây, ông Hoàng Vệ Dũng khuyến nghị: Trên con đường tiến tới OBM, các DN dệt may Việt Nam phải giải được bài toán nguồn nhân lực. Để có được nguồn nhân lực giỏi, trước hết DN phải tự đào tạo, thứ hai là tuyển dụng qua các trường, thứ ba là mua nhân sự giỏi. Nếu tuyển người giỏi thì phải trả lương rất cao, và muốn vậy DN phải có chế độ ưu đãi tốt, có nguồn tài chính dồi dào và phương thức quản lý hữu hiệu. Ba yếu tố này là ba mắt xích quan trọng liên kết với nhau thành một chuỗi liên hoàn. Nhưng tựu chung lại, hình thức tự đào tạo vẫn đem lại hiệu quả cao nhất.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang