Thầy giáo đi bảo tồn gen

author 07:08 18/12/2013

(VietQ.vn) – Tốt nghiệp sư phạm nhưng TS Khuất Hữu Trung lại chuyển sang nghiên cứu nông nghiệp và làm đề tài về bảo tồn gen cây trồng bản địa.

Tài sản quốc gia tương lai nằm ở nguồn gen

Nghiên cứu và bảo tồn nguồn gen là vấn đề gắn với nhiều lợi ích kinh tế, xã hội, cùng các giá trị về sinh thái, môi trường. Từ năm 1987, Việt Nam đã có Chương trình bảo tồn nguồn gen quốc gia do Ủy ban KH&KT Nhà nước thực hiện. Đến năm 1997, Bộ KH&CN&MT đã có quy chế quản lý và bảo tồn nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật. Từ khoảng 10 năm nay, Nhà nước đã xây dựng khung pháp lý tương đối đầy đủ, với nhiều bộ luật về quản lý tài nguyên thiên nhiên liên quan tới vấn đề bảo tồn nguồn gen như Luật Thủy sản (2003), Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004), Luật bảo vệ môi trường (2005), Luật Tài nguyên nước (2012), và đặc biệt là Luật Đa dạng sinh học (2008).

Nhóm các nhà khoa học Việt Nam đến từ các viện nghiên cứu về lúa đã hợp tác với các nhà khoa học của Vương quốc Anh tiến hành giải mã gien 36 giống lúa bản địa của Việt Nam.

Nhóm các nhà khoa học Việt Nam đến từ các viện nghiên cứu về lúa đã hợp tác với các nhà khoa học của Vương quốc Anh tiến hành giải mã gien 36 giống lúa bản địa của Việt Nam năm 2013

Hiện nay, nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen được phân công cho nhiều Bộ, ngành, như Bộ NN&PTNT phụ trách bảo tồn nguồn gen thực vật phục vụ cho mục tiêu lương thực và nông nghiệp, nguồn gen vật nuôi, vi sinh vật, nguồn gen cây rừng, cây chống chịu, cây cao su, nguồn gen thủy sản nước ngọt, v.v; Bộ Y tế bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc, vi sinh vật y học; Bộ Công thương phụ trách bảo tồn nguồn gen vi sinh vật công nghiệp thực phẩm và nguồn gen cây công nghiệp, v.v.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trên còn rất hạn chế. Theo Báo cáo của Bộ KH&CN, từ những năm 2009 tới 2011, tổng kinh phí hằng năm giao cho các Bộ ngành thực hiện nhiệm vụ về quỹ gen chỉ khoảng 20 tỷ đồng, từ năm 2012 đến nay mới đạt xấp xỉ 35 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí còn hạn hẹp như vậy, công tác bảo tồn nguồn gen ở Việt Nam chủ yếu là bảo tồn tại chỗ (in-situ conservation) trong điều kiện tự nhiên nơi phát sinh nguồn gen.

Các nhà sinh học cũng phân tích, việc bảo tồn gen là nhằm đảm bảo nguồn tài sản quý giá của quốc gia. Bởi, với công nghệ phát triển, việc hiện đại hóa nông nghiệp sẽ đem lại năng suất cao sau này, nên vấn đề về gen gốc sẽ tạo ra các đặc trưng của từng  nước.

Khẳng định chủ quyền Quốc gia về gen quý

TS Khuất Hữu Trung cùng các đồng nghiệp Viện Di truyền Nông nghiệp đã thực hiện thành công đề tài: “Nghiên cứu đánh giá, tư liệu hóa nguồn gen cây trồng bản địa quý ở mức độ phân tử để bảo tồn và sử dụng hiệu quả”, thuộc KC04.06.

Các nhà khoa học đã tạo ra được gần 20 chỉ thị/marker phân tử đặc trưng để nhận dạng chính xác nguồn gen bản địa quý, 7 bộ tiêu bản nhận dạng AND của các tập đoàn lúa, hoa lan, nhãn, cam và bưởi; 2 tập đoàn lúa Tám và lúa Nếp Nương; 2 tập đoàn Lan hài và Địa lan bản địa của Việt Nam; 3 tập đoàn giống nhãn, cam, bưởi bản địa của Việt Nam cùng nhiều báo cáo số liệu đánh giá về các nguồn gen bản địa quý.

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, TS Khuất Hữu Trung cho hay, trong quá trình làm đề tài, anh và các nhà khoa học đã kịp đăng ký bản quyền với ngân hàng gen thế giới một số nguồn gen bản địa quý.

Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nếu các nước khác muốn nhân giống những loài này thì phải xin phép Việt Nam. Ngược lại, nếu chúng ta không xác lập chủ quyền các gen quý thì nếu nước bạn “tranh đăng ký trước”, thì sau này muốn sử dụng, chúng ta phải xin phép họ.

Tự đánh giá là đề tài chỉ ở mức “xáo xới” vấn đề bảo tồn gen, vị Tiến sĩ trẻ từng học sư phạm cho rằng, trong tương lai, chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến bảo tồn gen, để gìn giữ những đặc tính quý của các loài cây ở Việt Nam, làm tiền đề để phát triển nông nghiệp sau này.

Hoàng Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang