Thấy gì từ kết quả tăng hạng chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam 2017?

author 14:25 17/07/2017

(VietQ.vn) - Theo công bố Báo cáo về Xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017, Việt Nam được xếp hạng 47/127 quốc gia và nền kinh tế, tăng 12 vị trí so với năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam từng đạt được từ trước tới nay.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Những bước nhảy ngoạn mục

Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP đặt mục tiêu: đến năm 2020, các chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) đạt trung bình trong khối Asean 5 ( gồm 5 nước: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philipines, Indonesia) và chỉ số ĐMST trung bình giai đoạn 2017 - 2020 xếp thứ 44.

So với mục tiêu, năm 2017, trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương (gồm 15 nước) Việt Nam vươn lên xếp thứ 9 (từ vị trí thứ 11); trong Asean, Việt Nam vươn lên và đứng trên Thái Lan. Năm 2017, Việt Nam xếp hạng 47/127 quốc gia, nền kinh tế, cải thiện 12 bậc so với xếp hạng năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam từng đạt được từ trước tới nay. Nếu tiếp tục duy trì những con số có mức tăng thứ hạng mạnh và cải thiện một số chỉ số còn thứ hạng thấp thì mục tiêu của cả giai đoạn 2017 – 2020 có thể sẽ được hoàn thành.

 Việt Nam vươn lên vị trí 47/127 quốc gia và nền kinh tế, vượt 12 bậc so với năm 2016  

Trong các chỉ số đầu vào ĐMST của Việt Nam, có thể thấy việc tăng thứ hạng đáng kể ở các chỉ số: thể chế (từ 93 lên 87), trong đó nhóm chỉ số “Môi trường chính trị” tăng 6 bậc, “Môi trường pháp lý” tăng 3 bậc, “Môi trường kinh doanh” tăng 3 bậc; Nguồn nhân lực và nghiên cứu (từ 47 lên 70), trong đó nhóm chỉ số “Giáo Dục” tăng 2 bậc, nhóm chỉ số “Nghiên cứu và phát triển” tăng 19 bậc; Cơ sở hạn tầng (từ 90 lên 77) trong đó nhóm chỉ số “Công Nghệ Thông Tin” tăng 7 bậc, nhóm chỉ số “Cơ sở hạn tầng chung” tăng 13 bậc, nhóm chỉ số “Bền vững sinh thái” tăng 2 bậc; Trình độ phát triển thị trường (từ 64 lên 34), trong đó nhóm chỉ số “Tín Dụng” tăng 31 bậc (xếp thứ 17 trong số 127 nước được xếp hạng), nhóm chỉ số “Đầu Tư” tăng 16 bậc, nhóm chỉ số “Thương mại cạnh tranh và quy mô thị trường” tăng 3 bậc.

Nhóm chỉ số đầu ra ĐMST tăng 4 bậc, chủ yếu ở sản phẩm, kiến thức và công nghệ. Trong đó chỉ số “Sáng tạo tri thức” tăng 7 bậc; nhóm chỉ số “tác động của tri thức” tăng 20 bậc, trong nhóm này, chỉ số “Tốc độ tăng năng suất lao động” (GDP/người lao động) của Việt Nam dẫn đầu trên toàn bộ 127 nước và vùng lãnh thổ (năm 2016 xếp hạng 10); nhóm chỉ số “Lan tỏa tri thức” tăng 1 bậc.

Bên cạnh việc tăng thứ hạng, một số chỉ số còn có sự sụt giảm so với 2016: Trụ cột 2 – Nguồn nhân lực và nghiên cứu có nhóm chỉ số “Giáo dục đại học” giảm 2 bậc (trong đó chỉ số về tỷ lệ tuyển sinh đại học giảm 6 bậc); Trụ cột 5 – Trình độ phát triển của kinh doanh giảm 1 bậc, trong đó nhóm chỉ số “Lao động có kiến thức” giảm 9 bậc (chỉ số “Doanh nghiệp có hoạt động đào tạo chính thức” giảm 38 bậc); nhóm chỉ số “Liên kết ĐMST” tăng 1 bậc, nhưng chỉ số về “Sô thương vụ liên doanh liên kết chiến lược” giảm 23 bậc.

Năm 2017, Việt Nam được đánh giá có thế mạnh trong một số nhóm chỉ số và chỉ số cụ thể như sau:
Trong trụ cột đầu ra kiến thức và công nghệ (xếp thứ 28, tăng 11 bậc so với năm 2016): Việt Nam có thế mạnh về nhóm chỉ số “Tác động của tri thức” xếp thứ 5 (tăng 20 bậc so với năm 2016), trong đó chỉ số tốc độ tăng trưởng năng suất lao động xếp thứ nhất; nhóm chỉ số “Lan tỏa tri thức” xếp thư s19, trong đó chỉ số xuất khẩu công nghệ cao xếp thứ 4.

Trong trụ cột trình độ phát triển của thị trường, Việt Nam mạnh ở nhóm chỉ số “tín dụng”, xếp thứ 17 với 2 chỉ số là “Tín dụng nội địa cho khu vực tư nhân” xếp thứ 22 và “Tổng tín dụng của các tổ chức tài chính vi môi” xếp thứ 12.

Trogn trụ cột trình độ phát triển của kinh doanh, Việt Nam có thế mạnh về nhóm chỉ số “Hấp thu tri thức” xếp thứ 23, trong đó 2 chỉ số thành phần mạnh là “Nhập khẩu công nghệ cao” xếp thứ 3 và chỉ số “Đầu tư trực tiếp nước ngoài” xếp thứ 26.

Trong trụ cột sản phẩm sáng tạo, với thứ hạng 52, Việt Nam có thế mạnh về 2 chỉ số là “Đăng ký nhãn hiệu tính theo nhóm sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam” xếp thứ 20 và chỉ số “Xuất khẩu sản phẩm sáng tạo” xếp thứ 7.

Ngoài các điểm mạnh, Việt Nam có một số điểm yếu như: Chỉ số “Môi trường kinh doanh” xếp thứ 113 và chỉ số “Mức độ thuận lợi trong nộp thuế” xếp thứ 115 (trụ cột Thể chế xếp thứ 87); chỉ số về “Các công ty nghiên cứu và phát triển toàn cầu” xếp thứ 43 (không có công ty nghiên cứu và phát triển toàn cầu nào) và chỉ số xếp hạng QS ở các trường đại học (không có trường đại học nào được xếp hạng) xếp thứ 75 (trụ cột Nguồn nhân lực và nghiên cứu xếp thứ 70); chỉ số tuyển dụng trong các dịch vụ thâm dụng tri thức xếp thứ 94 và chỉ số nhập khẩu dịch vụ ICT xếp thứ 123 (trụ coojg Trình độ phát triển của kinh doanh xếp thứ 73); chỉ số đơn đăng ký quốc tế sáng chế theo hệ thống PCT xếp thứ 100 và chỉ số xuất khẩu dịch vụ ICT xếp thứ 122 (trụ cột Đầu ra kiến thức và công nghệ).

Kết quả của “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ”

Việc Việt Nam xếp hạng 47/127 quốc gia, nền kinh tế về chỉ số ĐMST là kết quả chung của cả một quá trình phát triển trong những năm qua, trong đó có cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực ĐMST của Việt Nam.

Mặc dù chỉ số đầu vào ĐMST của Việt Nam xếp hạng cao hơn đầu ra, nhưng năm 2017, chỉ số đầu vào đã có sự tăng bậc đáng kể so với năm 2016. Điều này càng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cam kết xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ.

Để tiếp tục cải thiện các chỉ số ĐMST đầu vào, trước hết cần huy động được các nguồn lực của toàn xã hội đầu tư cho KH&CN, đặt biệt là đầu tư của doanh nghiệp cho KH&CN. Đây là một yếu tố đầu vào quan trọng, tác động đến nhiều yếu tố đầu vào và đầu ra khác. Cần tăng cường vài trò của Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Doanh nghiệp sẽ không có động lực đầu tư cho đổi mới công nghệ khi không có áp lực của thị trường hoặc khi họ còn có thể tồn tại trên thị trường mà không cần thực hiện đổi mới công nghệ.

Ngoài áp lực thị trường, nhận thức của doanh nghiệp về đổi mới công nghệ cũng như năng lực tiếp thu và làm chủ công nghệ mới của doanh nghiệp cũng là các yếu tố quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, góp phần cải thiện tiểu chỉ ĐMST đầu vào. Bên cạnh đó, cũng cần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, trong đó vốn đầu tư mạo hiểm là một trong những yếu tố quan trọng của chỉ số đầu vào trong GII.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng ngoạn mục năm 2017(VietQ.vn) - Việc cải thiện đáng kể thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017 là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của các bộ ngành, đứng đầu là Bộ KH&CN.

Thanh Uyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang