Thi tốt nghiệp THPT 2014: Đề thi ngoại ngữ và địa lý sẽ có tình hình biển Đông?

author 16:42 02/06/2014

(VietQ.vn) - Không chỉ môn ngữ văn, lịch sử, các chuyên gia, giáo viên đều nhận định tình hình biển Đông có thể tiếp tục được đề cập trong các môn địa lý, ngoại ngữ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tại kỳ thi tốt nghiệp năm nay, các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý sẽ thi theo hình thức tự luận; các môn vật lý, hóa học, sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm. Đề thi có những thay đổi lớn ở 2 môn ngữ văn và ngoại ngữ.

Biển Đông rất có thể vào nội dung đề thi tốt nghiệp THPT 2014 môn ngoại ngữ và địa lý

Cụ thể, môn ngữ văn sẽ có 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Ở phần đọc hiểu, Bộ GD-ĐT quyết định sẽ đưa những văn bản không có trong sách giáo khoa vào đề thi.

Đề thi môn ngoại ngữ có thêm phần viết (chiếm khoảng 30%) và phần lớn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Khi làm bài thi môn này, thí sinh sẽ làm phần trắc nghiệm trước, sau khi nộp phiếu bài làm phần thi này, thí sinh mới làm phần thi viết. Tổng thời gian cho môn thi ngoại ngữ là 70 phút, trong đó có 10 phút dành cho việc nộp bài và thu bài phần thi trắc nghiệm.

Theo đó, tại phần thi viết, rất có thể nội dung liên quan tới biển Đông sẽ được đề cập.

Về môn Địa lý, nhiều đề thi thử môn này đều có 1 tới 2 câu nhắc tới biển Đông liên quan tới khía cạnh: vị trí địa lý, lợi ích kinh tế, an ninh quốc phòng…

Ông Trần Văn Quang, giáo viên môn Địa Trường Quang Trung Nguyễn Huệ, cho biết: “Chương trình lớp 12 có ba bài học nói về biển đảo: hai bài dạy trong học kỳ 1, còn lại bài 42 (Vấn đề phát triển kinh tế - an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo của nước ta) chúng tôi mới dạy cho học sinh ở thời điểm tháng 4-2014.

“Với vai trò quan trọng chiến lược của biển Đông và đáp ứng yêu cầu giáo dục tư tưởng - chính trị xuyên suốt quá trình dạy - học, có thể dự đoán nhiều khả năng vấn đề biển Đông xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp địa lý năm nay. Các bài học liên quan nhiều đến biển Đông là vị trí, phạm vi lãnh thổ; thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển, vấn đề phát triển ngành thủy sản; vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo” - thầy Nguyễn Quốc Lịch, giáo viên dạy địa lý Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, chia sẻ.

Theo một giáo viên dạy địa lý khác ở Trường THPT Trần Phú thì “Xu hướng ra đề thi mở được Bộ GD-ĐT chú trọng không chỉ với môn ngữ văn mà có thể xuất hiện ở những môn thi khác, trong đó có môn địa lý. Rất nhiều kiến thức địa lý nằm trong phạm vi nội dung có thể ra đề thi liên quan tới biển Đông... Đề thi có thể từ những yêu cầu tái hiện kiến thức trong chương trình - sách giáo khoa, yêu cầu học sinh đánh giá về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc giữ gìn chủ quyền biển đảo...

Hạ Lan (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang