Thép sản xuất trong nước khó cạnh tranh với thép nhập khẩu

author 15:59 08/09/2014

(VietQ.vn) - Tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn về nhập khẩu thép cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nộị” diễn ra vừa qua, đa phần các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cho biết khó khăn của mình là không thể cạnh tranh với thép nhập khẩu.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Thực trạng nhập khẩu thép của các doanh nghiệp

Tại Hội nghị, ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho biết: “Trong năm 2013, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được 5,5 triệu tấn phôi thép, 10,2 triệu tấn thép thành phẩm các loại. Thép sản xuất được trong nước cung đã vượt cầu. Tuy nhiên, một số loại thép chúng ta chưa tự sản xuất được vì không không có công nghệ và chưa đầu tư nghiên cứu như thép hợp kim, thép không gỉ, thép tấm cán nóng, các loại thép phục vụ công nghệ chế tạo cơ khí, thiết bị điện…

thép trong nước khó cạnh tranh với thép nhập khẩu

Một số loại thép chúng ta tự sản xuất được cũng không thể cạnh tranh với thép nhập Trung Quốc. Ảnh minh họa

Vì vậy, các doanh nghiệp phải nhập khẩu thép với số lượng lớn để phục vụ sản xuất từ các nước: Trung Quốc, Nhật bản, Đài Loan, Nga, Hàn Quốc… Theo Tổng cục Hải quan, năm 2013, số lượng nhập khẩu thép là 7,6 triệu tấn, tương đương với khoảng gần 6 tỷ đô. Thép là mặt hàng đứng thứ 5 trong nhóm hàng nhập khẩu chính của Việt Nam.

Riêng Hà Nội, năm 2013, giá trị nhập khẩu thép là trên 1,2 tỷ đô, Hà Nội là trung tâm nhập khẩu thép lớn nhất cả nước với trên 600 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp phân phối thép nhập khẩu mặt hàng này với số lượng lớn, khoảng 100 triệu đô hàng năm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu thép để sản xuất cũng chiếm số lượng không nhỏ. Thép nhập để sản xuất trong năm 2013 có tổng giá trị khoảng 200 triệu đô mỗi năm. Tron đó bao gồm các doanh nghiệp FDI hàng đầu của hà nội như công ty canon, yamaha, toshiba, các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực như dụng cụ cơ khí xuất khẩu, Nồi hơi, Sơn Hà…

Theo các doanh nghiệp, việc thực hiện theo Thông tư liên tịch Số 44 của Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ gây nhiều khó khăn cho doanh nhiệp nhập khẩu thép để sản xuất, vì họ không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nhập khẩu thép nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Vướng mắc của các doanh nhiệp nhập khẩu thép 

Những loại thép chúng ta chưa sản xuất được buộc phải nhập khẩu với số lượng lớn từ các nước, chủ yếu là Trung Quốc. Đó cũng là khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối diện. Một số loại thép chúng ta tự sản xuất cũng không thể cạnh tranh với thép nhập Trung Quốc vì loại thép này đang được tiêu thụ mạnh do giá rẻ.

Đa số các doanh nghiệp thép trong nước chỉ sản xuất cầm chừng, thu hẹp sản xuất vì sức mua yếu nhưng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn được tiêu thụ mạnh, nhất là ở các vùng nông thôn, các công trình tư nhân do giá rẻ. Việc này khiến doanh nghiệp thép trong nước càng thêm khó khăn vì khó cạnh tranh.

Đại diện công ty Sơn Hà cho biết: “từ ngày 31/12/2013, thực hiện theo Thông tư liên tịch Số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN - Quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu với mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm và tránh gian lận trong thương mại. Tuy nhiên trong quá trính thực hiện thông tư, vướng mắc hàng đầu của doanh nghiệp là thời gian trả kết quả từ phía các cơ quan kiểm duyệt chất lượng thép. Việc chờ đợi này gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, tăng chi phí và không thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc”.

Đại diện công ty cho ví dụ cụ thể: Phía công ty nhập khẩu thép vật liệu để sản xuất một chiếc thùng thép. Theo thông thư 44 phải qua rất nhiều bước kiểm định, kiểm duyêt. Vì vậy, chi phí thành phẩm tăng cao. Trong khi một chiếc thùng thép hoàn thiện nhập từ Trung Quốc thì không được kiểm định kỹ càng về chất lượng, giá thành rất rẻ. Như vậy, Sơn Hà không thể cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Do hạn chế về tài chính, một số doanh nghiệp chỉ nhập số lượng thép nhỏ, theo đó, các doanh nghiệp ít có cơ hội nhập khẩu từ chính nhà sản xuất mà phải nhập từ các kênh phân phối khác nhau. Các nhà sản xuất chỉ có 1 vài chủng loại thép, trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp cần nhiều loại, nên chỉ các nhà phân phối mới đáp ứng được.

Do phải qua nhiều tầng thấp trung gian nên doanh nghiệp chịu nhiều rủi ro. Để giảm tồn kho, đọng vốn mỗi lần nhập khẩu, các doanh nhiệp chỉ nhập số lượng vừa đủ để sản xuất, nếu trong quá trình nhập khẩu có phát sinh, doanh nhiệp phải đăng ký kiểm định lại với cơ quan chức năng. Quá trình này mất rất nhiều thời gian và chi phí.

Ông Bùi Quang Chuyện cho biết: “Theo thông tư 44, việc yêu cầu kiểm định chất lượng tất cả các loại thép nhập khẩu là để nâng cao chất lượng sản phẩm và tránh gian lận trong thương mại, nhưng trên thực tế, lại làm cho các doanh nghiệp nhập khẩu thép để sản xuất có nguy cơ ách tắc rất cao khi phải chờ đợi lâu. Không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nhập khẩu thép để phân phối".

Trước tình hình doanh nghiệp thép trong nước gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và phải cạnh tranh với thép giá rẻ nhập từ Trung Quốc, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương sẽ tiến hành tham vấn các cơ quan quản lý về doanh nghiệp, lấy ý kiến của họ về việc sửa đổi, bổ sung thông tư 44. Đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp sớm nghiên cứu, tính toán lại việc giảm giá một số hàng hóa tồn kho lâu ngày, bám sát diễn biến của thị trường để có những điều chỉnh về chính sách bán hàng cho phù hợp nhằm đẩy mạnh công tác tiêu thụ vào những tháng cuối năm.

Hương Giang

 

 



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang