Thêm bất cập nhà khoa học giỏi

author 06:31 09/06/2013

(VietQ.vn) – Các địa phương có ít nhà khoa học giỏi nhưng hàng năm vẫn được tiêu 2% tổng thu ngân sách của tỉnh đó.

Tiền cho khoa học dùng để...xây đường

Bộ KHCN từng báo cáo, nhiều địa phương đã chi sai khoản ngân sách đáng lẽ dành cho nghiên cứu khoa học, thành chi cho đầu tư xây dựng cơ bản như xây nhà, xây đường...

Theo TS Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Phát triển KHCN địa phương, Bộ KHCN, hiện nay các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi sai mục đích nguồn kinh phí cho đầu tư phát triển KHCN khá phổ biến.

Thực tế, tập trung đầu tư phát triển cho KHCN trong thời gian qua đang có xu thế là: tỷ lệ bình quân, tại các năm 2006-2012, giữa chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp ở các bộ, ngành Trung ương là 0,5. Nghĩa là, bình quân hàng năm, cứ 1 đồng chi sự nghiệp thì Nhà nước cân đối 0,5 đồng chi tăng cường xây dựng cơ bản, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, máy móc... cho các tổ chức KHCN Trung ương. Trong khi đó, tỷ lệ chi này ở địa phương bình quân là 1,2. Có nghĩa là, bình quân hàng năm, cứ 1 đồng chi sự nghiệp thì Nhà nước cân đối 1,2 đồng tăng cường xây dựng cơ bản, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, máy móc... cho các tổ chức KHCN địa phương.

Như vậy, bình quân tỷ lệ chi này ở giai đoạn 2006-2012, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ này tại các Bộ.

Ít người giỏi nhưng được tiêu nhiều tiền

Nguyên Viện trưởng viện Toán, GS.TSKH Ngô Việt Trung từng tiết lộ với Chất lượng Việt Nam rằng, chính ông cũng từng bị một số địa phương “gạ gẫm” ký kết các hợp đồng khoa học không có giá trị nghiên cứu. Hợp đồng làm xong, không cần phải nghiên cứu nhiều, viện Toán được hưởng 60% tiền trong hợp đồng, còn lại, phải chi cho địa phương đó 40%.

Nhiều nhà khoa học đầu ngành nhận định, số lượng các nhà khoa học giỏi của Việt Nam không phải quá nhiều và thường chỉ tập trung ở các trung tâm nghiên cứu lớn. Ảnh mang tính minh họa.
Nhiều nhà khoa học đầu ngành nhận định, số lượng các nhà khoa học giỏi của Việt Nam không phải quá nhiều và thường chỉ tập trung ở các trung tâm nghiên cứu lớn. Ảnh mang tính minh họa.

Đương nhiên, những nhà khoa học chân chính như ông không chấp nhận cách làm việc như vậy.

“Mặc dù có được nguồn chi lớn, nhưng nguồn nhân lực ở các địa phương rất thiếu và yếu. Đại đa số các tổ chức KHCN có đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, có năng lực là các tổ chức KHCN Trung ương thuộc các bộ, ngành quản lý...Có thể nói, chúng ta đang cố tập trung nguồn chi vào nơi có nguồn nhân lực KHCN mỏng và ít”  - TS Hồ Ngọc Luật cho biết.

“Chỉ được quản lý 10% ngân sách cho khoa học, Bộ KHCN không thể nhận trách nhiệm về những yếu kém nếu có của ngành mình” – GS Ngô Việt Trung khẳng định.

Phải sửa Luật Ngân sách

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam về bất cập này, lãnh đạo Vụ Tài chính Hành chính Sự nghiệp, Bộ Tài chính phân tích, chính những quy định trong luật Ngân sách, đã khiến cho các địa phương đương nhiên được hưởng 2% tổng ngân sách cấp cho tỉnh mình, để đầu tư vào khoa học, mặc dù năng lực chưa chắc đã tốt.

Muốn khắc phục điều này phải sửa luật Ngân sách.

Trong khi chờ đợi, giải pháp trước mắt mà Bộ KHCN vẫn phải tiến hành là tăng cường kiểm tra việc chi tiêu cho KHCN ở địa phương, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chi tiêu ngân sách của địa phương...

Luật KHCN sửa đổi được đưa ra Quốc hội thông qua lần này cũng có những điểm mới, hạn chế bất cập trên.

Như trong Điều 51 yêu cầu ngân sách cho KHCN phải được ghi thành một mục chi riêng trong mục lục ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, ngành, địa phương nhằm ngăn ngừa việc dùng NSNN cho KHCN vào việc khác. Điều 52, trách nhiệm xây dựng dự toán và quản lý việc sử dụng ngân sách nhà nước dành cho KHCN, có nêu: Bộ KHCN có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng đề xuất dự toán chi ngân sách nhà nước dành cho KHCN hàng năm theo quy định của pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập dự toán chi đầu tư phát triển KHCN, dự toán chi sự nghiệp KHCN theo đề xuất dự toán của Bộ KHCN.

Điều 75 về trách nhiệm của Bộ KHCN, có nêu: quản lý và sử dụng hiệu quả phần ngân sách nhà nước đầu tư cho KHCN; xây dựng đề xuất cơ cấu, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước dành cho KHCN làm căn cứ cho việc giao dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.

Với những đổi mới này, các nhà khoa học đang đặt niềm tin, những cải cách trong luật KHCN sửa đổi sẽ đặt nguồn lực của đất nước vào đúng vị trí những cá nhân, tập thể xứng đáng.

Hoàng Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang