Thị giá liên tục giảm, gia đình Chủ tịch VPBank vẫn chi hơn 400 tỷ 'ôm' lô 21 triệu cổ phiếu

author 13:32 17/11/2018

(VietQ.vn) - Với 21 triệu cổ phiếu mà mẹ con ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT của VPBank vừa đăng ký mua, ước tính họ phải bỏ ra hơn 400 tỷ đồng để mua hết số cổ phiếu đó.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – HoSE: VPB) vừa có thông báo về giao dịch người nội bộ ở ngân hàng này. Theo đó, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT của VPBank vừa đăng ký mua 8 triệu cổ phiếu VPB.

Đồng thời, bà Vũ Thị Quyên (mẹ ông Dũng) cũng đăng ký mua 13 triệu cổ phiếu. Thời gian đăng ký giao dịch bắt đầu từ ngày 21/11/2018 tới 21/12/2018 thông qua khớp lệnh trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Trước đó, hồi cuối tháng 10, bà Hoàng Anh Minh - vợ ông Dũng cũng đã mua vào hơn 7 triệu cổ phiếu VPB, nâng tỷ lệ sở hữu lên 4,92% vốn điều lệ, tương ứng với hơn 125 triệu đơn vị. 

Gia đình ông Ngô Chí Dũng hiện cũng là những cổ đông lớn nhất tại nhà băng này. Nếu giao dịch thành công, gia đình Chủ tịch VPBank sẽ nắm giữ 14,5% vốn điều lệ tại ngân hàng này, tương ứng với 367 triệu cổ phiếu VPB.

Cổ phiếu của VPBank niêm yết trên thị trường chứng khoán từ giữa tháng 8/2017. Thời kỳ đầu khi mới lên sàn, đây là 1 trong những ngân hàng được các nhà đầu tư "để mắt". Tuy nhiên, thế cờ đã đảo ngược sau hơn 1 năm giao dịch. Triển vọng kinh doanh không mấy tích cực cùng với đó là thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh khiến cổ phiếu VPBank liên tục giảm.

Từ mức đỉnh (sau điều chỉnh) hơn 43.000 đồng xác lập đầu tháng 4/2018, đến nay, thị giá cổ phiếu VPB đã giảm hơn 50%, còn 20.300 đồng. Vốn hóa thị trường hiện đạt hơn 46.600 tỷ đồng.

Động thái gia tăng lượng cổ phiếu của cổ đông nội bộ VPBank diễn ra trong bối cảnh như thế. Tạm tính tại mức giá này, ông Dũng và bà Quyên có thể phải chi ra khoảng hơn 400 tỷ đồng để mua hết số cổ phiếu đăng ký.

Vinataxi ảnh hưởng thế nào khi Tradico thoái vốn?(VietQ.vn) - Tradico vừa gây bất ngờ lớn khi quyết định thoái vốn khỏi Vinataxi (tương đương khoảng 34 tỷ đồng), chính thức rút khỏi ngành taxi.

Về phần VPBank, tính đến hết nửa đầu năm nay, nợ xấu tại ngân hàng này tăng từ gần 6.200 tỷ đồng cuối năm 2017 lên 8.090,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng nhanh từ 1.067 tỷ đồng lên 1.606,6 tỷ đồng, tăng hơn 50% trong vòng 6 tháng.

Tính chung đến 30/6, nợ xấu tại VPBank đạt xấp xỉ 4,07%, tăng khá so với mức 3,39% cuối năm 2017, vượt ngưỡng 3% so với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Được biết, tới giữa năm nay, cả tăng trưởng huy động và tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng này đều ở mức trung bình là gần 8% và 6,8% so với cuối năm 2017. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2017 thì huy động vốn tăng 10,3% nhưng tín dụng tăng tới 18,9%.

Đến quý III/2018, Chi phí dự phòng rủi ro của VPBank cũng tăng mạnh 69% so với quý III/2017, lên tới 2.748 tỷ đồng. Do đó, dù lợi nhuận thuần trong kỳ tăng 13% song lợi nhuận trước thuế lại giảm 26%, chỉ đạt 1.749 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, VPBank đã dành 8.194 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm tới 57% lợi nhuận thuần 9 tháng của ngân hàng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ còn lại 6.124 tỷ đồng, nhưng vẫn đạt tăng trưởng 9% so với 9 tháng năm 2017.

Nguyễn Huệ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang