Thầy Ngụy Như Kon Tum

author 06:17 07/05/2013

(VietQ.vn) - Nếu có dịp khoe mình là sinh viên Đại học Tổng hợp thì thường kèm theo câu giới thiệu thày Hiệu trưởng là Giáo sư Ngụy Như Kom Tum.

Lời Tòa soạn: Nhân kỷ niệm 101 năm ngày sinh của GS Ngụy Như Kon Tum (hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của ĐH Quốc gia Hà Nội ngày nay)  Chất lượng Việt Nam xin giới thiệu bài viết của GS Vũ Dương Ninh.

GS Ngụy Như Kon Tum sinh năm 1913 là người gốc Huế, nhưng được sinh ra và có tuổi thơ ở Gia Lai, Kon Tum.
GS Ngụy Như Kon Tum sinh năm 1913 là người gốc Huế, nhưng được sinh ra và có tuổi thơ ở Gia Lai, Kon Tum.

Mùa thu năm 1959, chúng tôi vừa hồi hộp, vừa ngỡ ngàng đặt bước lên từng bậc của ngôi trường đồ sộ ở 19 Lê Thánh Tông, nơi trước đây là Đại học Đông Dương, lúc đó là trường sở chính của Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Là lớp học sinh phổ thông, chúng tôi mang nhiều hoài bão, ước mong và hi vọng. Và càng ngạc nhiên hơn khi được biết vị Hiệu trưởng của trường là Giáo sư Nguy Như Kontum, một tên tuổi mang nhiều “huyền thoại” mà chúng tôi đã truyền tai nhau khi quyết định chọn vào trường Tổng hợp.

Nào là người đã từng đỗ ba bằng Tú tài – một bằng bản xứ, hai bằng của Pháp về toán học và triết học. Nào là người đã nghiên cứu vật lý ở Pháp và đã từng làm việc trong phòng thí nghiệm hạt nhân của nhà khoa học nổi tiếng Joliot Curie. Và cũng là vị nhân sĩ đã tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, đảm lãnh nhiều chức vụ trong ngành giáo dục của nước Việt Nam độc lập… Với từng ấy hiểu biết về Thày, chúng tôi sung sướng lắm, tự hào lắm.

Nếu có dịp khoe mình là sinh viên Đại học Tổng hợp thì thường kèm theo câu giới thiệu thầy Hiệu trưởng là Giáo sư Ngụy Như Komtum. Đối với người Việt Nam, cái tên của Thày có gì khang khác, là lạ nên cũng gợi trong chúng tôi chút tò mò, mong muốn được trông thấy Thày, chưa dám nói là được gặp Thày.Rồi ngày ấy cũng đến. Đó là buổi khai giảng đầu tiên tại Đại giảng đường (nay mang tên Giảng đường Ngụy Như Kontum), Thày xuất hiện, dáng người đậm, tóc bạc như cước (mặc dầu tính ra thì năm đó Thày mới 43 tuổi), nước da trắng hồng, rất đẹp.

Và khi mới lên diễn đàn, Thầy nở nụ cười rất tươi, rất hiền. Một phần vì Thày nói nhỏ, một phần vì hệ thống micro kém nên quả thực, chúng tôi chỉ nghe lõm bõm, không hiểu bao nhiêu. Nhưng điều sung sướng là được trông thấy Thày, mà đối với chúng tôi (và có lẽ cả sau này nữa) Thầy là một thần tượng khoa học, một tấm gương của người trí thức yêu nước.Vì tôi học ở Khoa Sử nên không được nghe Thày giảng. Chỉ những khi họp toàn trường hoặc đôi lần Ban giám hiệu về làm việc ở Khoa thì Thầy  đến phát biểu. Dù mấy năm sau tôi đã là cán bộ giảng dạy thì cũng chẳng bao giờ dám hoặc được nói chuyện với Thày.Nhưng rồi đến một năm sau khi hòa bình, thống nhất đất nước, thầy Phan Hữu Dật khi đó là Phó Hiệu trưởng điều tôi lên làm Trưởng phòng Tổng hợp.

Và đương nhiên, đây là dịp tôi được tiếp xúc nhiều với Thầy Hiệu trưởng cũng như với các thày khác trong Ban Giám hiệu và Đảng ủy.Theo nhiệm vụ, sáng sáng tôi phải lên phòng Hiệu trưởng để trình giấy tờ, xin chữ ký, báo cáo lịch làm việc, nhất là lịch tiếp khách. Từ một giảng viên, nay làm những việc hành chính, tôi hết sức bỡ ngỡ. Thầy ôn tồn chỉ dẫn cho tôi từng việc, từng chi tiết. Có thể nói đây là bài học rất quan trọng đối với tôi mà sau này, trong công việc quản lý nói chung, làm Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học nói riêng, tôi quen tác phong làm việc ngăn nắp, có kế hoạch, theo dõi sát sao, tránh được nhiều sai sót.Có một lần, khi xin chữ ký, Thầy hỏi: Có công văn nào bán cầu Long Biên thì đưa tôi ký trước! Lần đầu nghe câu đó, tôi giật mình, hơi hoảng vì chẳng hiểu thế nào.

Có lẽ thấy sắc mặt của tôi, Thầy ôn tồn giải thích là “tôi hỏi vui thôi, tôi rất tin anh”. Thầy thường dặn dò tôi rất kỹ khi đọc và xử lý các giấy tờ, phải chú ý đừng để sơ suất dẫn đến tham ô, lãng phí. Thầy nói đất nước còn nghèo, chúng ta còn nghèo, để tham ô lãng phí là có tội. Thỉnh thoảng, sau khi xong việc, Thầy giữ tôi lại để hỏi han tình hình anh chị em trong trường cũng như đời sống của riêng tôi, Biết tôi vốn là học sinh trường Chu Văn An, Thầy kể lại những kỷ niệm khi Thầy mới du học ở Pháp về nhận công việc ở trường Bưởi.

Trong lễ tang cụ thân sinh của tôi, Thầy đến chia buồn khiến cả nhà rất xúc động. Tấm ảnh của Thầy hôm đó vẫn được lưu trang trọng trong album của gia đình tôi.

Có một kỷ niệm với Thầy mà không bao giờ tôi có thể quên được. Hồi đó các kỳ thi tuyển sinh đại học được tổ chức ở các địa phương để thí sinh ở tỉnh xa không phải về Hà Nội. Trường Tổng hợp được phân công tổ chức thi ở Nghệ An, cán bộ giảng dạy đi tàu hỏa từ Hà Nội vào Vinh rồi từ đó đi về các điểm thi ở các huyện. Đi tàu hồi đó vô cùng vất vả, nhiều khi phải vạ vật qua đêm ở các ga xép, nhưng cũng là dịp để các thày cô “sáng tác” nhiều chuyện khôi hài, tiếu lâm.

Có một lần tôi được tháp tùng Thày đi chỉ đạo đợt thi tuyển sinh đại học ở Nghệ An. Tôi theo Thầy đi chiếc xe ô tô của trường, nhãn hiệu Lada của Liên Xô. Mấy hôm đó trời mưa tầm tã, đường lại rất xấu vì mới chiến tranh xong chưa kịp khôi phục, khởi hành từ trưa, khoảng 5 giờ chiều mới đến đoạn Hà Trung (Thanh Hóa). Vì đã mưa nhiều ngày nên đường xá bị ngập, xe nối đuôi nhau chạy rất chậm, nhích từng bước một. Không chỉ có nước ầm ào chảy xiết mà còn có những tảng bèo rác, những cây gỗ to tướng trôi theo dòng nước. Chiếc xe Lada gầm thấp bị bèo cuốn chặt lấy các ống xả, xe bị dừng lại, không đi được nữa.

Anh lái xe nhiều lần lội ra ngoài để gỡ rác nhưng không xuể. Đêm xuống dần đành đẩy xe sang vệ đường để các xe khác tiến lên.Thế là chúng tôi bị “giam “ lại trên xe. Khi đó chẳng có điện thoại như bây giờ để cầu cứu, tôi nghĩ cách liên hệ với một xe nào đấy, nhờ đưa Thầy về nhà khách tỉnh Thanh Hóa, sáng mai chúng tôi đến đón. Thầy không chịu, Thầy bảo – vẫn bằng giọng ôn tồn nhỏ nhẹ - “đã ra trận thì phải chia sẻ cùng nhau, tôi sẽ cùng các anh, đợi đến sáng đi tiếp”. Ý Thầy đã quyết, không thể lay chuyển được, đành phải sắp xếp qua đêm. Thực phẩm mang theo chủ yếu là lương khô và bi đông nước.

Tôi đưa Thầy trước rồi đến anh lái xe. Thầy bảo đưa đồng chí lái xe nhiều, anh ấy phải lao động, tôi với anh ăn một chút thôi, đói thì ta ngủ! Tiếng cười vang lên trong xe, xóa đi nỗi lo phiền. Một câu nói vui của Thầy – tôi nghĩ chính là “công tác tư tưởng” mà ta cứ hay dùng lời lẽ để thuyết lý.Trời rạng sáng, mọi việc được giải quyết, xe chạy bon bon về Thanh Hóa. Tôi cho xe vào nhà khách của tỉnh để Thầy nghỉ ngơi, ăn sáng. Vừa chiến tranh xong, cơ quan cấp tỉnh canh gác cẩn mật, giấy tờ ra vào phức tạp lắm.

Song có lẽ thấy xe con vào cổng, bước ra là một ông đầu bạc, phong thái đàng hoàng, bảo vệ nghĩ ngay là cán bộ cấp cao liền đưa vào đón tiếp rất chu đáo. Sau đó chúng tôi vào thẳng đến Vinh rồi về huyện, nơi đặt điểm chỉ đạo kỳ thi mở rộng trên nhiều xã. Nhà khách cấp huyện khá tươm tất tuy các tiện nghi rất thô sơ. Thầy nghỉ riêng một phòng, có phục vụ cơm nước chu đáo. Sau bữa cơm đầu tiên, tôi lo Thầy không quen thức ăn của địa phương liền trao đổi với mấy anh chị quản lý.

Để họ dễ mua thức ăn có chất lượng, tôi nói “Các anh chị cứ chi gấp đôi tiêu chuẩn của Thầy, Nhà trường sẽ thanh toán”. Sau bữa cơm chiều, Thầy hỏi tôi: Bữa sáng tôi ăn đã không hết, sao chiều nay món nào cũng nhiều thế, làm sao tôi ăn hết được, lãng phí quá! Tôi giật mình, xuống hỏi quản lý, thì ra họ hiểu điều tôi nói “ gấp đôi tiêu chuẩn” là về số lượng, rau nhiều hơn, đĩa tôm rang đầy hơn và ngay cơm cũng nhiều hơn! Hình như Thầy vẫn không yên tâm về sự lãng phí, sáng hôm sau Thầy bảo tôi, “Anh chỉ cần nói họ thêm cho tôi mỗi bữa một quả chuối tiêu thôi, thế là đủ”.

Câu chuyện này tôi đã kể với nhiều bạn, song điều thấm thía với tôi là tính giản dị, khiêm nhường của Thầy và kinh nghiệm làm việc thiếu cụ thể của mình làm cho địa phương không hiểu đúng ý mình. Đến đầu những năm 1980, tôi được điều đi làm chuyên gia giáo dục ở châu Phi, khi trở về nước thì Thầy đã nghỉ hưu. Thời gian được làm việc gần Thầy quá ngắn nhưng lại là những tháng ngày tôi ghi nhớ sâu sắc.Cũng như nhiều nhà giáo lão thành cùng thế hệ, Thầy là người thấm nhuần sâu sắc đạo đức phương Đông, kết hợp với nền khoa học tiên tiến phương Tây và được tôi luyện qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc nên đã trở thành tấm gương của người trí thức cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Nghĩ về Giáo sư Ngụy Như Kontum cùng nhiều thầy khác mà tôi được thụ giáo trực tiếp như GS. Trần Văn Giàu, GS. Đào Duy Anh, GS, Cao Xuân Huy …, điều để lại mãi mãi trong tôi và nhiều thế hệ học trò vẫn là tấm gương sáng của các bậc trí giả TÀI CAO - ĐỨC TRỌNG.

GS Vũ Dương Ninh

(Khoa Quốc tế học, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang