Thi Quốc gia 2015: Sẽ chọn phương án 1?

author 06:49 10/08/2014

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, phương án thi tích hợp là mục đích cần hướng tới, nhưng để thầy và trò kịp chuẩn bị thì cần có lộ trình.

Đổi mới có lộ trình

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, trong 3 phương án môn thi Bộ GD&ĐT đưa ra trong dự thảo, trước mắt, ở kỳ thi năm 2015, nên chọn phương án 1, vì nó tương tự phương án thi tốt nghiệp THPT 2014, chỉ khác môn Ngoại ngữ là bắt buộc. Như vậy sẽ không làm cho học sinh cảm thấy đột ngột.

thi quốc gia 2015, quản lý giáo dục, tuyển sinh, tốt nghiệp phổ thông, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, phương án 1

GS Nguyễn Minh Thuyết 

Tiếp đó, năm 2016 sẽ áp dụng phương án 2, ngoài 3 môn bắt buộc, thí sinh phải chọn 1 bài có nhóm tự nhiên (Hóa, Lý, Sinh) hoặc xã hội (Sử, Địa); như vậy sẽ khắc phục được tình trạng học lệch.

Tới năm 2016 thì thi theo phương án 3, tức là thi tích hợp đủ kiến thức của 8 môn, vì từ nay tới lúc đó có đủ thời gian bồi dưỡng giáo viên, thay đổi cách dạy, cách học.

Nếu áp dụng ngay phương án 3 từ năm 2015, Bộ GD&ĐT có thể chuẩn bị kịp đề thi, giáo viên có thể kịp được tập huấn chấm bài theo kiểu đề tích hợp, nhưng học sinh chưa được chuẩn bị kịp về tâm lý, sẽ lo lắng một cách không cần thiết.

Gắn trách nhiệm với chế tài cụ thể

Nhiều chuyên gia khi cho ý kiến về dự thảo phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia cho rằng, nên để các trường ĐH, CĐ đứng ra chủ trì kỳ thi này; các Sở GD&ĐT, trường phổ thông cùng phối hợp tổ chức nhằm hạn chế tiêu cực.

Trước những ý kiến này, GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ: Đưa toàn bộ học sinh lớp 12 về các trường ĐH để dự thi là một việc cồng kềnh, tốn kém, không làm được.

Vì vậy, kỳ thi phải diễn ra ở các địa phương, học sinh thi tại chỗ, chỉ giám thị là có sự điều động một số giảng viên các trường ĐH, CĐ về tham gia hội đồng thi. Hội đồng thi có thể do người của trường ĐH, CĐ hay người của địa phương làm chủ tịch.

Nhưng kỳ thi diễn ra ở địa phương, nếu lãnh đạo địa phương không có quyết tâm cao chống tiêu cực, chống bệnh thành tích thì khó có thể có những kỳ thi nghiêm túc.

Nên, khi đã giao cho các tỉnh chịu trách nhiệm rồi thì phải gắn trách nhiệm với chế tài cụ thể. Nơi nào để xảy ra tiêu cực thì lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo ngành phải bị kỷ luật, như thế các địa phương sẽ phải làm nghiêm.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh thêm: Cùng với việc thay đổi phương thức thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT cần đầu tư giải quyết vấn đề phân luồng học sinh.

Ngoại ngữ phải là môn thi bắt buộc

Quan điểm này đã nhiều lần được GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, và lần này ông tiếp tục giữ ý kiến khi góp ý dự thảo kỳ thi THPT quốc gia.

“Nếu muốn hội nhập với khu vực và thế giới thì Ngoại ngữ chắc chắn phải là môn thi bắt buộc. Năm 2015 Tổ chức các nước Đông Nam Á (ASEAN) sẽ trở thành cộng đồng ASEAN, lúc ấy thị trường ASEAN sẽ là một.

Bởi thế, yêu cầu Ngoại ngữ phải được nâng lên, và học sinh Việt Nam dứt khoát không thể kém học sinh các nước khác về mặt này. Nếu kém, các em sẽ phải nhường chỗ làm việc cho các bạn từ những nước khác và trở thành người thất nghiệp ngay trên quê hương mình.” - GS Thuyết nhấn mạnh.

Việc dạy ngoại ngữ, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, đã có kế hoạch thực hiện từ nhiều năm nay, đã có hàng nghìn tỷ đồng được chi ra để nâng cao chất lượng giáo viên cũng như giúp học sinh học tập tốt hơn, vậy nên chẳng có cớ gì chúng ta cứ trì hoãn mãi chuyện thi Ngoại ngữ.

“Thêm nữa, để học tốt ở bậc đại học, Ngoại ngữ cũng vô cùng quan trọng. Học sinh cần có kiến thức cơ bản để nghiên cứu tài liệu và nâng cao dần trình độ khi học chuyên ngành” - GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Theo GDTĐ


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang