Theo chân sữa, đường "làm giá”

author 08:20 04/05/2013

(VietQ.vn) - Chưa năm nào lượng đường tồn kho lại nhiều như năm nay (trên 480.000 tấn), nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn cao. Thực tế này, có vẻ đi ngược quy luật cung cầu, khiến không ít ý kiến cho rằng: Liệu giá đường có đang đi theo chân sữa, bị thao túng ở khâu phân phối?

Cây mía và ngành mía từng được coi là lĩnh vực kinh tế cao. Thế nhưng đến lúc này, cả cây mía và ngành mía đường đang phải đối diện với những khó khăn lớn. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành mía đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hàng chục nhà máy mía ra đời, phong trào trồng mía nở rộ ở nhiều tỉnh thành nhưng đến thời điểm này, ngành mía đường đang phải đối diện với nhiều thách thức.

Chưa bao giờ lượng đường tồn kho lại nhiều như hiện nay.
Chưa bao giờ lượng đường tồn kho lại nhiều như hiện nay.

Chưa bao giờ lượng đường tồn kho lại nhiều như hiện nay, với khoảng 480.000 tấn. Để tồn tại, các doanh nghiệp sản xuất mía đường đã liên tục giảm giá, hiện giá xuất xưởng chỉ còn ở mức 13.000 đồng/kg, giảm khoảng 30%. Thế nhưng theo ghi nhận của PV Chất lượng Việt Nam tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ, giá đường vẫn được giữ vững từ nhiều tháng qua. Siêu thị Big C thu mua đường trực tiếp từ nhà máy, nhưng hiện giá vẫn hơn 18.000 đồng/kg, còn ở hầu hết các đại lý, cửa hàng bán lẻ thì có giá khoảng 20.000 đồng/kg.

Giá đường cân tại chợ Hôm (Hà Nội) bán với giá 19.000 đồng/kg. Cùng ngày, tại siêu thị tư nhân phố Linh Lang giá đường Biên Hòa 20.000 đồng/kg; đường tinh luyện Biên Hòa Re 20.500 đồng/kg.

Còn về phía người tiêu dùng, do đường là mặt hàng thiết yếu nên dù giá cao hay giá thấp, dù muốn hay không họ vẫn phải chấp nhận. Tồn kho nhiều, giá xuất xưởng thấp nhưng giá bán lẻ đến người tiêu dùng vẫn cao. Thực tế này có vẻ đi ngược lại với quy luật cung cầu.

Như vậy, khoảng cách giá đường từ nhà máy sản xuất đến tay người tiêu dùng đang ở quá xa. Chênh nhau đến 7.000 đồng/kg. Khâu phân phối bán lẻ đang bị thả nổi, thiếu sự kiểm soát?

Trong khi đường trong nước tồn kho thì lượng đường nhập lậu trên thị trường ngày một tăng, khiến không ít nhà máy sản xuất đường phải ngừng hoạt động, người trồng mía thua lỗ nặng. Nếu không sớm có biện pháp tháo gỡ thì số nhà máy mía đường ngừng hoạt động sẽ tăng lên từng ngày.

Ông Nguyễn Văn Út – Giám đốc Xí nghiệp đường Cà Mau cho biết, Xí nghiệp đã tạm ngừng hoạt động trong vài ngày qua, vì không đủ nguồn nguyên liệu. Vụ sản xuất 2012- 2013, Xí nghiệp đề ra kế hoạch thu mua 120.000 tấn mía, thế nhưng sản lượng thu mua chỉ đạt 95%, kéo theo sản lượng đường không đạt chỉ tiêu 10.200 tấn. Do đường khó tiêu thụ và giá cả bị sụt giảm mạnh nên sản xuất không có lãi. Hệ lụy kéo theo là giá thu mua mía nguyên liệu của nông dân thấp. Hiện nay, sau nhiều lần điều chỉnh, giá thu mua nguyên liệu cũng chỉ dừng lại ở 1.250.000 đồng/tấn. Nhiều hộ nông dân  không còn tha thiết với nghề trồng mía.

Người tiêu dùng luôn là người chịu thiệt.
Người tiêu dùng luôn là người chịu thiệt.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết: "Giá đường đang đứng 20.000 đồng/kg như hiện nay là không ổn. Cần minh bạch quản lý giá đường hiện nay. Cân đối sản xuất trong nước, nhập  khẩu, và bán lẻ để người tiêu dùng không bị thiệt. Ông cho rằng, hệ thống phân phối của Việt Nam vẫn bị thao túng, khiến cho giá cả bị "đẩy” lên vô tội vạ. Khi 1kg cà chua giá 500 đồng ở Thái Bình được bán tại Hà Nội với giá 8.000 đồng hay 1kg cá trích giá 8.000 đồng nhưng qua khâu vận chuyển giá đội lên tới 30.000 đồng... thì không thể không xem xét, chấn chỉnh hệ thống phân phối.

Một thực tế đang diễn ra, các doanh nghiệp kinh doanh đường rất ít khi mua đường trực tiếp tại các nhà máy mà đều thông qua đại lý buôn bán đường. Các đại lý này đẩy giá đường lên khoảng 15%. Sau đó doanh nghiệp đường lại chi mức chiết khấu cao cho cơ sở bán lẻ. Giá đường tăng thêm 15% nữa. Qua 3 khâu trung gian, từ nhà máy đến  tay người tiêu dùng giá đường bị nâng cao một cách vô lý. Hệ thống phân phối vẫn phát triển tự phát với mô hình nhiều tầng nấc, đã khiến giá đến tay người tiêu dùng "ảo”.

Các chuyên gia cho rằng, cách thức quản lý giá hiện nay của hầu hết mặt hàng vẫn chỉ nằm ở phần ngọn. Tức là nắm giá niêm yết. Chưa kể việc, nhiều mặt hàng niêm yết giá một kiểu nhưng bán một kiểu. Mỗi lần có các sự kiện liên quan về giá như "giá bị thổi phồng”, "tăng giá vô tội vạ” hay "sốt giá” thì cơ quan quản lý thành lập đoàn thanh tra giám sát. Nhưng sau thanh tra giám sát thị trường giá đâu lại vào đấy. Tiền của người tiêu dùng vẫn mất, người nông dân bị thiệt. Hệ thống phân phối cần phải được sắp xếp lại.

Duy Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang