Thí sinh thi ĐH giảm, giảng viên đi bán hàng đa cấp

author 16:13 05/05/2013

(VietQ.vn) - Do thí sinh học ngành kế toán giảm, cô giáo N.T của một ĐH chuyên về may đã tính chuyện bán hàng đa cấp.

Ít giờ dạy nên đi bán hàng đa cấp

Tốt nghiệp Học viện Tài chính, N.T được tuyển dụng vào một trường chuyên đào tạo ngành May nhưng lại được mở thêm các ngành khác như kế toán, tài chính - ngân hàng, tin học...

Tranh châm biếm một mô hình bán hàng đa cấp lừa đảo.
Tranh châm biếm một mô hình bán hàng đa cấp lừa đảo.

Những năm trước, theo NT, nhiều thí sinh muốn học kế toán nhưng không thi được vào các trường tốp đầu như ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính...nên đã "đâm đơn" vào trường này. Số người học lúc đó còn đông, nên NT được bố trí nhiều giờ giảng.

Nhưng đến năm nay, lượng thí sinh giảm hẳn, số giờ dậy của NT ít hẳn đi. 

"Những ngành không phải thế mạnh của trường như Kế toán này, giảng viên không được biên chế mà chỉ hợp đồng thôi. Lương vì thế cũng theo số giờ dạy. Số giờ dạy ít thì thu nhập cũng ít" - NT tâm sự.

Do đó, cô giảng viên trẻ tuổi đã bắt đầu đăng ký vào mạng lưới bán hàng đa cấp, kinh doanh hóa - mỹ phẩm.

Cũng như NT, một thạc sĩ ngành kinh tế từng du học ở Hà Lan, cũng tham gia bán hàng đa cấp ngoài giờ dạy, vì thời gian đứng lớp ít nên thu nhập không cao.

Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam tại buổi bàn giao hồ sơ thi ĐH các tỉnh phía Bắc diễn ra sáng 5/5, nhiều địa phương có số lượng thí sinh đăng ký sụt giảm đáng kể, như tỉnh Ninh Bình giảm hơn 3 nghìn hồ sơ, Thanh Hóa giảm hơn 16 nghìn hồ sơ, Nam Định giảm gần 9 nghìn hồ sơ, Bắc Giang giảm gần 6 nghìn hồ sơ, Vĩnh Phúc giảm hơn 4,2 nghìn hồ sơ...

Tại các tỉnh như Nam Định và Thái Bình, chúng tôi ghi nhận thấy, nhiều vị phụ huynh đã nhận ra thực trạng thất nghiệp tràn lan hiện nay. Nhiều người còn cho rằng, nếu con mình học giỏi hoặc nhà "có cơ" thì mới nên cho học ĐH, vì phải tốn đến trăm triệu chi cho 4 - 5 năm con mình ăn học ở thành phố. Nếu không, có thể đi học nghề lái xe hoặc thu mua sắt vụn, cũng có thu nhập đủ sống.

Vì đâu?

GS Hoàng Tụy cho rằng: "Trước đây hệ thống giáo dục đại học của ta theo mô hình Liên Xô cũ. Đến khi nhận rõ mô hình đó không còn thích hợp mà phải thay đổi theo yêu cẩu mới của công cuộc phát triển đất nước, ta lại không có những nhà quản lý đủ hiểu biết chuyên nghiệp cần thiết và nắm vững tính hệ thống nên cứ thay đổi nham nhở, chắp vá, cuối cùng biến giáo dục đại học thành một hệ thống đầu Ngô mình Sở, chẳng giống ai cả".

Đã thế mà từ 2006 lại mạo hiểm lao theo chiến lược tân tự do trong phát triển giáo dục, cổ suý giáo dục là hàng hóa, phát triển mạnh trường tư vị lợi, cổ phần hóa đại học công... Trong khi đó, mọi vấn đề từ chế độ tiền lương, chính sách sử dụng tài năng, từ việc đào tạo sau cử nhân, phương thức đào tạo liên ngành, cho đến tuyển dụng, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư, bảo đảm tự chủ đại học, xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học, tự do học thuật, tất cả đều ở trạng thái cổ hủ, lạc hậu.

Chẳng khác nào đường sá thì lầy lội gồ ghề, đầy ổ trâu ổ gà, lại chủ trương nhập xe hơi xịn phóng nhanh cho oai.

Chính cái tâm lý chưa biết đi đã đòi chạy, cái lối học kinh nghiệm thế giới theo kiểu thầy bói sờ voi đó là nguồn gốc tất cả những yếu kém, khó khăn của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam dù đã tốn không ít công sức xây dựng qua mấy thập kỷ.

Mai Phương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang