Thấy gì từ việc đưa lãi suất USD về 0%?

author 08:27 29/09/2015

Vào lúc 21 giờ ngày 27/9/2015, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ công bố quyết định hạ tiếp lãi suất huy động USD về 0% với tổ chức và 0,25% với cá nhân. Thông tin lập tức thu hút sự chú ý của người dân và doanh nghiệp. Động thái này cho thấy điều gì?

Lãi suất USD chỉ còn 0.25%/ năm đối với cá nhân gửi tiền.

Quyết định mang tính lịch sử

Cuối tháng 10/2014, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định hạ lãi suất huy động USD về tối đa 0,25% đối với tổ chức và 0,75% với các cá nhân. Bước giảm lãi suất khi đó là 0,25% thể hiện rõ sự thận trọng khi đưa ra quyết định. Việc hạ lãi suất huy động USD năm 2014 diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND được giữ ổn định đúng với cam kết của NHNN.

Nhưng sang năm 2015 câu chuyện tỷ giá đã khác khi VND giảm giá khoảng 5% với nhiều lần điều chỉnh tỷ giá và nâng biên độ giao dịch. Việc NHNN hạ tiếp lãi suất huy động USD về 0% với tổ chức và 0,25% với cá nhân công bố đêm 27/9 cách đây 1 ngày diễn ra không lâu sau khi cơ quan này phát thông điệp sẽ không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015 dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có tăng lãi suất.

Nhìn về mặt lý thuyết, có thể coi việc đưa lãi suất USD về 0-0,25% là một quyết định “một mũi tên trúng nhiều đích”: Với người dân, việc gửi USD với lãi suất 0,25%/năm trở nên kém hấp dẫn so với việc gửi tiết kiệm bằng VND vốn đang ở mức trên 6%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng. Quyết định trên cũng làm cho người dân có nhu cầu mua USD để tích trữ phải cân đong vì giữ USD với lãi suất 0,25% gần như không sinh lời là bao nếu tỷ giá không biến động.

Còn với các tổ chức, doanh nghiệp, việc lãi suất huy động USD bằng 0% có nghĩa sẽ làm giảm nhu cầu găm giữ USD vì thông thường không tổ chức nào muốn giữ một tài sản mà không sinh lời, trừ khi phải giữ lại để trả tiền cho hàng nhập khẩu và kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng.  Bên cạnh đó, việc VND “tự nhiên” hấp dẫn hơn cũng làm cho áp lực tăng lãi suất VND giảm đi trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô đang ủng hộ hơn cho việc tăng lãi suất và có thể nhà điều hành không muốn lãi suất tăng và cố kìm hãm quá trình này.

Vì thế, việc đưa lãi suất USD về 0-0,25%/năm vừa có tính thời điểm, lại vừa có thể coi là một quyết định mang tính lịch sử của NHNN trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, cho dù việc hạ lãi suất này là một quá trình kéo dài nhiều năm trong nỗ lực chống đô la hóa trong nền kinh tế. Nó mang tính lịch sử không chỉ bởi lãi suất thấp nhất từ trước tới nay, mà còn bởi nó sánh ngang với mức lãi suất của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

USD có còn hấp dẫn?

Câu chuyện nếu theo đúng lộ trình như vậy thì mọi chuyện sẽ rất thuận lợi. Nhưng thực tế có thể không đơn giản đi theo hướng như vậy. Nhìn một cách tổng thể, việc NHNN đưa ra quyết định như vậy nằm trong bài toán tổng thể cố gắng giữ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm như đã cam kết với thị trường. Cụ thể hơn, để điều hành tỷ giá, ngoài việc hạ lãi suất huy động, NHNN còn công cụ nữa để giữ ổn định tỷ giá, bao gồm hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc với USD, hay cung USD để giữ ổn định tỷ giá. Nhưng dù là dùng biện pháp nào thì nhà điều hành đang “cạn” dần công cụ giữ ổn định tỷ giá.

Câu hỏi đặt ra là, khi USD không còn hấp dẫn, vậy ai sẽ gửi USD vào ngân hàng, và ngân hàng sẽ lấy nguồn USD từ đâu để cho doanh nghiệp vay mua hàng nhập khẩu? Trong khi lãi suất huy động USD ngày một kém hấp dẫn, thậm chí với lãi suất huy động 0% thì coi như doanh nghiệp phải mang USD “gửi nhờ” ngân hàng, thì lãi suất cho vay USD lại ở mức cao. Xét trên quan hệ cung cầu, đó là một điều bất thường.

Trên lý thuyết, nghiệp vụ cho vay USD đang cho ngân hàng một khoản siêu lợi nhuận trên bình diện đầu vào - đầu ra. Còn thực tế, việc VND giảm giá mạnh so với USD cho thấy độ rủi ro tỷ giá buộc ngân hàng phải để một khoảng cách lãi suất đủ lớn để phòng ngừa rủi ro. Điều này có vẻ mâu thuẫn khi một bên thì cố làm USD kém hấp dẫn, còn một bên cho vay thì lại là nghiệp vụ sinh lời cao. Và mấu chốt vẫn là sợ rủi ro tỷ giá.

Hay với người dân, việc lãi suất huy động 0,75% hay 0,25% thì cũng đều thua xa về mức hấp dẫn nếu so với lãi suất trên 6% của VND. Vậy tại sao USD vẫn hấp dẫn với không ít người dân, nhất là những người có tâm lý “tích cốc phòng cơ”? Do đó, để VND hấp dẫn trước hết phải là nằm ở sức mua của đồng tiền dựa trên vị thế một nền kinh tế, thay vì chọn làm giảm sức hấp dẫn của một đồng tiền vốn đang “có giá” trên thế giới.

Bên cạnh đó, việc hạ lãi suất USD của NHNN có thể là hơi “mạo hiểm” về thanh khoản để có thể góp phần giữ ổn định tỷ giá trong bối cảnh cuối năm nhu cầu USD mua nguyên nhiên vật liệu sản xuất sẽ tăng mạnh.

Cuối cùng, trong khi xu hướng USD tăng giá đã thể hiện rõ trong năm nay với các đồng tiền trên thế giới, và FED cho biết sẽ tăng lãi suất, thì bằng quyết định hành chính, liệu USD trong mắt người dân, doanh nghiệp có thể thành một đồng tiền kém hấp dẫn hay không. Âu có khi là đến lúc, hãy để thị trường quyết định tỷ giá (?!)

Theo Tiền phong


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang