Thi tốt nghiệp THPT: Lý do khiến học sinh ngại ngoại ngữ

author 16:49 18/06/2014

(VietQ.vn) - Học sinh ngại thi tốt nghiệp THPT ngoại ngữ bởi phải dồn sức học các môn khối A, B, C...với các đề thi nặng về kiểm tra đánh đố.

Không phải đến năm nay, khi lượng thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp ngoại ngữ hạn chế, người ta mới biết môn học này có...ít em chú tâm học. Việc thí sinh "ngại" môn ngoại ngữ đã diễn ra từ lâu, lúc internet còn hạn chế, cho đến khi các "quán net" mọc lên khắp các làng quê (điện thoại thông minh - phương tiện học ngoại ngữ thuận lợi -  cũng không còn là thứ xa lạ ở nông thôn)

Vì đâu ?

Trả lời chất vấn Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: "Chúng tôi đã tổ chức những đợt khảo sát các môn học, bậc học có tiếng Anh và ngoại ngữ thì thấy rằng cách dạy, cách học, cách thi ngoại ngữ hiện nay của chúng ta không giống ai trên thế giới. Chúng ta dạy và học chủ yếu là ngữ pháp nên học hết phổ thông cũng không nói được, người ta nói không hiểu nên phải thay đổi cách dạy, cách học, trong khi chưa thay đổi được thì không khuyến khích cách dạy, cách học cũ.

Vì sao học sinh ngại thi ngoại ngữ ?

Vì sao học sinh ngại thi ngoại ngữ ?

Đội ngũ thầy, cô giáo dạy ngoại ngữ của chúng ta trong nhà trường phổ thông hiện nay chưa đạt chuẩn, nói không được, nhiều cháu ở thành phố lớn đi học ở các trung tâm phát âm rất giỏi về cô lại chê, đây là một thực tế. Cho nên dứt khoát phải chấm dứt tình trạng nhận được bằng, chứng chỉ tốt nghiệp nhưng không sử dụng ngoại ngữ vào công việc thực tiễn được. Do vậy, chúng tôi phân tích và đi đến quyết định trước mắt cần chỉnh lại, thay đổi cách dạy, cách học ngoại ngữ để đúng hướng mới tăng tốc, chứ không tăng tốc theo hướng cũ...

Còn trước đây khi chúng ta nói thi ngoại ngữ bắt buộc, thì cũng không phải bắt buộc hoàn toàn mà những chỗ nào chưa có điều kiện thì cho thay thế. Tinh thần là chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh, hiện nay đang tập trung vào khâu đào tạo lại đội ngũ giáo viên giảng dạy ngoại ngữ của các nhà trường, làm thật tốt khâu này. Thứ hai là có một chương trình, bộ sách giáo khoa mới, cách dạy mới, cách học mới, đẩy mạnh theo hướng đó, lúc đó chúng ta sẽ tổ chức việc thi, có thể bắt buộc môn tiếng Anh để đi đúng hướng, đảm bảm đúng hiệu quả của chương trình".

Hiện nay, học sinh nông thôn hoặc "tỉnh lẻ" chiếm đa số thí sinh thi ĐH. Như Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo thừa nhận, ngay cả các cô giáo những nơi này còn nhiều người "chưa đạt chuẩn" thì liệu học sinh có phát âm chuẩn? Vì thế, khối D vẫn là lựa chọn xa vời với đa số thí sinh nông thôn, kể cả ở các thành phố không thuộc Trung ương.

Áp lực vào bằng được ĐH, áp lực thay đổi cuộc đời nông dân - không phải khổ như bố mẹ, khiến các em mỗi ngày phải luôn quyết tâm "cày" khối A, B, C...để hy vọng vượt qua bạn bè ở thành phố, dành một "tấm vé" bước lên giảng đường...

Cộng với đó là đề thi khối A, B luôn đánh đố với những bất đẳng thức dùng mẹo, với cách tính tích phân "loằng ngoằng"; đề thi khối C thì có nhiều câu phải học thuộc, phải đọc và "ngâm" kỹ các tác phẩm Văn chương, nhớ các cột mốc trong môn Lịch sử.

Cách thi cử thiên về "đọ cơ bắp" học thuộc, thạo các "mẹo" giải bài...hơn là đánh giá về tố chất học sinh, khiến cả thầy và trò đều mệt mỏi. Tại sao các nước họ thi SAT, GMAT nhẹ nhàng như vậy, mà ta cứ bắt học sinh phải "nhồi sọ" những kiến thức cao siêu?

Đổi mới thế nào?

Thay vì ra những đề như trên, đề thi tốt nghiệp THPT có thể đưa những bài liên quan đến lãi suất ngân hàng khi gia đình gửi tiền trong môn Toán, các sử dụng và bảo quản thiết bị điện gia dụng trong môn Vật lý, cách chăm sóc em bé khi bị sốt trong môn Sinh học…

Đó là những câu hỏi đơn giản nhưng thiết thực mà kỳ thi tốt nghiệp (và phần thi dành cho xét tốt nghiệp trong “kỳ thi gộp” sau này) cần hướng tới.

Với phần thi dùng để tuyển sinh ĐH, thay vì ra những bài phải dùng "mẹo", phải học thuộc lòng các công thức...thì hãy ra đề theo chuẩn SAT, GMAT của nước ngoài, không có những kiến thức cao siêu mà vẫn phân loại được thí sinh. Để làm những bài này, các em sẽ bớt phải học thêm, bớt mất thời gian học các khái niệm phức tạp.

Các môn xã hội có thể mở rộng các đề thi mở, hạn chế tối đa học thuộc lòng, "học vẹt", ra đề gắn với thời sự và phù hợp tâm lý "tuổi teen".

Đó mới là một trong những cách hữu hiệu để học sinh có thời gian hơn quan tâm đến môn ngoại ngữ.

Hoàng Tuân


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang