Thi đại học 2014: Yếu tố sống còn quyết định kết quả

author 19:04 20/06/2014

(VietQ.vn) - Chuẩn bị sẵn sàng sức khỏe, tâm lý, kĩ năng làm bài, kiến thức… là những yếu tố sống còn quyết định kết quả của các sỹ tử trong kỳ thi đại học, cao đẳng 2014.

Sự kiện:

Giảm stress trước kỳ thi đại học 2014

Áp lực trong thời điểm này sẽ diễn ra với mọi thí sinh như: mong thi đỗ vào trường mình đã chọn, mong đạt được sự kỳ vọng của gia đình, người thân, mong được như bạn bè… Không ít học sinh mắc phải những sang chấn tâm lý, tinh thần, thậm chí trầm cảm chủ yếu xuất phát từ áp lực phải thi đỗ đại học. 

Chia sẻ với bạn bè, người thân là phương pháp hữu hiệu giúp thí sinh giảm bớt lo âu, khắc phục trở ngại. Hãy tìm đọc những cuốn sách, xem các bộ phim thú vị, hài hước. Điều đó có thể giúp cân bằng trạng thái tâm lý, giải tỏa căng thẳng.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên thay đổi suy nghĩ “đại học là con đường duy nhất để vào đời”, vô tình tạo nên áp lực cho con em mình. Cha mẹ nên thường xuyên động viên, chia sẻ những khó khăn và con đang phải đối mặt để giải quyết kịp thời, không làm ảnh hưởng đến tâm lý thi cử. Hãy giúp các em cả vật chất và tinh thần bằng cách cùng lên kế hoạch học tập với con, động viên khen thưởng kịp thời sau sự thành công, dù là nhỏ, trong học tập.

Sức khỏe đóng vai trò quyết định trong kỳ thi đại học 2014

chuẩn bị sức khỏe tâm lý đi thi đại học

Sức khỏe và tâm lý luôn là yếu tố then chốt quyết định đến kết quả thi đại học 2014 của các sỹ từ

Thời gian ôn tập trước thi Đại học bao giờ cũng là giai đoạn cam go nhất và đóng góp nhiều phần quyết định thành công trong thi cử. Thời gian thường còn ít nhưng biển kiến thức bao la cần hệ thống và ghi nhớ thì lại rất nhiều.

Vì vậy, việc ép trí não phải làm việc với cường độ cao, quá sức dễ gây mệt mỏi, đau đầu, hoặc cảm giác trơ lỳ không chịu làm việc của não. Từ đó, có thể dẫn đến hậu quả là các em ngồi học nhiều nhưng không đạt hiệu quả cao. Thậm chí, một số trường hợp cơ thể suy sụp, ốm nặng do căng thẳng khiến hệ miễn dịch bị yếu đi.

Theo Tiến sỹ - Bác sỹ Phan Bích Nga, Phó giám đốc Trung tâm Khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để khắc phục tình trạng này, phụ huynh cần thu xếp thời gian cho các cháu được ngủ đủ giấc. Tối thiểu cần 7-8 tiếng/ngày để trí óc được nghỉ ngơi đủ, không nên thức quá khuya vì có thể gây các rối loạn chuyển hóa. Nếu cần thì nên dậy sớm hơn là thức khuya.

Về chế độ dinh dưỡng, trung bình học sinh nam cần 2700-3000 calo/ngày. Học sinh nữ cần 2300-2500 calo/ngày. Ngoài ra cũng phải thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm để các em không bị rối loạn tiêu hóa trong thời gian này. Thực hiện “ăn chín uống sôi”, mua thực phẩm tươi, tránh và hạn chế mua thức ăn chế biến sắn, không ăn các thức ăn ôi thiu, ăn thức nhiều ngày chưa hết, thức ăn có màu mùi lạ…

Luôn chuẩn bị một số loại thuốc thông thường như: đau đầu, cảm cúm, rối loạn tiêu hóa, giảm đau, dầu gió… Luôn đề cao phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, như vậy lúc cần sẽ không phải lo đi đâu tìm cả.

Lưu ý là các học sinh không nên dùng nhiều chất kích thích để thức qua đêm, có thể uống một ít nước chè, cà phê pha loãng giúp hoạt hoá thần kinh nhưng không nên dùng thuốc lá, rượu bia... Những chất kích thích mạnh này chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, dễ gây ra ảo giác, hưng phấn giả, không có lợi cho trí nhớ, sức khoẻ. Thay vào đó, hãy tìm đến các môn thể thao nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, đạp xe...

Kĩ năng làm bài cần thiết trong khi thi đại học 2014

Bình tĩnh đọc kỹ đề thi để có sự chủ động khi làm bài, câu nào dễ làm trước câu nào khó làm sau. Đừng cố gắng giải cho bằng được câu khó mà không quan tâm tới thời gian.Sỹ tử hãy dành 5-10 phút cuối buổi để đọc lại bài làm. Nếu xong sớm, không vội vàng nộp bài làm gì. Hãy chiến đấu đến phút cuối cùng và chỉ nộp bài khi giám thị yêu cầu. Nên đọc kỹ,  rà soát ký lưỡng, để sửa lỗi. Sửa được lỗi nào, dù nhỏ, cũng làm tăng giá trị của bài. Trong một kỳ thi, 1/4 điểm cũng quý, thậm chí có thể "lật ngược thế cờ", từ trượt thành trúng tuyển.

Đặc biệt không được thực hiện những hành vi quay cóp hoặc cho bạn chép bài. Không ít thí sinh bị hủy kết quả thi vì do người bên cạnh xem bài.  Hãy luôn giữ thái độ đúng mực, ứng xử văn hóa trong phòng thi: không quay ngang quay ngửa, gây ồn làm phiền người khác, không hút thuốc lá trong phòng thi, không nói năng thiếu vắn hóa... Thưa gửi lễ phép với các thầy cô giám thị khi được hỏi, chào thầy cô nghiêm chỉnh khi vào phòng thi cũng như khi ra về.

Củng cố và hệ thống hóa kiến thức

Trước khi thi các thí sinh hãy lập dàn ý đại cương cho các môn học để nắm bắt được các ý chính của kiến thức, hãy tạo ra mối liên kết, sự tương đồng, gần gũi giữa các mảng kiến thức lại với nhau, thậm chí là giữa các môn học này với môn học khác.

Thời điểm này việc cố gắng nhồi nhét  một đống kiến thức quá chi tiết vào trong đầu là vô nghĩa. Bạn hãy cố gắng nhớ những quy luật, những công thức, lý thuyết, định nghĩa, định luật… và biết cách áp dụng nó vào trong từng trường hợp bài tập cụ thể. Đây chính là nguyên tắc học là phải nắm chắc cái gốc của từng môn.

Các sỹ tử cũng nên quan tâm đến thời gian và không gian khi học bài. Thời gian học hiệu quả thường khoảng 45 phút sau đó hãy nghỉ ngơi thư giãn một chút. Xác định thời điểm học cũng rất quan trọng. Khả năng lao động trí óc của con người tăng dần từ sáng sớm tới gần trưa, sau đó giảm dần - sau bữa ăn trưa nên có ngủ trưa chút ít từ 30 phút. Buổi chiều có hơi giảm vào giờ ăn tối. Sau đó, dường như có một chu kỳ mới và khả năng trí óc lại tăng dần cho tới khoảng 21h, sau đó lại giảm. Không nên thức sau 21h- vì đầu óc sau một ngày làm việc dường như đã bão hòa, không còn tiếp thu thêm được nữa.

Về không gian học, hãy ngồi gần cửa sổ, càng tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên và thoáng mát như vậy sẽ dễ chịu thoái mái hơn.

Nguyễn Huyền (th)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang