Thi tốt nghiệp THPT 2014: Những kỹ năng giúp ăn điểm tuyệt đối

author 19:29 01/06/2014

(VietQ.vn) - Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được Bộ GD&ĐT triển khai với nhiều nét mới. Vì vậy mỗi thí sinh cần bỏ túi và nắm vững những kỹ năng cần thiết trước khi bước vào kỳ thi quan trọng này.

Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại toàn quốc đã hoàn tất, sẵn sàng. Với những thay đổi về lịch thi, thời gian thi... các tỉnh, thành phố đều đã có nhiều phương án để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, bảo đảm một kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đáp ứng yêu cầu đổi mới thi và không gây căng thẳng, lo lắng cho thí sinh và người nhà.

thi tốt nghiệp 2014

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp năm nay, trước hết mỗi học sinh cần nắm vững những điểm mới trong chủ trương của Bộ GD&ĐT.

Điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 là kỳ thi có 10 điểm mới và thay đổi so với các kỳ thi trước như: Số môn thi từ 6 giảm xuống 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn); thời gian làm bài thi Toán và Ngữ văn còn 120 phút; hình thức thi (môn Ngữ văn có phần đọc hiểu và làm văn, môn Ngoại ngữ có phần viết và trắc nghiệm); tổ chức các Hội đồng coi thi có từ hai trường phổ thông trở lên, không xếp thí sinh của các trường khác nhau trong cùng một phòng thi; điểm liệt tính là 1 điểm trở xuống (trước là 0 điểm); cách tính điểm tốt nghiệp có thêm điểm quá trình học tập… Do thí sinh được tự chọn môn thi nên mặc dù thi 4 môn, nhưng kỳ thi sẽ diễn ra với 8 môn, có buổi thi 2 môn.

Lưu ý khi thi môn Toán

Với môn Toán, Bộ quy định thí sinh được phép mang các máy tính cầm tay vào phòng thi là máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản (như tính năng ghi chép, ghi số điện thoại…), không có thẻ nhớ cắm thêm vào. Danh sách các máy tính cầm tay thông dụng (làm được các phép tính số học, các phép lượng giác và các phép tính siêu việt) đáp ứng yêu cầu cơ bản mà Bộ GD&ĐT đưa ra: Casio FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 500 ES, FX 500VNPlus, FX 570 MS, FX 570 ES, FX 570 ES Plus và FX 570 VN Plus; VinaCal 500MS, 570 MS, 570 ES Plus và 570 ES Plus II; Vietnam Calculator VN-500RS, VN 500 ES, VN 500 ES Plus function, VN 570 RS, VN 570 ES và VN-570ES Plus; Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509WM; Canon F-788G, F-789GA và các máy tính tương đương.

Trong quá trình làm bài, phải kiểm soát được những gì mình viết ra, hết sức tập trung để tính toán và biến đổi cho đúng, phải lập luận và giải thích trong từng bước làm.

Không nên có lời giải quá vắn tắt vì có thể không phù hợp với đáp án. Nên trình bày các bước trung gian thật cụ thể để khi dư giờ có thể dò lại dễ dàng hơn. Đặt điều kiện (nếu có) để bài toán tồn tại. Cuối mỗi bài toán phải nêu kết luận.

Thí sinh cần tránh một số sai sót như: Không đọc kỹ đề và thay thế sai dữ liệu, hiểu lạc đề nên đặt vấn đề sai. Sử dụng không đúng hoặc tùy tiện các ký hiệu, khái niệm toán học. Khi giải phương trình quên đặt điều kiện để phép biến đổi là tương đương.

Lưu ý khi thi môn Tiếng Anh và các môn trắc nghiệm

Nét mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là với môn ngoại ngữ các em vừa phải viết tự luận, vừa phải trả lời phiếu trắc nghiệm.

Học sinh cần đọc kỹ nội dung câu trắc nghiệm để lựa chọn phương án đúng (A hoặc B, hoặc C, hoặc D) và dùng bút chì đen tô kín ô tròn tướng ứng với chữ cái đã chọn trong phiếu trả lời trắc nghiệm.

Không dừng lại quá lâu trước một câu hỏi nào đó, nếu khó thì tạm thời bỏ qua để làm câu khác, cuối giờ quay trở lại làm tiếp; làm đến câu nào tô ngay câu đó vào phiếu trả lời; khi tô các ô tròn phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô (không gạch chéo hoặc đánh dấu); ứng với mỗi câu chỉ được tô một ô tròn.

Nếu tô nhầm hoặc muốn thay đổi phương án trả lời thì tẩy thật sạch ô cũ và tô kín ô khác mà mình mới lựa chọn; số thứ tự câu trả lời phải trùng với số thứ tự câu hỏi của đề thi; chỉ có phiếu trả lời trắc nghiệm mới được coi là bài làm của thí sinh. Nếu thí sinh trả lời ngay trên đề thi hoặc giấy nháp thì bài làm sẽ không được chấm.

Để bài làm được chấm bằng máy, phiếu trả lời phải sạch sẽ, không rách, không nhàu nát, không có vết gấp, mép giấy không bị quăn; ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu bằng bút mực và các câu trả lời đã tô bằng bút chì, tuyệt đối không được viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu trả lời và đề thi, không được chép lại câu hỏi của đề thi ra giấy; phiếu trả lời phải có 2 chữ ký của 2 giám thị phòng thi.

Lưu ý khi làm bài môn Ngữ Văn

Ở phần đọc hiểu, học sinh sẽ phải trả lời một số câu hỏi như xác định nội dung, thông tin chính, ý nghĩa văn bản, chi tiết, tên văn bản; ý nghĩa của từ ngữ, cú pháp; các biện pháp nghệ thuật tiêu biểu và tác dụng của chúng...

Với văn bản văn học, đặc biệt là văn bản có tính chất hư cấu, học sinh cần phân biệt nội dung cụ thể của văn bản với ý nghĩa toát ra từ nội dung đó...

Một điểm mới trong yêu cầu ở phần đọc hiểu năm nay là tích hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt vào việc đọc hiểu văn bản. Với mỗi câu hỏi, học sinh cần chú ý trả lời ngắn gọn, rõ ràng, tránh dài dòng, lan man.

Để làm tốt phần làm văn với cả hai dạng bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học, thí sinh cần biết cách viết ngắn gọn, chặt chẽ mà thuyết phục để đảm bảo được yêu cầu.

Học sinh phải xác định một lập luận chặt chẽ thuyết phục với hệ thống ý: vài hiểu biết về tác giả, tác phẩm - xuất xứ nhân vật, những đặc điểm nổi bật ở nhân vật, nghệ thuật xây dựng nhân vật, đánh giá ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm; ý nghĩa của nhân vật đối với bản thân...

Hương Mi (T.H)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang