Thấy gì sau những phiên chất vấn?

author 16:49 23/11/2013

Kể cả khi diễn ra những câu hỏi chất vấn dữ dội, những câu trả lời rất đúng trọng tâm, những xung đột tận cùng để tạo ra các chính sách lóe sáng, thì đó mới chỉ là một phần của sự thỏa mãn.

Phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đã qua, đọng lại trong tâm trí của cử tri cả nước điều gì? Đó là câu hỏi mà mỗi đại biểu Quốc hội cũng nên tự chất vấn.

Ngoài một số vấn đề lớn quản lý vĩ mô được các thành viên Chính phủ giải đáp tương đối thuyết phục, thì không ít vấn đề “nóng” gần đây chưa được giải đáp thỏa đáng.

Vẫn còn không ít những con số và dòng chữ báo cáo tròn trĩnh cùng với những lời hứa đã trở thành điệp khúc.

Vẫn còn đó những câu trả lời không tập trung vào vấn đề trọng tâm mà đại biểu đặt ra, những lý luận thiếu tính thuyết phục vì xa rời thực tế.

Người dân ngày càng quan tâm đến đời sống chính trị của đất nước, đồng thời luôn chuẩn bị tâm thế để theo dõi các kỳ họp Quốc hội, đặc biệt là những phiên chất vấn. Người dân tin tưởng các đại biểu của mình sẽ đặt ra được những vấn đề xứng tầm, đúng với nguyện vọng, bức xúc của cộng đồng xã hội. Và tất nhiên, dân khát khao chờ đợi một lời giải đáp trung thực đi kèm với các biện pháp xử lý quyết liệt, giải pháp thực hiện hiệu quả.

Mỗi một ngày họp Quốc hội phải chi phí 1 tỉ đồng. Số tiền này không nhiều nếu như sáng kiến nảy sinh từ các bộ óc sáng suốt, tâm huyết kiến tạo thành các chính sách mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia, lợi ích cho nhân dân, hạnh phúc cho con người, tiến bộ cho đất nước. Ngược lại thì đó là một sự lãng phí không nhỏ.

Không chỉ đồng tiền bỏ ra để chi tiêu cho một kỳ họp Quốc hội, mà quan trọng hơn là còn có thời gian mà người dân bỏ ra để theo dõi từng “hơi thở” của từng ngày họp, buổi họp. Thời gian đó rất nhiều, không thể tính hết được, thời gian đó chuyên chở sức khỏe, tiền bạc và cả niềm tin của cử tri. Nếu chỉ nhận được những con số báo cáo lạnh lùng và sự né tránh các chất vấn “nghiêm khắc” thì quả là sự lãng phí lớn.

Kể cả khi diễn ra những câu hỏi chất vấn dữ dội, những câu trả lời rất đúng trọng tâm, những xung đột tận cùng để tạo ra các chính sách lóe sáng, thì đó mới chỉ là một phần của sự thỏa mãn. Cảm xúc khi đại biểu nói thay dân, phản biện thay dân cũng chỉ là tạm thời, niềm hạnh phúc thật không ở cảm xúc mà là nhân dân được thụ hưởng những sản phẩm chính sách mang lại tự do và ấm no sau những chất vấn không nhân nhượng ở nghị trường.

Sau mỗi lần chất vấn tại Quốc hội, mỗi cử tri, mỗi ĐBQH và mỗi thành viên Chính phủ cần tự vấn lại để nhân lên cái tốt, cái được, loại bỏ cái yếu kém, lãng phí. Đó là việc rất nên làm.

Theo Lao Động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang