Thầy giáo dạy Sử đi đạp xích lô

author 07:32 01/04/2014

(VietQ.vn) - Anh cũng là một thầy dạy Sử, sau thời chiến tranh đã là một người lính. Trong khi cả nước đói kém, giữa nơi phố cổ, anh không thể trồng ngô khoai để tự cải thiện, cũng không thể nuôi lợn gà để tăng thu nhập. Là người đàn ông tự trọng, không thể để vợ con quá đói rách, không còn con đường nào khác, anh phải đạp xích lô kiếm sống.

Học trò giờ đây chán Sử, kể cả Sử dân tộc. Mà cái sự chán này diễn ra chắc không phả là mới đây. Nhưng đến mức học sinh cả một trường không ai có hứng thú thì thật bất ngờ. Không biết những người làm những công việc liên quan tới Sử nghĩ gì?


Nhiều bài viết đã nói tới những nguyên nhân: chương trình, sách giáo khoa lịch sử nhưng không trung thành với lịch sử, nó hoàn toàn chỉ là một thứ Sử - chính trị, phục vụ cho một nhóm lợi ích. Tôi không nói thêm về điều này. Nhưng có một nguyên nhân ít người đề cập tới, có lẽ vì “nhạy cảm”, đó là người thầy.

Khi Sư phạm lụi tàn

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, việc chọn ngành, chọn nghề với lớp thanh niên sắp tốt nghiệp phổ thông đã bớt đi phần vô tư và lãng mạn. Cuộc sống khắc nghiệt đã khiến những con người sắp bước vào đời phải có những tính toán thực tế, rồi lâu dần, thành thực dụng.

Thầy và trò thời xưa. Ảnh mang tính minh họa

Thầy và trò thời xưa. Ảnh mang tính minh họa

Ban đầu, các trường ngành thương nghiệp cả đại học lẫn trung cấp đều được ưu tiên. Nhân viên ngành thương nghiệp ngoài đồng lương dù ít ỏi còn được bảo đảm sử dụng hết tem phiếu, chưa kể đến những mặt hàng ngoài tiêu chuẩn chung. Thế là nô nức ghi tên thi vào thương nghiệp. Rồi công an, kinh tế kế hoạch, tài chính ngân hàng…

Ngành sư phạm trừ mấy năm đầu được ưu tiên có học bổng, rồi miễn học phí, nhưng dần dà không còn hấp dẫn nổi lớp trẻ. Cái lãng mạn “giơ bó đuốc xua tan bóng đêm mờ tối, mở đường người dân đi tới …” đã lùi vào dĩ vãng xa xăm, cái phù hoa “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” đã hiện ra cái mặt trái không thể nào che đậy. Ngoài những cô gái mới lớn đã biết lo xa, có một nghề chủ động được thời gian lo công việc gia đình con cái, những người có chút khả năng đã quay lưng lại với nghề dạy học.

Hồi chưa về hưu, tôi thường được phân công dạy các lớp chọn. Hầu hết những học sinh các lớp này chẳng mấy ai nộp hồ sơ dự thi vào Sư phạm. Những tấm gương sống của các thầy các cô suốt 12 năm đã cho họ bài học để lựa chọn. Năm cuối trước khi nghỉ hưu, lớp chọn tôi dạy có hơn năm chục học sinh. Duy nhất một người thi vào trường Sư phạm và đã trúng tuyển. Cô bé này ngoan ngoãn, không có gì đáng chê trách, chỉ có điều, cô chính là tác giả bài tập làm văn cuối cùng khi ngồi trên ghế nhà trường tôi đã đánh dấu 13 lỗi chính tả. Nhiều bạn “phây” hiện nay có thể làm chứng điều tôi nói không phải là bịa đặt.

Với các môn khoa học tự nhiên còn tạm được. Theo học để trở thành giáo viên dạy Toán, Lý… còn hy vọng vào việc dạy thêm đảm bảo đời sống nên còn hấp dẫn được một số học sinh khá. Những môn khác, nhất là các môn bị coi là “phụ” như môn Sử thì tình trạng thật đáng buồn.

Nhiều người thi không phải vì say mê, hứng thú mà chỉ vì khoa Sử thuộc khối C, chỉ thi các môn đòi hỏi thuộc lòng, nhất là một thời gian dài phổ biến những bộ đề với các câu hỏi và lời giải đáp sẵn. Thế là thi, may thì đỗ. Có người đỗ do chịu khó “gạo”, nhưng chắc cũng không ít người đỗ nhờ “phao”. Rồi đi dạy.

Chỉ cốt chấp hành đầy đủ các quy định, đừng có quá bê trễ. Môn Sử hấp dẫn được người học vì ngoài sự thật, những nhận định, đánh giá, nguyên nhân, kết quả, bài học, …cần có những câu chuyện, những con người cụ thể, sinh động đi kèm. Người thầy phải truyền được tới học trò cái cảm hứng hào hùng, bi tráng mang tính chất sử thi. Một khi thầy không có hứng thú, vốn kiến thức cũng không có gì ngoài cuốn sách giáo khoa làm sao cho học trò yêu thích! Cho nên, học trò có chán thì cũng chẳng trách gì được họ. Buồn thế!

Chuyện nghề thầy giáo dạy Sử

Trong suốt gần bốn mươi năm đi dạy học, qua rất nhiều trường, tôi cũng đã thấy các thầy dạy sử có tâm huyết, có lòng yêu mến thật sự với lịch sử trong nước và thế giới đã bồi dưỡng được những thế hệ học sinh biết quý trọng lịch sử dân tộc.. 

Một thầy tốt nghiệp khoa Sử trường Tổng hợp đầu những năm 60 thế kỷ trước. Không ít người học cùng lớp với anh sau này đã trở thành những người có uy tín trong giới Sử. Tôi không dạy cùng bộ môn với anh, nhưng lúc nghỉ ngơi sau bữa cơm chiều trong khu nhà tập thể hay đạp xe trên đường dăm chục cây số mỗi khi về Hà Nội, chuyện chúng tôi thường nói đều là chuyện sử, do tôi cũng thích “món” này, mà ban đầu bao giờ cũng do anh khởi xướng. Lòng yêu mến đã khiến anh có một vốn tri thức phong phú và niềm say mê của anh đã truyền tới bao thế hệ học trò.

Thỉnh thoảng đi qua lớp anh dạy, thấy anh “thao thao bất tuyệt” những câu chuyện, những sự kiện, những nhân vật lịch sử trước đám học trò đang chăm chú lắng nghe tới mức quên cả ghi chép, dù bản thân mình không lạ lẫm nhưng cũng thấy hấp dẫn. Tất nhiên, những điều anh nói phần lớn đều không có trong sách giáo khoa. Những câu chuyện sinh động và thú vị, những nhân vật với tính cách và bao biểu hiện khác thường đã làm học sinh không coi đó là một môn phụ trong chương trình. Ở một miền quê nghèo, sách vở chẳng có được bao nhiêu, những bài giảng, những câu chuyện của người thầy dạy Sử đã đem lại cho học sinh những hiểu biết phong phú và sinh động về đất nước, về dân tộc và cả thế giới. 

Nhưng rồi giáo dục không còn được như cũ. Đời sống ngày càng khó khăn khiến anh cũng phải thay đổi. Hồi mới quen nhau, anh là một chàng trai khá hào hoa. Lần đầu tôi tới thăm vào dịp nghỉ hè, anh chưa có vợ vẫn ở cùng gia đình ở Hà Nội. Trong căn phòng riêng chừng 8 mét vuông, anh bài trí khá đẹp mắt. Ngoài cái giường cá nhân, còn một giá trên đó rất nhiều sách. Cái bàn nước nhỏ với hai cái ghế có cái cốc thủy tinh cắm một bông hồng. Anh cũng biết chơi vi-ô-lông. Những bản xô-nat réo rắt trong đêm khuya tĩnh lặng tăng thêm phần thi vị cho cuộc sống của chúng tôi ở làng quê. Sau buổi gặp gỡ ấy, anh đến chơi nhà tôi. Đến khi ấy tôi mới hiểu trong quan hệ bè bạn, người ta cần có những cuộc thăm viếng để đáp lễ với những người bạn mới. 


Nhiều năm sau, nghe tin anh sắp đi xuất khẩu lao động, tôi vô cùng bất ngờ, tới thăm. Anh đang xoay trần hứng nước. Khu nhà anh sau mấy năm đã trở thành có nhiều hộ mà vẫn chi có một vòi nước nhỏ từ thời xa xưa, khi chỉ có gia anh đình sinh sống. Khoác vội cái áo, anh giải thích: vòi chỉ có nước ri rỉ vào buổi tối, các gia đình chia nhau lần lượt hứng nước, luân phiên trước sau, cứ thế suốt đêm, rất đúng với câu thành ngữ mới “ban ngày cả nước lo việc nhà, đêm đêm cả nhà lo việc nước”.

Hôm nay tới phiên nhà anh được lấy nước trước. Anh bảo vẫn yêu nghề dạy học lắm, yêu môn Sử lắm, nhưng chẳng biết làm cách nào. Vợ anh cũng dạy học. Lúc này người ta đã có câu: hai vợ chồng một người là giáo viên thì gia đình ấy là thương binh, cả hai là giáo viên thì tất thành liệt sĩ. Anh đành “hy sinh đời bố, củng cố đời con” giã từ nghề nghiệp, chấp nhận ra nước ngoài, bán sức lao động.


Người thứ hai tôi biết là một thầy dạy sử trẻ hơn. Anh sinh ra, lớn lên ở một vùng quê, học khoa Sử, trường Sư phạm. Cụ thân sinh của anh là một hương sư đã để lại cho người con những đức tính đáng quý trọng. Có lẽ do hoàn cảnh và điều kiện, anh thường hay nói tới lịch sử dân tộc với niềm say mê khó tả.

Những năm dạy cùng trường với anh, giáo dục đang xuống cấp, trò chẳng thiết học, thầy không buồn dạy. Không khí trong các nhà trường đều như phiên chợ chiều. Ngoài một số con cán bộ, viên chức có cuộc sống tương đối ổn trong thiếu thốn, khó khăn, phần lớn con nông dân đều đói. Học trò, hàng ngày vẫn tới lớp nhưng chẳng mấy mặn mà với chuyện đèn sách.

Những môn vẫn được gọi là “chính” còn chẳng thiết, nói gì tới môn Sử. Dù nhà cách trường tới gần hai mươi cây số, nhưng anh vẫn mải miết đạp xe hàng ngày đi về. Hỏi vì sao không ở lại khu tập thể như nhiều người để đỡ thời gian và sức lực mỗi ngày đạp xe 4 giờ đồng hồ, anh cười buồn giải thích: ở lại tập thể thì nhàn thân, lại có thời gian đọc sách, nhưng vợ con đều ở nông thôn, không có tiêu chuẩn tem phiếu, đi lại vất vả nhưng chia sẻ được cái phần tem phiếu của mình với phần ngô khoai của vợ con.

Có hôm, anh vui chuyện, kể với tôi ở nơi anh ở, nhà nước không có gạo bán cho những người có tiêu chuẩn phải thay bằng phân (tất nhiên là phân hóa học). Anh bảo, với nhiều nhà thì gay go, vì phải đem bán số phân ấy để lấy tiền đong gạo, mà số gạo đong được ít hơn số lượng gạo tiêu chuẩn. Nhưng nhà anh thì yên tâm, vì với số phân bón ấy, ngô khoai của anh chắc sẽ cho năng suất cao hơn. Anh không nói, nhưng tôi hiểu, phần ngô khoai trong mỗi bữa ăn của vợ chồng con cái anh cũng nhiều hơn. Chắc niềm say mê của anh cũng sẽ lụi tàn theo năm tháng.


Người thứ ba tôi không có hân hạnh quen, nhưng được biết do đọc báo, xem truyền hình. Anh cũng là một thầy dạy Sử, sau thời chiến tranh đã là một người lính. Trong khi cả nước đói kém, giữa nơi phố cổ, anh không thể trồng ngô khoai để tự cải thiện, cũng không thể nuôi lợn gà để tăng thu nhập. Là người đàn ông tự trọng, không thể để vợ con quá đói rách, không còn con đường nào khác, anh phải đạp xích lô kiếm sống. Từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, một số người do ý thức giai cấp, phần lớn do túi tiền eo hẹp, xích lô chủ yếu đã thành phương tiện vận chuyển hàng hóa nên rất nặng nề, không phải có dáng vẻ như hiện nay.

Anh đã kể lại nhiều chuyện về nỗi vất vả này trên các phương tiện truyền thông: nào chỉ dám đạp xích lô vào buổi tối; nào luôn phải kéo cái mũ che khuôn mặt; nào có hôm gặp ông khách khí to béo mà anh đâu có được khỏe mạnh; nào có hôm khách là một người học trò cũ, …Rồi từ đó, anh đứng ra thành lập một đội xích lô chuyên phục vụ khách du lịch. Nghe và xem các cơ quan truyền thông “lăng-xê”, tôi chẳng thấy thú vị gì, chỉ thấy vị đắng chát của sự bạc đãi.


Vừa rồi, nghe các vị nói cần tới rất nhiều nghìn tỷ để nâng cao vị thế của đất nước với bốn bể năm châu bằng việc tổ chức cái Á vận hội lần thứ 18. Những người thầy tâm huyết phải bỏ nghề, mưu sinh bằng cách bán sức lao động ở xứ người; những người thầy yêu lịch sử dân tộc đang phải sống nghèo khổ đành phải dẹp niềm yêu thích vì nỗi lo cơm áo; và biết bao học trò, thế hệ làm chủ đất nước trong tương lai đang quay lưng lại với lịch sử bốn ngàn năm, phải chăng cũng là một vị thế?

Nhà giáo Dương Đình Giao

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang