Thế ‘chân vạc’ lung lay, cổ phiếu 'bốc hơi' nghìn tỷ, Thế giới Di động có qua 'cơn bĩ cực'?

author 12:30 27/03/2020

(VietQ.vn) - Dịch Covid-19 khiến "thế chân vạc" của Thế giới Di động lung lay, cổ phiếu MWG bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng trong vòng 24h. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại trước "cơn bĩ cực" này.

Doanh thu điện thoại, điện máy giảm… vì dịch

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) được biết đến là một trong những nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam, với 3 trụ cột chính: Thế giới Di động, Bách Hóa Xanh, Điện Máy xanh. Trong đó, mảng điện thoái, máy tính… luôn đem lại nguồn doanh thu lớn cho doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng như hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng về điện thoại, máy tính… giảm; chưa kể, sự canh tranh giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, phân khúc ngày càng quyết liệt hơn khi “miếng bánh” thị phần ngày một giảm đi.

Theo số liệu từ Strateg Analytics, doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu chỉ đạt 61,8 triệu chiếc vào tháng 2/2020, tương ứng giảm mạnh 38% so với cùng kì năm ngoái.

Còn các nhà phân tích VDSC, tăng trưởng doanh số cửa hàng hiện hữu tại chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh sẽ chịu tác động tiêu cực trong quí II/2020 cho đến khi Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM. Đây cũng là hai thị trường lớn nhất, chiếm hơn 20% số lượng cửa hàng của MWG.

Mảng đồng hồ, kính mắt khó ‘kéo’ doanh thu

Tham gia vào sân chơi phân phối đồng hồ, kính mắt, Thế giới Di động kỳ vọng đây là mảng đem về doanh thu lớn cho doanh nghiệp này. Thế nhưng, từ khi bắt đầu (5/2019) kinh doanh đến nay, ban lãnh đạo Thế giới Di động cũng phải thừa nhận đến thời điểm hiện tại, mảng này chưa đem lại doanh thu cho họ.

Chưa kể, MWG cũng nuôi tham vọng đến giữa năm 2020 sẽ mở được 500 cửa hàng bán đồng hồ và kính mắt. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện tại, kỳ vọng trên khó có thể thực hiện?

Trước đó, Chứng khoán Rồng Việt đã dự báo đồng hồ thời trang và đồ dùng nhà bếp sẽ góp thêm khoảng 50 điểm cơ bản vào tỉ suất lợi nhuận gộp của Thế giới Di động và Điện Máy Xanh vào năm 2020. Nhưng hiện tại, VDSC nhận định biên lợi nhuận của hai chuỗi này sẽ không thay đổi đáng kể trong năm nay hoặc thậm chí có thể giảm nếu cao điểm dịch bệnh kéo dài.

 Thế giới Di động bốc hơi hàng nghìn tỷ vì Covid-19

Bách Hóa Xanh có trở thành trụ cột chính giúp Thế giới Di động thoát tăng trưởng âm?

Trong khi mảng điện thoại, điện máy… khó lòng kéo doanh thu của Thế giới Di động thì Bách Hóa Xanh đang là tia sáng giúp doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài vươn lên. Thế nhưng, thực tế, một số của hàng Bách Hóa Xanh không có sự khác biệt về lượng khách trong bối cảnh virus lan rộng.

Chưa kể, Bách Hóa Xanh cũng chưa có mặt trên toàn quốc (chủ yếu ở TP.HCM) thì rất khó để chống lại với những ảnh hưởng mà virus gây ra. "Nếu tác động từ Covid-19 lớn hơn dự báo, MWG nên cân nhắc mở ít cửa hàng Bách Hóa Xanh hơn trong năm nay để giảm áp lực lên lợi nhuận", VDSC phân tích.

Nhìn vào kết quả kinh doanh, theo BCTC quý IV/2019, trong cơ cấu nguồn vốn 41.708 tỷ đồng của MWG, nợ phải trả chiếm tới gần 71%, tương ứng 29.564 tỷ đồng chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn của MWG tăng vọt gấp 2,2 lần đầu kỳ, lên tới 13.031 tỷ đồng.

Còn vay nợ tài chính dài hạn vẫn duy trì ở mức chỉ 1.122 tỷ đồng. Do vay nợ lớn khiến MWG phải chi ra hơn 568 tỷ đồng chi phí lãi vay trong năm 2019, tăng hơn 30% so với năm 2018. Thậm chí, MWG cũng đang là “con nợ” của nhiều ngân hàng như: Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) 1.952 tỷ đồng; Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation chi nhánh Hà Nội 1.844 tỷ; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, CTG) 1.698 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH MTV ANZ (Việt Nam) chi nhánh TP.HCM 1.432 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH Mizuho Bank chi nhánh Hà Nội 1.268 tỷ đồng...

Chứng khoán liên tục bốc hơi hàng nghìn tỷ trong 24h

Ở diễn biến mới đây, theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân (UBND) một số phường trên địa bàn TP.Hà Nội, MWG đã tạm thời đóng cửa các siêu thị Thế giới Di động và Điện Máy Xanh cho đến khi có thông báo tiếp theo của UBND thành phố. Động thái trên khiến mã cổ phiếu MWG giảm mạnh.

Hiện, MWG đang giao dịch trong phiên 27/3 ở ngưỡng 63.300 đồng/cổ, giảm 4.300 đồng/cổ so với phiên hôm qua. Với hơn 543 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa của MWG còn 28.890 tỷ đồng, giảm gần 3.000 tỷ so với phiên hôm qua (31.109 tỷ đồng); giảm hơn 8.000 tỷ so với thời điểm nhân viên Bách Hóa Xanh bị dương tính với Covid-19 hồi đầu tháng 3 (36.610 tỷ đồng). Như vậy, từ đầu năm tới nay, cổ phiếu MWG liên tục giảm, lên đến 40% so với đầu năm 2020.

 Thảo Nguyên

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang