Thế và lực của khoa học công nghệ đang lên rất rõ

author 07:13 08/02/2016

(VietQ.vn) - Nhiều mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trong 5 năm gần đây đã đạt và vượt mức đề ra. Cộng đồng quốc tế ghi nhận những nỗ lực vượt khó của KH&CN Việt Nam với tín hiệu tích cực gắn kết sự phát triển của nền kinh tế bền vững.

Nhân dịp năm mới Bính Thân 2016, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã dành cho Chất lượng Việt Nam phỏng vấn về chặng đường phát triển của KH&CN những năm gần đây.

Thưa Bộ trưởng, Chiến lược phát triển KH&CN 5 năm qua đã có những thành tựu và đóng góp ra sao tới sự phát triển của nền kinh tế?

Sau 5 năm (2011-2015) triển khai Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 (Chiến lược), những kết quả đạt được rất đáng phấn khởi. Một số mục tiêu trước đây khi xây dựng chiến lược nghĩ rằng khó có thể đạt được nhưng nhờ sự nỗ lực của cộng đồng khoa học và Chính phủ, đến nay, mặc dù mới đi được nửa chặng đường nhưng chúng ta vẫn đạt được nhiều mục tiêu đề ra.

Cụ thể, trong tốc độ đổi mới công nghệ, trước đây chúng ta nghĩ rằng, mục tiêu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp 10% -15% trong giai đoạn này là khó thực hiện được nhưng thực tế chúng ta đã đạt được tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trên 10%.

Hay như việc Việt Nam phải là một trong những nước dẫn đầu của ASEAN về đổi mới sáng tạo, nhiều người cho rằng đây là mục tiêu không tưởng trong khi rất nhiều các mục tiêu khác vẫn còn đang phấn đấu vào top 6 của ASEAN chứ chưa nói đến dẫn đầu trong khu vực. Đến năm 2015, Chiến lược đi được nửa chặng đường nhưng đã được cộng đồng quốc tế đánh giá rất tốt và chúng ta đã đạt được mục tiêu trong top 3 trong ASEAN.

Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời phỏng vấn của Chất lượng Việt NamBộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, khoa học và công nghệ ngày càng có nhiều đóng góp tích cực vào kinh tế xã hội

Về các công bố quốc tế của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 20%/năm. Tức là sau 5 năm sẽ phải tăng gấp đôi so với trước, đến nay kiểm điểm lại thấy rằng đã đạt được mức đó và vượt quá cả sự kỳ vọng. Năm 2014, chúng ta đã có 2.600 bài báo quốc tế, năm 2015 này, con số có thể còn cao hơn. Con số này cũng gấp đôi con số của giai đoạn 2005-2010.

Thông qua các nỗ lực đó, có thể đánh giá bằng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp của KH&CN vào nền kinh tế. Chúng ta đặt ra trong Nghị quyết của Đảng cũng như Chiến lược, sẽ đạt TFP trong giai đoạn 2011 – 2030 từ 30%-35%. Cho tới 2015, có thể khẳng định sẽ đạt được mục tiêu đó.

Trong 5 năm vừa qua, tố độ tăng trưởng của TFP ổn định và trong năm 2015, dự báo có thể đạt tỷ lệ khá cao, ở mức 38% - 39%. Tốc độ trung bình trong 5 năm qua đạt khoảng hơn 28%. Như vậy, còn 5 năm nữa để phấn đấu và đạt được TFP giai đoạn 10 năm đạt trung bình trên 30%.

Tất nhiên, sẽ có nhiều khó khăn như huy động nguồn lực cho đầu tư KH&CN. Chúng ta đặt mục tiêu 2% GDP quốc gia vào năm 2020 và 1,5% GDP vào 2015, đến nay chưa đạt được. Ngân sách nhà nước mới được khoảng 0,5%. Huy động của doanh nghiệp, xã hội hiện chưa đạt nổi 1%. Tổng đạt được chưa bằng 1,5% GDP dành cho KH&CN.

Với quy định mới của Luật KH&CN, bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước phải dành một phần lợi nhuận đầu tư cho KH&CN. Có các chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng làm như vậy. Chúng ta hi vọng tới 2020, chúng ta đạt được tỷ lệ đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN đạt trên dưới 2% GDP quốc gia.

Chúng tôi đang tổng kết, đánh giá và sẽ có báo cáo với Chính phủ điều chỉnh một số mục tiêu không thực tiễn, gặp phải những khó khăn trong quá trình chúng ta vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu và các bất ổn chính trị xã hội trong khu vực.

Với sự nỗ lực của cộng đồng khoa học và các nhà quản lý, cơ bản, các mục tiêu của chiến lược đạt được mức độ kỳ vọng. Phấn đầu trong 5 năm tiếp theo, tất cả các mục tiêu đề ra có thể thực hiện thành công.

Bộ trưởng có hài lòng với những kết quả đạt được trong 5 năm (2011-2015)?

Có thể nói, tôi tạm hài lòng với những kết quả trong 5 năm đầu tiên thực hiện Chiến lược. Bởi vì, giai đoạn vừa rồi, KH&CN Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn như khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng chúng ta vẫn duy trì được tốc độ phát triển hợp lý và tương đối cao.

Với mức đầu tư còn hạn hẹp, những người làm khoa học công nghệ Việt Nam đã vượt qua chính mình, được cộng đồng quốc tế công nhận.

Chưa bao giờ chúng ta có xếp hạng cao trong xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đây là chỉ số do WIPO kết hợp với Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) đánh giá. Trong 141 quốc gia được tổ chức này xếp hạng về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, năm 2015, Việt Nam đã tăng 19 bậc, vươn lên vị trí thứ 52 thay vì vị trí 71 trên bảng xếp hạng (2014). Trong khi đó, vào thời điểm trước năm 2010, chúng ta còn chưa được xếp hạng về chỉ số này. Đó là con số rất ấn tượng!

Vì sao những con số ấn tượng như thế mà ông vẫn chỉ tạm hài lòng? Liệu đánh giá của WIPO đã thỏa đáng hay chưa?

Tôi cho rằng, đây là đánh giá rất khách quan. Tổ chức WIPO họ không làm một mình mà cùng với đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) xây dựng bộ tiêu chí đánh giá với hơn 100 tiêu chí khác nhau, đánh giá tổng thể chứ không phải con số tuyệt đối đơn thuần, chí vì thế nó rất khách quan.

Chúng tôi rất vui mừng, đó là nguồn động viên rất lớn đối với Việt Nam vì chúng ta mới bước vào ngưỡng của những nước có thu nhập trung bình thấp. Nhưng chúng ta có chỉ số sáng tạo, tức là trình độ phát triển KH&CN đang ở mức trung bình của thế giới. Nếu so sánh với nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam chỉ đứng sau nước CH Mondova. Chúng ta đứng trên 30 quốc gia khác, trong đó có những quốc gia có trình độ phát triển KH&CN có thành tựu quan trọng, có tiềm lực lớn hơn Việt Nam, ví dụ như Ấn Độ.

Chính vì thế mà chúng tôi rất tự hào về 5 năm qua, những người làm khoa học Việt Nam đã rất nỗ lực.

Thưa Bộ trưởng, để hoàn thành những mục tiêu đề ra trong chiến lược, có ý kiến cho rằng còn những rào cản trong hệ thống tổ chức quản lý từ trung ương tới địa phương, theo Bộ trưởng đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân là từ nhận thức của các nhà quản lý trong lĩnh vực KH&CN cũng như trong một số lĩnh vực có liên quan. Chúng ta có đầy đủ nền tảng pháp lý cho KH&CN để chúng ta đổi mới. 

Từ nghị quyết của Đảng, Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và các thông tư của các bộ. Tuy nhiên, ở cấp cơ sở, người ta lại thực hiện việc đó không nghiêm túc, đầy đủ, sự phối hợp giữa các ngành là rất khó.

Điển hình như có những doanh nghiệp, được công nhận là doanh nghiệp KH&CN, được hưởng ưu đãi rất cao về chính sách thuế của Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp phàn nàn, họ mong muốn được đóng thuế, không muốn được hưởng ưu đãi thuế vì thủ tục ưu đãi thuế quá phức tạp, nên họ muốn đóng thuế cho nhanh. Sau đó, họ sẽ cố gắng tăng trưởng giá trị gia tăng của doanh nghiệp, đem lại lợi nhuận cao hơn, bù cho phần thuế mà họ đóng.

Đó là ví dụ để nói rằng, hệ thống của chúng ta trong quá trình vận hành vẫn chưa tiếp cận tới tư duy thị trường, chưa tuân thủ các thông lệ quốc tế, chúng ta vẫn làm như những năm trước đây vì thế làm giảm đáng kể hiệu quả của hoạt động KH&CN.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Nam (thực hiện)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang